Nhà văn Xô viết quá cố Simonov khi trình bày một số kinh nghiệm viết về chiến tranh, đã viết: “Có một quy luật chung của nghệ thuật: người ta không thể viết những thứ người ta không biết, nhưng chiến tranh lại càng làm khó dễ cho ai chưa bao giờ nhìn thấy nó. Một người đã tham gia chiến tranh, khi nói chuyện với một người khác có mặt trong chiến đấu sẽ dễ hiểu người nói chuyện với mình hơn, dễ làm cho người khác tin hơn và dễ dàng anh ta cũng đào tới đáy sự kiện, bỏ qua những gì gián tiếp, hời hợt, bề ngoài để đi đến với sự thật chân chính. Con người chưa từng trải qua chiến tranh sẽ làm việc đó khó khăn biết mấy”.
Cái “may mắn” của Thạch Cương là ở đó. Anh có nhiều năm chiến đấu trên vùng đất thép Củ Chi, với những địa danh không thể nào quên như mật khu Hố Bò, Bến Súc, Trung Hòa, Nhuận Đức, Thanh An, Phú Hòa Đông, Phú Mỹ Hưng… - địa bàn chính trong 2 tập tiểu thuyết của anh. Đây là vùng đất mà trong suốt chiến tranh, kẻ thù tập trung bình định và tàn phá ác liệt, biến nó thành vùng trắng nhằm đánh bật cách mạng khỏi cái nôi của nhân dân. Cái thế giằng co cài răng lược này đã làm nảy sinh những tình huống giàu tính tiểu thuyết. Ở đây ta bắt gặp những câu chuyện xúc động về cuộc chiến đấu bám đất, bám dân của những người con kiên cường đất thép. Tập trung tô đậm tính chất ác liệt của chiến tranh, Thạch Cương hé mở cho ta thấy cái chiều sâu của cuộc sống vùng địa đạo Củ Chi, chiều sâu của những chiến công trong cuộc đối đầu lịch sử của nhân dân ta với một kẻ thù hung bạo bậc nhất. Điều đáng chú ý ở Bản Ballad trong rừng cao su là chiến tranh được miêu tả ngay tại địa bàn chính yếu của nó là chiến trường, lại là một chiến trường trọng điểm. Ở đó, sự cọ xát giữa ta và địch mỗi ngày mỗi giờ nảy lửa. Thông qua cuộc sống thường nhật trong chiến tranh của những cán bộ và chiến sĩ tuyên huấn T4 với những công việc hàng ngày như thâm nhập thực tế, viết bài của cánh phóng viên; in ấn báo của công nhân nhà in; đột ấp tuyên truyền của cán bộ tuyên huấn; biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân của văn công và chiếu phim; xen lẫn đào hầm xây cứ và đặc biệt là chống càn, cuốn tiểu thuyết đã làm nổi bật lên sự thích nghi tuyệt vời của con người với cái không bình thường, cái khốc liệt của cuộc chiến tranh, biến nó trở thành cái bình thường. Cái vĩ đại của cuộc chiến chính là ở đó. Thông qua cái bình thường nhưng phi thường ấy, Thạch Cương có tham vọng làm sống lại một thời kỳ chiến đấu gian khổ nhưng kiên cường và oanh liệt ở vùng đất thép. Đọc xong cuốn sách, người đọc phần nào có thể hình dung ra cuộc chiến quyết liệt ở vùng ven đô, cái dữ dội đặc biệt của cuộc chiến tranh có một không hai trên thế giới, cái giá phải trả bằng máu của mỗi chiến công, niềm kiêu hãnh lớn lao và những hy sinh mất mát không thể tính hết trên mảnh đất đầy máu và nước mắt. Ở đây, hàng ngàn tấn bom, hàng vạn tấn đạn pháo xối xả giội xuống những xẻo đất nhỏ. Cuộc sống ngỡ như bị hủy diệt. Ở đây, con người luôn luôn đứng trước những thử thách căng thẳng nhất. Con người đứng vững phải là con người luôn đủ sức đối mặt với những phương tiện giết người hiện đại nhất của kẻ thù. Chính cuộc chiến đấu ngồn ngộn chất liệu của dân quân Củ Chi là hơi thở, xương thịt, là nhịp sống làm nên giá trị của Đất thở và Bản Ballad trong rừng cao su.
