Khi thực hiện bộ phim tài liệu dài “Bí thư Tỉnh ủy An Giang qua các thời kỳ”, tôi đã lặng người xúc động khi xem đi xem lại những thước phim nhựa duy nhất trên chiến trường Bảy Núi (*) sau 41 năm. Đó chỉ là vài cảnh quay ngọn đồi Tức Dụp trắng xóa, trơ trụi đang trong đợt bom B52 khói đen ngút trời, mà sao những cảnh phim cứ rung rung nhảy múa như đang trong cơn động đất.
Nhìn khung hình cảnh quay không hề nghiêng ngả, rất vững vàng và chuyên nghiệp mà cứ rung rung nhảy múa, tôi chợt nhớ hôm đó chúng tôi đang trên đường hành quân theo đội nữ pháo binh xã đi dự lễ tang Bác Hồ ở bên rìa ấp chiến lược Ba Chúc. Đang trên đường hành quân thình lình nghe ầm ầm chói tai tiếng bom B52 nổ sau lưng. Dọc đường có dãy hầm chữ A tránh bom pháo, nhưng chúng tôi cứ đứng ngay trên đường ven núi khá trống trải quay cảnh B52 bỏ bom rơi xuống đỉnh đồi Tức Dụp.
Tôi đứng bên cạnh nhà quay phim Mai Hồng Sơn, nhìn anh xoạc hai chân đưa ống kính lên quay, trong khi đôi tai chúng tôi ù đặc vì tiếng bom rơi dội dội trong núi đá trước mặt. Cô giao liên thét gọi chúng tôi xuống hầm tránh đợt bom thứ hai. Nhưng chúng tôi bị “mê hoặc” vì những đợt khói bom tỏa ngút trời. Ở rừng miền Đông, chúng tôi đã quen với cảnh B52 dội bom nhưng tầm mắt chúng tôi bị đỉnh rừng che khuất. Còn ở đây là đồng trống. Không ai có thể bỏ qua cảnh bom rơi.
Sau này khi tôi dựng phim, xem lại cảnh quay đó, tuy cảnh phim có rung nhưng tôi không thể bỏ qua cảnh quay. Nếu người ngoài nghề có thể xem đó là những thước phim “không chuyên nghiệp”, nhưng với tôi thì đó là một trong nhiều cảnh phim hay mà giới trẻ bây giờ thích ví von là “cảnh nóng” (hot) trong phim. Rất nhiều phim tài liệu sau này sử dụng phim tư liệu quay cảnh B52 bỏ bom lấy từ kho phim của Không lực Hoa Kỳ. Những cảnh phim đẹp, hoàn chỉnh, chuẩn xác, thấy rõ nét cả từng chùm bom B52 rơi xuống liên tục. Nhưng những thước phim “tư liệu” ấy với tôi chẳng gây xúc động, chẳng nói lên tính xác thực của thể loại phim tài liệu chiến trường. Tiếc thay không phải ngày nay ai cũng nhìn thấy và có cảm xúc giống tôi!
Với suy nghĩ đó, tôi xin kể tiếp chuyến đi làm phim buổi hôm đó. Địa điểm tổ chức lễ tang Bác Hồ diễn ra trong ngôi nhà trống bỏ hoang giữa khu vườn cây cối xác xơ vì bom pháo. Nhìn sang bên kia bờ ruộng thấy phất phơ lá cờ vàng ba sọc đỏ trên nóc đồn dân vệ xã Ba Chúc. Những người đi dự lễ tang Bác Hồ ngày hôm đó phải vượt qua những bãi mìn và cái đồn dân vệ, nếu lỡ gặp lính đồn phục kích, họ phải giả vờ đi lên núi kiếm củi, hái trái sa kê, hái mít, đốn chuối trong các rẫy trên sườn núi. Thế mà ngày hôm đó tôi nhìn thấy bà con gồng gánh mang những bao gạo, muối, nuôi bộ đội, du kích và cán bộ xã. Cảnh gặp gỡ giữa các chị, các mẹ ấp chiến lược với các cô nữ pháo binh Ba Chúc thật cảm động.
Buổi lễ tang được tổ chức đúng nghi thức với cờ Mặt trận, ảnh Bác Hồ, bàn thờ, lư hương, nhang đèn, hoa quả và đủ các loại bánh cúng mang ra từ ấp chiến lược. Có cả những đòn bánh tét tặng các cô nữ pháo binh. Sau cùng là những bài phát biểu của đồng chí Bí thư xã Ba Đủ và một cụ già tóc búi tó trưởng gánh đạo Hiều Nghĩa…
Đó là bộ phim nhựa duy nhất ghi hình lễ tang Bác Hồ trong những ngày chiến tranh ác liệt ở Bảy Núi. Bộ phim được đồng chí Nguyễn Văn Linh khen ngợi, được nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, Phạm Minh Tuấn xem phim và phổ nhạc.
Bộ phim trải qua nhiều gian nan khi thực hiện, cả trên đường mang phim về xưởng phim khá thú vị liên quan tới tôi. Nhưng có những chi tiết mà sau 40 năm tôi muốn kể. Hôm đó trong đoàn phụ nữ dự lễ tang Bác Hồ mà chúng tôi ghi hình, sau buổi lễ tang quay về ấp chiến lược đã bị trung đội biệt kích xả súng bắn làm hai chị tử vong. Những ngày sau đồng chí Ba Đủ, Bí thư xã Ba Chúc hy sinh. Cô giao liên Néang Nhây đưa đội phim chúng tôi đi bị bom cóc nổ chết trên đường. Nhà quay phim Mai Hồng Sơn bị thương và trên đường mang phim về Xưởng phim Giải phóng anh bị tàu địch phục kích trên sông Cửu Long bắt bỏ tù trong trại giam Phú Quốc.
Ngày hòa bình tôi gặp lại chị Ba Danh, mẹ cô Néang Nhây, chị báo thêm một tin không vui là trong đội nữ pháo binh Ba Chúc hiện chỉ còn sống duy nhất một cô. Bộ phim được chiếu khắp vùng giải phóng miền Nam là minh chứng lịch sử hùng hồn bằng phim ảnh nêu cao tầm vóc chiến thắng đồi Tức Dụp. Nhưng mãi đến hôm nay, những người thực hiện bộ phim duy nhất trên chiến trường Bảy Núi vẫn chưa nhận được gì, cho dù là một tấm giấy khen!
(*) Phim tài liệu “Những ngày ở Bảy Núi’’.
Thực hiện: LÊ VĂN DUY - MAI HỒNG SƠN
LÊ VĂN DUY