Vòng tuyến phòng thủ 5K - phong tỏa - cách ly của TPHCM đang bị đe dọa trước đợt tấn công lần thứ tư của dịch Covid-19. Các ca mắc mới không ngừng gia tăng; Covid-19 lây lan, len lỏi vào từng nhà, từng hẻm, các căn hộ chung cư, các công ty có đông công nhân lao động. Trong đợt này, TPHCM trở thành địa phương có số ca mắc nhiều thứ ba cả nước với gần 1.200 bệnh nhân.
Trận chiến ngày càng căng thẳng hơn khi thành phố huy động tổng lực nhân viên y tế, sinh viên các trường đại học ngành y dược, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm rộng với gần 600.000 người. 7 bệnh viện trực thuộc thành phố phải ngưng một phần hoặc toàn phần công tác khám chữa bệnh để chuyển sang chuyên điều trị bệnh nhân Covid-19.
Lãnh đạo thành phố còn tính đến phương án thiết lập bệnh viện dã chiến ngay tại Nhà thi đấu Phú Thọ, quận 11. Các khu cách ly tập trung trở nên quá tải, ngoài KTX Đại học Quốc gia TPHCM có năng lực 20.000 giường, UBND TPHCM đề nghị trưng dụng KTX các trường ĐH: Sư phạm Kỹ thuật, Nông Lâm, Sư phạm TPHCM, Tôn Đức Thắng, Bách khoa, Sài Gòn… để làm khu vực cách ly tập trung trong tình hình dịch tăng mạnh.
Với làn sóng thứ tư này, thành phố phải đối mặt với “quân lực” virus mạnh hơn và đã triển khai các biện pháp chống trả chưa từng có. Virus SARS-CoV-2 biến thể Delta (biến thể từ Ấn Độ) có độc lực vượt hơn cả biến thể Alpha (biến thể từ Anh), mạnh hơn 40% biến thể cũ, lây lan nhanh hơn, gây triệu chứng nặng hơn, nguy cơ tử vong cao hơn.
Nguy hiểm hơn, biến thể Delta có khả năng tồn tại trong cơ thể 12-14 ngày mới phát bệnh nên biện pháp cách ly 14 ngày coi như lỗi thời, buộc phải kéo dài lên 21 ngày. Các ca bệnh lây lan qua nhiều chuỗi, thậm chí đến chu kỳ 5 (F5) vẫn phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2 (chuỗi lây nhiễm Điểm nhóm sinh hoạt truyền giáo Phục Hưng).
Nguy cơ là thế, trong lúc cả thành phố căng mình chống dịch như thế nhưng nhiều nơi, nhiều cá nhân vẫn lơ là, xem thường dịch bệnh và không tuân thủ các quy định chống dịch. Ngay trong ngày 17-6, phóng viên Báo SGGP vẫn ghi nhận tình trạng chủ quan, lơ là trên nhiều tuyến đường thuộc địa bàn quận 3, 10, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Thạnh, TP Thủ Đức… Một quán nước vỉa hè nằm trong con hẻm 601 đường Cách Mạng Tháng Tám, phường 15, quận 10 vẫn ngang nhiên cho khách ngồi ăn uống tại chỗ, thậm chí có khách vẫn không đeo khẩu trang. Trước đó, tối 15-6, trước cổng siêu thị điện máy - nội thất Chợ Lớn (đường Cách Mạng Tháng Tám, phường 11, quận 3) vẫn có hàng chục xe đẩy bán hàng rong tụ tập, cho khách ngồi ăn uống tại chỗ…
Trước tình hình đó, lãnh đạo thành phố buộc siết chặt vòng vây, đề ra các phương án tác chiến mới. UBND TPHCM ban hành văn bản khẩn, trong đó chỉ đạo TP Thủ Đức và các quận, huyện tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong nhân dân cùng ủng hộ, chấp hành nghiêm việc thực hiện Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ. Phát huy vai trò Tổ công tác phòng chống Covid-19 tại phường, xã, thị trấn và các lực lượng chức năng của địa phương trong việc kiểm tra, nhắc nhở và xử phạt đối với các trường hợp không chấp hành biện pháp 5K...
Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM, được sự trợ giúp của Bộ phận thường trực đặc biệt do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn dẫn đầu, đang tính đến các phương án mạnh mẽ, sâu rộng và hiệu quả hơn. Trong đó, sẽ triển khai các biện pháp test nhanh cho các đối tượng tiếp xúc ngay khi xuất hiện các ca dương tính nhằm nhanh chóng phân nhóm nguy cơ, triển khai các biện pháp chống dịch phù hợp với từng nhóm; tập trung khoanh vùng, dập dịch các khu vực sản xuất trong khu chế xuất - khu công nghiệp; đưa ứng dụng công nghệ mới để khai báo y tế tự động, theo dõi sức khỏe, quản lý cách ly tại nhà bằng thiết bị đeo thông minh; triển khai các bước, thủ tục cần thiết để TPHCM thực hiện thí điểm việc cách ly F1 tại nhà nhằm giảm tải nhân lực, vật lực cho cuộc chiến chống Covid-19…
Trong bức tranh nhiều âu lo ấy, hôm qua người dân thành phố đón nhận thông tin đầy phấn khởi khi 836.000 liều vaccine Covid-19 được Chính phủ phân bổ cho TPHCM từ nguồn vaccine của Nhật Bản tài trợ đã về đến Viện Pasteur TPHCM. Sở Y tế TPHCM, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM và Viện Pasteur TPHCM đã xây dựng kế hoạch cho một chiến dịch tiêm chủng, dự kiến diễn ra trong 5-7 ngày tại 1.000 điểm trên địa bàn thành phố. Đây được xem là đợt cung cấp “vũ khí hạng nặng” trong chiến đấu với “giặc Covid-19”, là vaccine tinh thần cho lực lượng y tế và người dân thành phố trong giai đoạn cao trào chống dịch. Tin rằng, với sự vào cuộc của toàn xã hội cùng việc tự nâng cao trách nhiệm và ý thức công dân của từng cá nhân trong chính chúng ta, cuộc chiến chống dịch Covid-19 sẽ sớm đi đến chiến thắng cuối cùng.