
Tại TPHCM vừa có buổi ra mắt cuốn sách Phóng viên ảnh Nick Út - Huyền thoại giản dị do NXB Thông tấn ấn hành. Cuốn sách này khá đặc biệt vì do phóng viên ảnh Giản Thanh Sơn - người nhiều năm công tác ở Báo Công an TPHCM biên soạn.

Phóng viên ảnh Giản Thanh Sơn (trái) và Nick Út.
Cuốn sách tập hợp các hình ảnh, bài viết và những nhận định của đồng nghiệp trong và ngoài nước về tài năng của Nick Út. Ông tên thật là Huỳnh Công Út, sinh ngày 29-3-1951 tại Long An. Nick là tên Mỹ nhưng trong tất cả các cuộc giao tiếp ông đều xưng mình là Út với đúng tên cha sinh mẹ đẻ. Từ khi cầm máy đến lúc về hưu, Nick Út chỉ làm duy nhất cho hãng thông tấn AP. Hiện, Nick Út làm phóng viên ảnh tự do và mong muốn của ông là mua thật nhiều máy hình để mang về Việt Nam trao cho trẻ em và dạy bọn trẻ chụp hình.
Nhắc đến Nick Út, nhiều người biết ông là người Việt Nam duy nhất khi mới 21 tuổi đã nhận giải Pulitzer danh giá qua tác phẩm chụp cô bé Kim Phúc bị bom napalm tại huyện Trảng Bàng - Tây Ninh năm 1972. Bức ảnh này được thế giới quen gọi bằng cái tên “Napalm girl” từng làm chấn động lương tri nhân loại về cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam. “Napalm girl” được xếp thứ 41 trong 100 bức hình có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ 20. Thế nhưng “Napalm girl” chỉ là cách gọi của thế giới, còn Nick Út gọi bức hình này là “Terrible War” - “Cuộc chiến kinh khủng”. Bản thân Nick Út bị thương ba lần khi làm phóng viên ảnh chiến trường và ông có người anh ruột bị tử nạn do bom đạn khi cầm máy ảnh.
Sau năm 1975, Nick Út được hãng thông tấn AP giao chụp hình các minh tinh của Hollywood. Tại đây ông đã có nhiều tác phẩm “không đụng hàng”, nhất là hình ảnh các minh tinh vi phạm pháp luật phải vào tù. Để chụp hình các ngôi sao trên thảm đỏ khá dễ, nhưng để ghi hình họ bị cảnh sát áp giải vào nhà giam thì Nick Út phải tốn rất nhiều thời gian mật phục. Trước khi về hưu, tên tuổi của Nick Út được ghi trên “Đại lộ danh vọng - Hollywood”.
Như đã nói ở trên, cuốn sách này khá đặc biệt vì được biên soạn bởi Giản Thanh Sơn. Đặc biệt bởi Giản Thanh Sơn cũng là một phóng viên ảnh nổi tiếng của Báo Công an TPHCM. Khi còn công tác ở đây, Giản Thanh Sơn đã tổ chức được nhiều cuộc triển lãm và in thành sách ảnh gây tiếng vang, như: Chân dung chính khách, Việt Nam nhìn từ không trung, Dấu ấn hội nhập… Một phóng viên ảnh nổi tiếng soạn sách về một phóng viên ảnh nổi tiếng khác chính là điều đặc biệt. Bởi theo lẽ thông thường, những người làm cùng lĩnh vực ít khi phục tài nhau.
Giản Thanh Sơn cho biết: “Tôi và anh Nick Út cùng đồng hương Long An. Trong mắt tôi, anh Nick Út là người tài nên tôi phục. Biên soạn cuốn sách này về anh được tôi ấp ủ trong hơn 3 năm qua và tôi tranh thủ thức đêm để thực hiện một cách rất hào hứng”.
HOÀNG NHÂN