Ông Mohd Nazri Abdullah, Trưởng ban trọng tài phái đoàn Tầm nhìn châu Á:

“Những trọng tài tha hóa phải bị trừng trị”

Bận rộn “tối mặt” bởi những buổi làm việc liên tiếp, vẻ mặt mệt mỏi hiện rõ trên khuôn mặt nhưng khi được hỏi về vấn đề tiêu cực trong giới trọng tài Việt Nam, ông Mohd Nazri Abdullah (Trưởng Ban trọng tài phái đoàn Tầm nhìn châu Á vừa có chuyến làm việc tại Việt Nam) tỏ rõ sự bất bình và chia sẻ với phóng viên SGGP Thể Thao những suy nghĩ về vấn đề nóng bỏng này trước khi lên đường trở về Malaysia vào trưa hôm qua (17-10).

  • Vấn nạn trọng tài đang đe dọa bóng đá Việt Nam
“Những trọng tài tha hóa phải bị trừng trị” ảnh 1

Trưởng ban trọng tài AFC Mohd Nazri Abdullah (bìa trái) trong buổi làm việc của đoàn Tầm nhìn châu Á với Long An.

Trước khi sang Việt Nam, qua internet, tôi được biết bóng đá Việt Nam vừa phát hiện ra hàng loạt trọng tài dính líu đến các vụ mua bán độ.

Dù không hiểu biết những cội rễ sâu xa, nhưng tôi cho rằng đã từ lâu, bóng đá Việt Nam bị hạn chế bởi những tiếng còi lệch lạc của giới trọng tài, tiếc rằng các bạn không mạnh dạn đi thẳng vào sự thật từ sớm và đến thời điểm này, trọng tài đã trở thành nỗi khiếp sợ cho các đội bóng ở Việt Nam. Điều đó kìm hãm sự phát triển và ảnh hưởng đến uy tín của bóng đá Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo tôi được biết thì ở Việt Nam hiện nay có khoảng gần 100 trọng tài đang làm nhiệm vụ tại các giải đấu cao nhất và trong số đó có đến hơn 20 người bị phát hiện tiêu cực, tức là chiếm một tỷ lệ khủng khiếp!

Theo tìm hiểu của tôi, các trọng tài Việt Nam dường như chưa được đào tạo một cách bài bản, hệ thống, điểm quan trọng nhất của một trọng tài là tư cách pháp nhân độc lập thì các bạn chưa đáp ứng được. Nên nhớ, một trọng tài tốt, làm việc công tâm khách quan phải là những người độc lập, đằng này, dường như các trọng tài Việt Nam phần nhiều lại là người của các Sở TDTT và điều đó có thể dẫn đến những quan hệ mập mờ, dễ phát sinh tiêu cực. Đôi khi ở hoàn cảnh ấy, dù không muốn tiêu cực nhưng trước sức ép của cơ quan chủ quản hoặc muốn bảo đảm tương lai nhờ các mối quan hệ, các trọng tài buộc phải đi nhầm đường, đó là điều đáng tiếc.

Một nguyên nhân nữa khiến các trọng tài Việt Nam dính đến tiêu cực là bởi thu nhập của họ còn thấp, nếu so với cầu thủ chắc chắn thấp hơn rất nhiều. Và tôi cũng đã khuyến cáo rằng, cần phải thực hiện sớm các biện pháp giúp lực lượng trọng tài có thu nhập tốt hơn.

  • Phải mạnh dạn nhìn vào sự thật

Tôi chắc rằng, vấn nạn trọng tài đã ăn sâu vào bóng đá Việt Nam. Muốn tiến đến một nền bóng đá phát triển, không chỉ có người quản lý, điều hành giỏi mà phải có được những trọng tài giỏi. Bởi nếu tiếng còi của họ có vấn đề, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến số phận của một đội bóng. Vấn đề bây giờ không phải là đi tìm nguyên nhân phát sinh nữa mà hãy mạnh dạn nhìn thẳng vào sự thật. Chắc chắn sai phạm của trọng tài có nguyên nhân không nhỏ từ sự buông lỏng quản lý và VFF phải nghiêm túc nhìn nhận vấn đề này. Phải có biện pháp mạnh tay để loại bỏ tất cả những trọng tài tha hóa, dù ít hay nhiều thì cũng phải bị trừng trị. VFF có thể nhìn sang Brazil hay Đức để thấy họ mạnh tay như thế nào.

Tại Brazil, khi một trọng tài có vấn đề thì lãnh đạo của họ là Chủ tịch Hội đồng trọng tài ngay lập tức bị cách chức và bản thân trọng tài đó trở thành tội đồ trong mắt người hâm mộ và pháp luật. Gần hơn, hãy xem Malaysia cách đây vài năm, họ cũng sẵn sàng làm lại tất cả và giờ đây bóng đá của họ đang tiến lên một cách chắc chắn.

