Sau SEA Games 23, tuy bóng đá Việt Nam đạt được thành tích đứng thứ nhì khu vực, song việc một số cầu thủ U23 liên quan tới mua bán độ tại giải đấu này đã gây nên bức xúc trong dư luận xã hội. Đây cũng là thách thức đối với những nỗ lực chung của hai ngành Công an và Thể dục-Thể thao trong việc thực hiện Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực trong hoạt động thể thao.

Các cầu thủ U23 Việt Nam trong một buổi tập trước SEA Games 23.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBTDTT Nguyễn Danh Thái có một số ý kiến trao đổi về thực trạng, nguyên nhân tiêu cực và những giải pháp cấp bách của ngành nhằm làm lành mạnh hóa hoạt động bóng đá nước nhà.
Nhìn nhận một cách khách quan, bóng đá Việt Nam trong những năm gần đây đã có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, một số tệ nạn tiêu cực như hối lộ, mua bán độ, móc ngoặc dàn xếp tỷ số, thi đấu thiếu tích cực... còn tồn tại dai dẳng, được dư luận phát hiện, phẫn nộ, nhưng chưa được xử lý kịp thời và kiên quyết, làm kìm hãm sự phát triển của nền bóng đá nước nhà.
Chỉ trong thời gian gần đây, khi Bộ Công an kiên quyết vào cuộc thì một số vụ việc tiêu cực mới dần được phát hiện và đưa ra ánh sáng. Không thể phủ nhận, chiếc huy chương bạc mà đội tuyển bóng đá nam U23 đã đạt được tại SEA Games 23 vừa qua là một cố gắng rất lớn của ban huấn luyện và các tuyển thủ. Song cũng thật đáng tiếc, một số cầu thủ của đội tuyển U23 đã dính vào tiêu cực. Để xảy ra tình trạng trên, theo tôi có nhiều nguyên nhân.
Đầu tiên, chúng ta phải thừa nhận căn bệnh thành tích đã chi phối quá sâu tới hoạt động bóng đá, tạo sức ép đối với nhiều cán bộ quản lý và là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tiêu cực. Thứ hai là công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho VĐV còn bị xem nhẹ.
Thứ ba là cơ chế quản lý bóng đá, tuy đã được đổi mới, nhưng chưa theo kịp với thực tiễn phát triển. Bốn là, tổ chức bộ máy của các CLB bóng đá, công tác nhân sự trong bóng đá còn nhiều bất cập. Một bộ phận cán bộ làm công tác bóng đá yếu năng lực; cá biệt có một số cán bộ, trọng tài, HLV sa sút về đạo đức.
Tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta phải áp dụng những biện pháp mạnh mẽ nhằm cải tổ, chấn chỉnh toàn diện hoạt động bóng đá nước nhà:
1. Triển khai một đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp nhằm thống nhất nhận thức về quan điểm, định hướng và các giải pháp chiến lược phát triển bóng đá trong tình hình mới.
2. Tập trung chấn chỉnh về tổ chức và nhân sự quản lý, điều hành bóng đá, cụ thể, cần tập trung thực hiện:
- Đánh giá, xem xét lại tổ chức và nhân sự của Ban chấp hành LĐBĐVN, LĐBĐ các tỉnh, thành phố.
-Bộ máy tổ chức và nhân sự của các câu lạc bộ, các đội bóng cũng phải được kiện toàn theo mô hình chuyên nghiệp.
- Về mặt thể chế, cần rà soát toàn bộ những qui định liên quan tới quản lý, điều hành hoạt động bóng đá, đẩy mạnh việc giáo dục pháp luật, phổ biến những qui định, chính sách quản lý tới tất cả các đối tượng tham gia hoạt động bóng đá.
- Đổi mới và tăng cường quản lý Nhà nước về bóng đá, theo hướng phân tách rõ ràng giữa chức năng quản lý Nhà nước về bóng đá với việc triển khai các hoạt động sự nghiệp bóng đá.
