Niềm tin và khát khao phát triển

TPHCM vừa trải qua một năm thật đặc biệt, ứng phó với đại dịch Covid-19, ghi dấu ấn đẹp về sự kiên cường, lòng nhân ái, nghĩa đồng bào. Nhưng đây là năm mà đầu tàu kinh tế của đất nước lại tăng trưởng ở mức âm - một mức giảm chưa có tiền lệ trong lịch sử thống kê. Bước vào năm 2022, TPHCM phấn đấu thực hiện chủ đề.

“Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”, cùng với nhiều mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra khá cao, với tất cả niềm tin và khát khao phát triển.

Đương đầu với đại dịch Covid-19, đợt bùng phát lần thứ 4, TPHCM là nơi thực hiện giãn cách dài nhất, bị thiệt hại về người và các mặt nặng nề nhất. Và cũng trước thử thách khắc nghiệt, bức tranh đầy sắc màu về sự kề vai sát cánh cùng TPHCM chống dịch của các lực lượng, kể cả trong nước và ngoài nước, được thể hiện sinh động nhất. Nhiều bài học sâu sắc có được qua đại dịch. Bài học về lòng dân, về phát huy sức mạnh đại đoàn kết luôn là bài học lớn, có giá trị thiêng liêng. Xả thân, dâng hiến vì cộng đồng luôn là hình ảnh cao đẹp của cán bộ, chiến sĩ và của con người Việt Nam giữa lằn ranh sinh tử. Cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt, từ sự chỉ đạo sát sao của Trung ương, Chính phủ, sự lãnh đạo, điều hành của Đảng bộ, Chính quyền TPHCM thể hiện sự gắn bó, sâu sát với cơ sở, cầu thị lắng nghe… là bài học có ý nghĩa trong chỉ đạo thực tiễn. 

Dù phải tập trung cao nhất để phòng chống dịch, TPHCM vẫn duy trì hoạt động sản xuất trong giãn cách ở các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao… và có được một số điểm sáng đáng trân trọng. Kim ngạch xuất khẩu (không tính dầu thô) tăng 2,8%, kim ngạch nhập khẩu tăng 24,9% so với cùng kỳ. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 7,23 tỷ USD (bằng 138,6% so với năm 2020). Lượng kiều hối về thành phố ước đạt 6,6 tỷ USD. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt trên 381.000 tỷ đồng (đạt 104,5% dự toán). An sinh xã hội được huy động mạnh mẽ từ các nguồn lực xã hội và các gói hỗ trợ của Nhà nước đã chi hơn 12.000 tỷ đồng. Trật tự, an toàn xã hội, an ninh quốc phòng được giữ vững.

Trong các nhiệm vụ, giải pháp đặt ra cho năm 2022, TPHCM xác định vẫn ưu tiên cho công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh vì tình hình còn diễn biến phức tạp. Để thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả cần có sự chủ động, dự báo với tinh thần “chuẩn bị trước một bước, trên một mức”; tiếp tục thực hiện 5K + vaccine và những giải pháp hiệu quả với việc nâng cao ý thức tự bảo vệ mình và cộng đồng của toàn thể người dân. Với những chỉ báo của đại dịch đòi hỏi phải có sự thay đổi trong tư duy và hành động từ lãnh đạo cho tới người dân để phát triển bền vững. Trong lãnh đạo, chỉ đạo, Đảng bộ TPHCM tập trung cho trụ cột y tế, chăm lo cho hệ thống y tế và đội ngũ tuyến đầu, cùng các biện pháp cấp bách, các chính sách thiết thực để củng cố y tế cơ sở, y tế cộng đồng, y tế lưu động… 

Với 20 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu cùng với 7 nhóm giải pháp và 21 nhiệm vụ cụ thể, trong đó TPHCM sẽ phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 6%-6,5%. Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho rằng: “Đây là mục tiêu, chỉ tiêu phấn đấu cao nhưng có cơ sở và niềm tin khi sự đồng tâm, hiệp lực rất mạnh, sự khát khao hồi phục và phát triển rất lớn”. Có chuyên gia nhận định, tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào chính sách, môi trường và với quyết tâm kiểm soát dịch bệnh tốt, sức bật và tốc độ tăng trưởng kinh tế của TPHCM có thể sẽ  đạt cao hơn.

TPHCM là địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện mô hình chính quyền đô thị. Thời gian triển khai Nghị quyết của Quốc hội chưa lâu, vừa phòng chống dịch, vừa sắp xếp tổ chức bộ máy theo mô hình mới, đã thể hiện sự cố gắng, tìm cách khắc phục và tháo gỡ những vướng mắc phát sinh. Để bộ máy chính quyền đô thị vận hành hiệu quả, khắc phục sự trùng lắp về chức năng nhiệm vụ, phát huy vai trò người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn TPHCM, TP Thủ Đức, quận, phường… thành phố sẽ tiếp tục đề xuất quy định về phân cấp, phân quyền theo hướng tăng quyền tự chủ cho chính quyền địa phương, tránh đùn đẩy công việc, khắc phục cơ chế xin - cho. 