Tôi rất mừng bởi giờ đây VFF đã coi trọng vấn đề này với sự giúp đỡ của các cơ quan pháp luật Việt Nam, nó chứng tỏ sự cầu thị của bóng đá Việt Nam. Ở thời điểm này, tôi cho rằng VFF phải thật mạnh tay cắt bỏ những ung nhọt, dù cho nó có đau đến mấy. Làm mạnh và triệt để, có như vậy mới mong cắt bỏ được những mầm bệnh trong giới trọng tài. Về chuyện thuê trọng tài nước ngoài, tôi cho rằng AFC sẵn sàng hỗ trợ các bạn nhưng đó chỉ là việc làm có tính chất thời điểm. Về lâu dài, hãy coi việc bồi dưỡng và đào tạo trọng tài một cách khoa học, nghiêm túc như đào tạo HLV hay cầu thủ vậy.  

HIẾU HƯỜNG (ghi)

Tổng Thư ký VFF Trần Quốc Tuấn:
“Cố gắng giải quyết dứt điểm các vụ tiêu cực trong tháng 10”
 

Ở thời điểm nước sôi lửa bỏng hiện tại của bóng đá Việt Nam, ông Tổng thư ký VFF chính là một trong những người vất vả nhất. “Chạy sô” cùng đoàn Tầm nhìn châu Á lại phải toan tính bao chuyện, nào là tiêu cực, vấn đề tài trợ cho mùa giải mới. Hôm qua (17-10), ông Trần Quốc Tuấn đã dành cho báo giới cuộc trao đổi khá cởi mở về những vấn đề đang nổi cộm trong bóng đá Việt Nam.

- Ông có thể cho biết tiến trình giải quyết các vụ tiêu cực?

- Tôi không phải là người của Ban kỷ luật nên không thể nói nhiều về việc này. Quan điểm của VFF hiện nay là chạy với thời gian cùng với cơ quan điều tra cố gắng giải quyết xong xuôi các vụ tiêu cực trước tháng 10 để tình hình có thể ổn định trở lại, tránh ảnh hưởng đến SEA Games 23 và mùa giải 2006.

- Có ý kiến cho rằng, ông đang khó xử trong vụ tiêu cực giữa ông Ngô Văn Trân và CLB Khatoco Khánh Hòa, ý kiến của ông về vụ việc này ra sao?

- Bên công an cho biết họ đang cố gắng để sớm có kết luận cuối cùng về vụ việc này. Quan điểm của tôi là: Đã làm việc ở VFF thì không có chuyện phân biệt giữa các CLB. H.Huế, Khatoco Khánh Hòa hay bất cứ đội bóng nào có dính líu đến tiêu cực cũng đều bị xử lý theo luật định.

- Vấn đề tiêu cực trong giới trọng tài đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của AFC, giữa VFF và tổ chức này đã có sự kết hợp thế nào trong việc giải quyết vấn nạn trọng tài?

- Tổng thư ký AFC D.Velappan đã lắng nghe Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ trình bày về vấn đề này và ông đã rất hài lòng. Theo đó, sau Agribank Cup 2005, VFF sẽ triển khai 2 lớp đào tạo trọng tài với tổng số 92 học viên. VFF sẽ mời những chuyên gia hàng đầu để giảng dạy, nội dung đào tạo sẽ đặc biệt chú ý đến việc bồi dưỡng nghiệp vụ, thể lực và đạo đức. AFC sẽ cử ông Mohd Nazri Abdullah, Trưởng ban trọng tài AFC sang hỗ trợ việc này.

- Vấn đề tiêu cực liệu có ảnh hưởng tới chương trình Tầm nhìn châu Á không, thưa ông?

- Tổng thư ký AFC đã đồng ý và khuyến cáo VFF tiếp tục mạnh tay với tiêu cực. Nếu không, không những chương trình Tầm nhìn châu Á mà ngay cả bóng đá Việt Nam cũng khó có những bước phát triển tiếp theo. Ông Velappan cũng tin rằng nếu VFF làm tốt trong việc giải quyết tiêu cực, chương trình Tầm nhìn châu Á sẽ vẫn diễn ra đúng theo kế hoạch và bóng đá Việt Nam sẽ đi đúng theo quỹ đạo vốn có.

- Ông Velappan đã nhấn mạnh “cần bỏ tù hết những quan chức thể thao nhúng chàm”, ý kiến của ông về vấn đề này?

- VFF sẽ căn cứ vào luật định để xử lý chứ không thể tùy tiện. Mỗi nước có luật pháp khác nhau và trong điều kiện hiện nay, việc xử lý hình sự là thẩm quyền của Tòa án và Cơ quan điều tra. Ngay cả các quan chức VFF, nếu “nhúng chàm”, sẽ do Hội đồng kỷ luật trên cơ sở luật định đưa ra mức xử lý.

- Sự chậm trễ trong việc giải quyết các vụ tiêu cực cộng thêm việc Cúp Quốc gia và giải hạng Nhất chưa có nhà tài trợ, liệu mùa giải mới có nguy cơ bị hoãn không, thưa ông?

- Hoãn giải là điều vô cùng phức tạp bởi hệ lụy của nó có thể kìm hãm sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Ông Velappan cho rằng không thể hoãn giải đấu vì lý do này. Chúng tôi cũng đồng ý với quan điểm đó. Việc tìm tài trợ cho giải hạng Nhất đang được xúc tiến dù gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nếu không có nhà tài trợ, hai giải đấu này vẫn sẽ được tổ chức.

T.KHÔI

Tin cùng chuyên mục