Như thường lệ, mỗi năm tổ chức Interbrand lại công bố xếp hạng các thương hiệu hàng đầu thế giới. Năm nay, vào giai đoạn thị trường có nhiều biến động do cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, danh sách các thương hiệu mạnh này cũng có khá nhiều thay đổi.
Một số thay đổi
Thảm họa tràn dầu ở vịnh Mexico của tập đoàn BP (Anh) bắt đầu từ tháng 4 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường cũng như thương hiệu BP. Tập đoàn đã tiêu tốn 20 tỷ USD cho việc dọn dẹp dầu loang và bồi thường. BP đang phải bán bớt tài sản của mình để lấy tiền trang trải cho các hoạt động đó. Theo nhiều chuyên gia, nếu BP có phục hồi được về mặt tài chính, thì thương hiệu của họ cũng sẽ phải chịu tai tiếng trong rất nhiều năm tiếp theo, và có thể là vài chục năm.

Việc Apple tung ra iPad được Interbrand đánh giá là sự kiện đáng chú ý
Bằng chứng mới nhất là không thấy tên BP trong danh sách các thương hiệu hàng đầu thế giới năm 2010 vừa được đưa ra bởi Công ty Tư vấn Thương hiệu Interbrand.Và thảm họa tràn dầu của BP đã “vô tình” đưa hãng Shell dẫn đầu lĩnh vực dầu khí. Trong bảng xếp hạng 100 thương hiệu hàng đầu thế giới năm 2010, Shell đã ở vị trí 81 thay vì vị trí 92 của năm ngoái.
Coca-Cola tiếp tục thống trị vị trí số 1 trong danh sách các thương hiệu tốt nhất năm của Interbrand. Theo kết quả cuộc khảo sát này, IBM, Microsoft và Google đều nằm trong top 4. Đối với Apple, công bố của Interbrand cho thấy đây là thương hiệu có giá trị tăng mạnh nhất trong top 100 với 37%. Việc “thăng hạng” này có được là nhờ hãng Apple đã khá thành công khi triển khai kinh doanh điện thoại iPhone 4 và máy tính bảng iPad.
Trong lĩnh vực kinh doanh xe hơi, Toyota - với những vụ thu hồi xe đầy tai tiếng khắp thế giới, cũng có một năm khó khăn để khôi phục lòng tin khách hàng. Toyota đã mất 16% giá trị thương hiệu và bị trượt khỏi top 10, tụt hạng từ vị trí số 8 xuống số 11. Cũng nhờ tên tuổi lâu năm, độ tin cậy, tính hiệu quả và những cải tiến thiết thực đã giúp Toyota tránh được khủng hoảng tốt hơn mong đợi.
Goldman Sachs, công ty khổng lồ về các dịch vụ tài chính, đã tăng 1 bậc (từ 38 lên 37) và giá trị thương hiệu tăng 1%. Báo cáo của Interbrand viết rằng, Goldman Sachs “đối mặt với sự lưỡng phân của các kết quả kinh tế mạnh mẽ và một cộng đồng nổi giận, tiếp tục phản đối cho đến khi công ty bắt đầu thể hiện rằng mình đang nỗ lực đặt ngang hàng đạo đức với thương hiệu”.
Cũng trong lĩnh vực công nghệ, HP năm nay vinh dự lọt vào top 10 thương hiệu hàng đầu thế giới, bất chấp một năm thử thách đối với hãng này. Trong khi đó, một số thương hiệu công nghệ khác thống trị top 5 thương hiệu phát triển nhanh nhất.
Tăng trưởng và xuống hạng
Năm nay, hãng Apple đã nhảy từ vị trí 20 lên vị trí 17 trong danh sách xếp hạng, mức độ gia tăng giá trị thương hiệu là 37%. Bất chấp các vấn đề kỹ thuật cản trở xung quanh việc giới thiệu iPhone 4, thương hiệu mà Tổng Giám đốc Steve Jobs xây dựng vẫn tăng trưởng thành công trong năm nay. Ngoài ra, thông điệp của Apple được kiểm soát kỹ lưỡng và làn sóng tin đồn không dứt xung quanh việc ra mắt sản phẩm mới. Theo Interbrand, tung ra máy tính bảng iPad là sự kiện đáng chú ý nhất của “Quả Táo”.

10 thương hiệu hàng đầu thế giới năm 2010
Hãng công nghệ phát triển nhanh thứ hai chính là Google, tiến từ vị trí số 7 lên vị trí 4 với mức tăng trưởng giá trị thương hiệu là 36%; tiếp theo là BlackBerry (nhảy từ vị trí 63 lên vị trí 54) với mức tăng trưởng giá trị thương hiệu 32%; JPMorgan Chase (37 lên 29) với mức tăng trưởng giá trị thương hiệu 29%; Allianz, tăng trưởng 28% và từ vị trí 81 lên vị trí 67.
Năm 2010, thống kê các thương hiệu rớt hạng nhiều nhất năm nay gồm: Harley-Davidson, giảm 24% giá trị thương hiệu (trượt từ vị trí 73 xuống 98); Toyota, giảm 16% giá trị thương hiệu; Nokia, giảm 15% giá trị thương hiệu (tụt từ hạng 5 xuống hạng 8); Dell, giảm 14% giá trị thương hiệu (tụt từ hạng 35 xuống 41); Citi, giảm 13% (tụt từ hạng 36 xuống 40).
Ngoài ra, những thương hiệu lần đầu tiên lọt vào top 100 thương hiệu hàng đầu thế giới của Interbrand là Sprite (61), thương hiệu dịch vụ tài chính Santander (68), Barclays (74), Jack Daniel’s (78), Credit Suisse (80), Corona (85), 3M (90), Johnnie Walker (92), Heineken (93) và Zurich (94). Trong nhóm sản phẩm thời trang, dù phải trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các nhãn hiệu được lọt vào top 100 gồm: Cartier (77), Armani (95), Louis Vuitton (16), Gucci (44), Tiffany & Co (76) và Hermes (69).
Theo Giám đốc Điều hành Interbrand, ông Jez Frampton nhận xét: “Năm 2010 là chặng khởi đầu cho một đoạn đường dài tiến tới phục hồi kinh tế. Từ phản hồi của khách hàng thông qua phương tiện thông tin đại chúng, các thương hiệu phải đối mặt với sự thay đổi mạnh mẽ trong cách phục vụ khách hàng và chứng minh giá trị của mình. Dù mô hình quản lý thương hiệu đã có chuyển biến mới mẻ, nhưng những lợi ích mà việc xây dựng một thương hiệu vững chắc mang lại vẫn không hề thay đổi”.
THỤY NGUYỄN tổng hợp