- Cải tổ công tác trọng tài và giám sát: kiên quyết loại bỏ những trọng tài có liên quan tới tiêu cực kể cả từ những mùa giải trước. Tập trung kiện toàn Hội đồng trọng tài quốc gia và đào tạo, bổ sung đội ngũ trọng tài có trình độ chuyên môn, có phẩm chất đạo đức tốt.
- Cải tiến công tác tổ chức, điều hành các hoạt động thi đấu bóng đá.
- Đẩy mạnh công tác quảng cáo - tài trợ, các hoạt động kinh tế - dịch vụ và công tác truyền thông trong bóng đá. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động kinh tế, dịch vụ để tạo nguồn cho hoạt động bóng đá, tiến tới Nhà nước chỉ phải đầu tư cho đội tuyển quốc gia và một số lĩnh vực hoạt động trọng điểm. Về phía ngành TDTT sẽ tập trung nghiên cứu để sớm trình Chính phủ đề án cá cược bóng đá hợp pháp để tạo nguồn tài chính, góp phần ngăn chặn tệ nạn cá độ “đen” bất hợp pháp.
- Tiến hành điều tra thực trạng về trình độ văn hóa và đạo đức của vận động viên từ các tuyến U trở lên.
-Khảo sát, đánh giá về các điều kiện đảm bảo trong công tác đào tạo, giáo dục văn hóa cho VĐV.
- Xây dựng, ban hành các quy chế về đào tạo văn hoá, giáo dục đạo đức, tổ chức các sinh hoạt chính trị cho VĐV.
- Đẩy mạnh các biện pháp giáo dục đạo đức, văn hoá ứng xử cho VĐV. Kiên quyết loại bỏ những VĐV có những biểu hiện thoái hóa, sai phạm về đạo đức, tác phong nghề nghiệp; loại bỏ những HLV thiếu gương mẫu, quản lý kém.
4. Cải thiện các chế độ, chính sách đãi ngộ đối với vận động viên bóng đá, điều chỉnh, nâng cao thu nhập của VĐV, làm cho VĐV yên tâm sống với nghề, Tuy nhiên, cần thưởng cho thích hợp, không khuyến khích VĐV thi đấu chỉ vì tiền, kiên quyết loại bỏ những cán bộ, HLV có biểu hiện “ăn chặn” tiền thưởng của VĐV.
5. Khẩn trương củng cố và phát triển cái “nền” của bóng đá Việt Nam - bóng đá trường học. Trước mắt, LĐBĐVN cần có kế hoạch phối hợp hoạt động trong các hoạt động tổng thể của Chương trình nâng cao thể lực và tầm vóc người Việt Nam, Chương trình phát triển TDTT ở cơ sở cùng những chương trình, đề án trọng điểm khác của ngành TDTT, ngành GDĐT. Cần tập trung triển khai trọng điểm trong giai đoạn từ tháng 2-2006 đến tháng 2-2007 phát triển bóng đá học đường.
Sự việc tiêu cực như vừa qua là bài học đau xót, song cũng là cơ hội để chúng ta thẳng thắn nhìn nhận lại và mạnh dạn thực hiện những biện pháp cải tổ, chấn chỉnh công tác quản lý điều hành hoạt động bóng đá. Tôi đề nghị LĐBĐVN và các tổ chức, cá nhân liên quan có kế hoạch, giải pháp cụ thể để chung tay chấn chỉnh hoạt động bóng đá. Tôi cũng mong các Bộ, ngành, đoàn thể trung ương, UBND các cấp phối hợp cùng ngành TDTT để thực hiện chiến dịch chấn chỉnh, lành mạnh hoá và nâng cao chất lượng các hoạt động bóng đá. Về phía ngành TDTT sẽ tiếp tục có văn bản chỉ đạo cụ thể về việc này, đồng thời các bộ phận nghiên cứu chiến lược, giải pháp để triển khai tốt những nhiệm vụ nêu trên.
Phương Hoa (tóm lược)