Hơn ở đâu hết, trong văn học viết về chiến tranh, sự kiện có một tầm quan trọng đặc biệt. Nó không chỉ là đường viền, là cái nền cho câu chuyện về các nhân vật mà là một trong những yếu tố quan trọng của sự phát triển cốt truyện. Sự kiện lịch sử cũng là một đối tượng thẩm mỹ. Nó gánh trách nhiệm lớn lao trong việc tạo nên cụ thể bộ mặt chiến tranh. Nhưng vai trò của sự kiện dù to lớn đến đâu cũng không hạ nhân vật xuống hàng thứ yếu. Không thể không coi trọng những tâm tư thầm kín, chiều sâu về tâm hồn và trí tuệ của con người. Mặt mạnh của Thạch Cương là kể chuyện, là cái tái tạo những sự kiện, những trận đánh. Đây là nhiệm vụ không ít khó khăn. Với cách kể chuyện giản dị, bình thản, khách quan, không cường điệu, không lên gân, đôi lúc dí dỏm, anh đã ít nhiều tạo ra được những chi tiết có xương thịt, khiến cho bình diện bao trùm của cuốn sách là chiến tranh nhưng người đọc vẫn cảm thấy ít đơn điệu. Anh đã ít nhiều khắc họa được hình ảnh những người cầm súng chiến đấu như Quân, Ngọc, Trâm, Mến, Hai Mét, Tám Kiếng, Chín Cội, Quốc Thạnh… Anh chú ý đến tâm trạng của người chiến sĩ trước trận đánh, những nỗ lực vượt lên trên cái bản năng để đi đến chiến công. Sức thuyết phục của lý tưởng là ở đó, những chiến tích con người cũng bắt nguồn từ đó. Nhưng công bằng mà nói, anh ném ra hàng loạt nhân vật, mức đậm nhạt khác nhau, nhưng sự phân biệt về tính cách không rõ rệt lắm; chưa có nhân vật nào có thể trở thành nét dao khắc vào lòng độc giả, những nhân vật như mọc lên từ lòng sâu của cuộc sống chiến đấu của dân tộc.
Thạch Cương là cây bút viết văn xuôi xuất hiện trên văn đàn với tư cách người viết truyện ngắn. Đây là cuốn tiểu thuyết thứ 3 của anh. Trước đó, Đất thở đã đoạt giải thưởng 5 năm văn học nghệ thuật TPHCM. Bản Ballad trong rừng cao su có thể coi là tập tiếp theo của cuốn tiểu thuyết trên. Vẫn cách hành văn giản dị, mộc mạc, Thạch Cương khiêm tốn làm người kể chuyện một cách tự nhiên, có phải vậy chăng mà cả 2 cuốn tiểu thuyết của anh có dáng dấp của những ký sự chiến tranh. Chất ký sự còn thể hiện ở chỗ anh giữ nguyên tên tuổi một số người thật việc thật. Cái tư duy ký sự ấy khiến anh quá phụ thuộc vào chất liệu sự mà anh vốn có? Phải chăng đó là lý do tiểu thuyết thiếu những đột phá sáng tạo về kết cấu, thiếu sự thăng hoa của cảm xúc trong tình đồng đội, tình yêu, cả những chi tiết bi tráng thật sự gây xúc động, nhất là những trang viết về mất mát hy sinh có thể làm chấn động lòng người. Nhưng bù lại, anh có vốn sống giàu có về chiến tranh và có tình yêu máu thịt đối với những con người và vùng đất Củ Chi mà anh đã gắn bó và chiến đấu. 2 cuốn tiểu thuyết của anh, vì vậy có thể coi là những thước phim sống động, khắc họa một phần cuộc chiến đấu anh hùng của vùng đất thép Củ Chi. Đó là ấn tượng đậm nhất của Đất thở và Bản ballad trong rừng cao su đối với người đọc.
———
+ Đất thở, NXB Công an nhân dân, Giải thưởng 5 năm văn học nghệ thuật TPHCM.
+ Bản Ballad trong rừng cao su, NXB Văn hóa văn nghệ TPHCM năm 2014.
DƯƠNG TRỌNG DẬT