Những việc cần làm ngay

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong vừa lưu ý kế hoạch xây dựng đô thị thông minh ở các sở ngành, quận huyện nêu rõ yêu cầu của việc triển khai thực hiện đề án trong năm 2018. Không những thế, nội dung công việc phải đảm bảo tính nội bộ.

Bảng thông tin điện tử do Sở Giao thông và Vận tải TPHCM lắp đặt, giúp người dân cập nhật tình hình ùn tắc giao thông. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Bảng thông tin điện tử do Sở Giao thông và Vận tải TPHCM lắp đặt, giúp người dân cập nhật tình hình ùn tắc giao thông. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Công việc cụ thể

Năm 2018, TPHCM ráo riết xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung tập trung vào người dân, doanh nghiệp và quản lý đô thị.

Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, cho biết cơ sở dữ liệu dân cư do Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tư pháp và Công an TP phối hợp thực hiện. Cùng đó, 24 quận huyện cũng tham gia hỗ trợ quá trình xây dựng. TP đang thử nghiệm tích hợp cơ sở dữ liệu dân cư ở các quận 1, 2, 12 và huyện Củ Chi. Kho dữ liệu dùng chung còn có hoạt động của doanh nghiệp; trong đó, tình hình đăng ký thành lập doanh nghiệp do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP triển khai. Cục Thuế và Cục Hải quan TP có nhiệm vụ kết hợp cơ sở dữ liệu người nộp thuế và xuất nhập khẩu. “Công việc do các quận huyện đảm nhận khá nặng, vì đây là cấp tiếp cận sát nhất với người dân”, bà Võ Thị Trung Trinh nhận xét.

Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, về quản lý đô thị, TP đã có một số dữ liệu bước đầu liên quan đến quản lý đô thị. Sở Tài nguyên và Môi trường đang triển khai công việc phục vụ xây dựng nền tảng dữ liệu dùng chung, thiết kế bản đồ địa hình số (trước đây sử dụng bản đồ giấy).

Theo phân tích, năm 2005, trung ương bàn giao dữ liệu bản đồ địa hình 1/2.000 cho TP; song do thời gian sử dụng khá lâu nên thông tin trong bản đồ trên hiện có phần lạc hậu so với thực tế những năm gần đây. Nhằm giải quyết tình trạng này, cơ quan chức năng đã và đang cập nhật dữ liệu mới trên địa bàn. Trước đây, TPHCM có hình thành cơ sở dữ liệu địa chính ở 24 quận huyện. Chính quyền địa phương có phần mềm ứng dụng quản lý, khai thác dữ liệu trên. Tuy nhiên, vì dung lượng khá lớn nên phần mềm chỉ vận hành ở từng quận huyện chứ chưa có sự liên thông, tích hợp. Khi triển khai đề án đô thị thông minh, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM kiến nghị nâng cấp phầm mềm và dữ liệu địa chính toàn TP; từ đó, đưa vào cơ sở dữ liệu dùng chung. Dự kiến đến năm 2019, Sở Tài nguyên và Môi trường TP sẽ hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu trên.

Hợp tác, lắng nghe

Bên cạnh công việc do các sở ngành, quận huyện đảm trách, Ban Điều hành TP Thông minh chịu trách nhiệm xây dựng kho dữ liệu dùng chung nhất quán, đồng bộ. Ban điều hành chịu trách nhiệm thành lập trung tâm dữ liệu dùng chung, trung tâm mô phỏng - dự báo, trung tâm điều hành, trung tâm an toàn mạng. Trước kế hoạch xây dựng từng trung tâm, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã có những chỉ đạo cụ thể:

Đầu tiên, trung tâm dữ liệu dùng chung do Sở Thông tin và Truyền thông TP đảm đương chính. Sau khi nghe báo cáo về lộ trình thành lập trung tâm, Chủ tịch UBND TP yêu cầu các cơ quan, đơn vị nêu chi tiết công việc trong từng quý và tính toán phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ.

Về trung tâm mô phỏng - dự báo do Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM thiết kế, lưu ý trước mắt, cơ quan chức năng nên mời tổ chức nước ngoài phối hợp làm dự án mô phỏng giao thông và kinh tế - xã hội. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho rằng: “Muốn nhìn xa phải có dự báo. Dự báo càng chính xác thì càng tạo chủ động khi xử lý tình huống. Chính vì thế, trung tâm mô phỏng - dự báo phải thành hình trong năm 2018”.

Đối với trung tâm điều hành đô thị thông minh do Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM thiết lập, lãnh đạo TP yêu cầu có lộ trình thống nhất. Theo đề án đô thị thông minh, công tác điều hành tại TPHCM thực hiện các liên thông kết nối cao trên bảng điện tử. Cụ thể, trên một ứng dụng dùng chung, người quản lý vừa nhận văn bản vừa theo dõi, giải quyết khiếu nại, tố cáo... Hay trung tâm an toàn mạng cần có bước đi cụ thể, vững chắc.

Khi dự một số hội thảo về xây dựng đô thị thông minh, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhận thấy mỗi nơi có đặc điểm riêng, không nơi nào giống nơi nào. Vì thế, ban điều hành cần xử lý mọi vấn đề sát với điều kiện, hoàn cảnh thực tế. Không những thế, đô thị thông minh nên phát huy khả năng của đội ngũ trí thức, nghiên cứu, đặc biệt là kiều bào. Các trung tâm cần lắng nghe và tiếp thu ý kiến từ doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Bởi lẽ, việc hợp tác với tổ chức, cá nhân có kinh nghiệm thực tiễn đóng vai trò quan trọng trong kết quả xây dựng các trung tâm nói riêng, đô thị thông minh nói chung.

Chú trọng hạ tầng kỹ thuật

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đề nghị trên cơ sở nội dung đề án đô thị thông minh vừa công bố, các sở ngành, quận huyện sắp xếp hợp lý nguồn lực thực hiện; cân đối từng giải pháp, bước đi. Trước hết, đô thị thông minh cần tập trung xác định khung hạ tầng kỹ thuật. Ông Nguyễn Thành Phong khẳng định: “Hạ tầng không tốt sẽ tạo ra bất cập trong quá trình triển khai các dự án”. Đô thị thông minh quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo công nghệ thông tin, kiến thức cần thiết phục vụ công tác điều hành cho cán bộ, công chức.

Tin cùng chuyên mục