Chiều nay, Việt Nam gặp lại Thái Lan sau 11 tháng kể từ trận chung kết SEA Games 23. Một trận đấu khó cho cả hai. Bất kể kết quả như thế nào nhưng chắc chắn những nhân vật dưới đây sẽ là vai chính của trận “chung kết” bất kể họ ở vị trí nào.
Việt Nam
Alfred Riedl: Không chỉ đối đầu với Thái Lan...
… Mà ông còn đối đầu cả với dư luận mà có lúc ông thiếu tỉnh táo khi “vơ đũa cả nắm”. Tám năm trước, ông từng nói rằng Thái Lan không có điểm yếu trước khi gặp đối thủ này tại bán kết Tiger Cup 1998 và vào trận thì Việt Nam đã thắng vẻ vang Thái Lan đến ba bàn trắng. Lần này ông không dùng thì hiện tại mà lại nói đến tương lai: “Phải 2-3 năm nữa Việt Nam sẽ mạnh như Thái Lan”.
Thì tương lai mà ông Riedl đề cập cũng là một cách nói khéo Thái Lan bây giờ mạnh hơn và chúng ta đang phải đuổi sau lưng.
Ông Riedl đang phải giải bài toán khó sau hai lượt trận mà “quân” ông “mất máu” nhiều hơn đối phương và đội khách nhận diện ta kỹ hơn.
Thạch Bảo Khanh: Người đã biết bao lần lỡ hẹn với Thái

Tám năm trước Bảo Khanh là người bị loại đau nhất trong danh sách chính thức tham dự Tiger Cup 1998 dù phong độ rất cao. Từ đó đến nay, những trận chung kết với Thái, Bảo Khanh vẫn cứ là người kém duyên. Khi thì chấn thương không cho phép anh ra sân, lúc lại quá tuổi nên chỉ làm khán giả. Đằng đẵng suốt biết bao năm, giờ thì Bảo Khanh mới có dịp trong hàng ngũ đội tuyển đối đầu với bóng đá Thái.
Khanh có cái que trái cực kỳ khó chịu nhưng những lần chuyển cánh phải anh chơi cũng rất hiệu quả. Cả hướng xuống biên lẫn những lần bó vào trung lộ của Khanh cũng rất nguy hiểm. Sự xuất thần của Khanh nếu có sẽ rất lợi hại cho những miếng đánh biên của chủ nhà.
Lê Hồng Minh: Vũ khí sút xa duy nhất
Đây sẽ là nhân vật rất quan trọng của Việt Nam trong việc giải tỏa sức ép mà Thái Lan luôn đè nén bằng bài tấn công. Hồng Minh của trận đầu gặp New Zealand bị cận hàng phòng ngự và quá xa tuyến trên nên ít có cơ hội sử dụng vũ khí sút xa. Nếu khai thác được miếng đánh này như trong trận gặp Bahrain thì người Thái sẽ khó khăn hơn trong việc giải quyết khu trung tuyến. Chúng ta thua Thái Lan ở vai trò thủ lĩnh dẫn dắt lối chơi mà Thonglao chơi cực tốt nhưng nếu biết giải tỏa bằng thứ vũ khí tầm xa Lê Hồng Minh thì việc giảm thiểu sức ép sẽ rất lớn.
Chắc chắn ban huấn luyện sẽ phải tính đến việc hạn chế mồi bóng lên trên bằng những đường chuyền trả ngược cho vũ khí tầm xa.
Thái Lan
“Bố già” Thavatchai: “Phải vô địch!”

Ông là một doanh nhân thành đạt, là một người có uy tín ở xã hội và là một trưởng đoàn rất mát tay của bóng đá Thái Lan. Có người gọi ông là “bố già” bởi những gì ông mang lại cho bóng đá Thái. Có ông ở vị trí trưởng đoàn, đội Thái Lan bao giờ cũng “máu” và là một tập thể đoàn kết bởi quyền lực, cách dụng binh và quyền lợi ông mang lại. Còn nhớ Tiger Cup 98 ông từ chối làm trưởng đoàn đội Thái Lan thì đội bóng này đã thất bại ê chề trong đó có trận thua Việt Nam 0-3 ở bán kết. Tuy nhiên cũng đội Thái ấy nhưng ba tháng sau khi ông được giao trách nhiệm trưởng đoàn thì họ đã làm nên cơn địa chấn bằng chiến thắng thuyết phục đội tuyển Hàn Quốc ngay tại tứ kết Asian Games 98. Lần này, vừa đặt chân đến Việt Nam ông đã nói ngắn gọn: “Chúng tôi muốn vô địch”.
Có “bố già” ở trận “chung kết”năm nay, chắc chắn các cầu thủ trẻ Thái Lan sẽ chơi “máu” hơn với ý đồ rõ ràng hơn cuộc gặp gỡ nắm ngoái.
“Nhạc trưởng” Thonglao: Người quyết định lối chơi
Ba năm trước, trong trận chung kết SEA Games 22, Thonglao đã một lần ghi bàn vào lưới Việt Nam và đó cũng là thất bại đau nhất của đội chủ nhà SEA Games. Bây giờ, trở lại sân Mỹ Đình, Thonglao còn chững chạc hơn với chiếc băng đội trưởng và vai trò nhạc trưởng. Cứ nhìn cái cách thi đấu của Thonglao thì người xem có thể đoán được Thái Lan sẽ đá như thế nào. Một mẫu cầu thủ có tác động rất lớn đến toàn đội và là người giữ phần hồn của đội bóng qua việc dẫn dắt giữ nhịp độ trận đấu và triển khai tấn công. Đấy cũng là mẫu cầu thủ mà đội tuyển Việt Nam vẫn đang thiếu dù luôn tìm kiếm và thử nghiệm.
Sẽ rất khó để vô hiệu hóa nhân vật này bởi sự đa dạng trong lối chơi và những đường chuyền quyết định.
“Thần đồng” Teerathep: Dư âm hat-trick SEA Games 23
Cầu thủ của “thế hệ vàng” từng được đưa sang Anh đào tạo ở tuổi niên thiếu nay đã trưởng thành và là nhân vật không thể thiếu trên hàng công. Teerathep hội đủ sức mạnh, tốc độ lẫn kỹ thuật và lối chơi tinh quái trong việc xử lý bóng đặc biệt ở không gian hẹp. Bàn thắng duy nhất anh ghi trong trận thắng New Zealand ngay từ mép vạch 16,50m là một minh chứng.
Teerathep được xem là “thần đồng” bóng đá Thái và là người từng làm điêu đứng hàng thủ đội tuyển Việt Nam trong trận chung kết với một hat-trick.
Một cầu thủ mà chắc chắn hàng thủ Việt Nam sẽ rất vất vả vào chiều nay. Cũng cần lưu ý là cầu thủ này có hiệu suất ghi bàn rất cao đối với những cú vẩy bóng khó của đồng đội Thonglao đồng thời cũng là người chơi phản công cực tốt.
NGUYỄN NGUYÊN