Trong chỉ đạo, điều hành, thành phố sẽ gắn tiến trình xây dựng chính quyền đô thị với xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, huy động nguồn lực để phát triển. Hiện nay, việc cải cách thủ tục hành chính đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ, nhiều thủ tục được quy định ở các văn bản pháp luật cần phải được xem xét sửa đổi từ Trung ương. TPHCM sẽ tiếp tục đề xuất nhằm thúc đẩy việc tháo gỡ nhanh những rào cản. Về phần mình, thành phố sẽ chủ động cải tiến mạnh mẽ về quy trình, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, vận dụng linh hoạt phù hợp thực tiễn, tránh quan liêu, máy móc…

TPHCM là nơi có truyền thống năng động, sáng tạo, nơi “đất lành, chim đậu”, dễ lập nghiệp, dễ làm ăn. Theo bảng xếp hạng qua khảo sát của trang web cộng đồng quốc tế InterNations vừa công bố, TPHCM được xếp hạng 6 toàn cầu về nơi làm việc tốt nhất cho người nước ngoài theo mức độ hài lòng về chi phí sinh hoạt, mức độ hạnh phúc, dễ kết bạn, sự thân thiện của người bản địa… Dù vậy, TPHCM cần phải cải thiện về môi trường sống, hạ tầng giao thông, nạn kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm tiếng ồn…

Tiềm năng, nguồn lực mà TPHCM có thể huy động cho mục tiêu, cho việc giải quyết những yêu cầu bức xúc và lâu dài còn lớn. Vấn đề đặt ra là cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy, cán bộ, là sự phối hợp đồng bộ để tạo ra sản phẩm. Trong khi chờ đề án, đề xuất được thông qua và những cơ chế, chính sách chung được ban hành, lãnh đạo TPHCM cần chọn những việc làm thí điểm, lấy kết quả thực tiễn để thuyết phục, tạo dựng niềm tin. Việc thí điểm cần có chủ trương chính thức, rõ ràng của Thành ủy như trước đây - “đêm trước của đổi mới”, thành phố cho phép thực hiện “xé rào” làm kế hoạch 3 phần, lập tổ thu mua gạo... để phát triển sản xuất, lo bữa ăn cho người dân, tạo nguồn hàng xuất nhập khẩu, phá thế bao vây cấm vận. 

Tiềm năng, nguồn lực con người của TPHCM rất mạnh và rất lớn. Quan trọng là làm tốt công tác cán bộ, nhất là người đứng đầu. Người đứng đầu xông xáo, nhiệt tình, chịu lắng nghe, chịu tháo gỡ, công việc sẽ chạy tốt, tạo môi trường cho đổi mới sáng tạo. Còn ngược lại, quan cách, luôn nghĩ mình hơn người, quen kiểu mệnh lệnh, hay đổ lỗi thì khó tạo niềm tin, triệt tiêu sáng tạo và trì trệ kéo dài.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, sắp tới sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, thu hút đầu tư cho phát triển. Nhiều nguồn đầu tư bao gồm cả trong, ngoài ngân sách; trong, ngoài nước thông qua nhiều mô hình cần được phát huy và hoàn thiện như đối tác công - tư… Việc quản lý hiệu quả tài sản công, nhà đất công; thực hiện cổ phần hóa còn là nguồn lực lớn. Hiện nay, tài sản công, nhà đất công sử dụng không đúng mục đích, cũng như bỏ phí, đang là vấn đề gây bức xúc, kể cả các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn. Cần có sự rà soát nghiêm túc và thể hiện sự nêu gương.

Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phòng chống dịch bệnh, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đã được Thành ủy TPHCM thông qua. Hội đồng Nhân dân TPHCM cũng đã có đề án nâng cao chất lượng hoạt động giám sát. Việc phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử cùng với hoạt động giám sát, phản biện của Mặt trận, đoàn thể, sự góp ý, hiến kế của các tầng lớp nhân dân sẽ có tác dụng tích cực, thúc đẩy sự phát triển. Mới đây, Thành ủy TPHCM đã thông qua đề án về phát huy vai trò giám sát của Mặt trận, đoàn thể đối với tổ chức đảng và đảng viên. Đây được xem là giải pháp không chỉ góp phần tích cực cho công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền mà còn cho sự phát triển của TPHCM.

Với tất cả sự quyết tâm, sự chung sức, đồng lòng, chúng ta có niềm tin vào Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân TPHCM sẽ tạo nên nhịp độ tăng tốc mạnh hơn trong năm 2022 và trong giai đoạn phát triển mới.

Tin cùng chuyên mục