Tưởng chừng nghề nấu mía đường chỉ còn trong quá khứ, nhưng ở vùng đất đồi gò này, vẫn có một người suốt hơn 40 năm qua gắn bó với nghề. Lò nấu đường thủ công của ông duy nhất còn sót lại trên đất Quế Sơn, nơi từng được mệnh danh là thủ phủ mía đường một thời của Quảng Nam. Ông là Trần Đình Hai (65 tuổi), trú thôn Tân Đông Tây, xã Phú Thọ, huyện Quế Sơn, Quảng Nam.
Giữ nghề xưa
Năm cái chảo nấu đường bằng gang nằm thẳng tắp trên bệ lò như vẫn vương mùi ngào ngạt của mía đường còn sót lại. Mới khoảng 2 tháng tắt lò nhưng thành chảo đã ánh lên màu đen sỉn của nước mía, đường và bụi bám. Gần trăm chiếc tô nhôm dùng làm khuôn đổ đường đã được chất chồng trong giỏ sắt, đặt khuất góc lò, bên cạnh chiếc gàu múc đường đặt hờ hững… Thoạt nhìn, không ai nghĩ đây là lò nấu mía đường “nổi tiếng” nhất xã Phú Thọ và Quế Sơn. Sở dĩ, nói nổi tiếng bởi chỉ cần bước chân vào địa phận xã, hỏi lò nấu đường ông Hai Phước (tên gọi thân mật của ông Trần Đình Hai) thì ai cũng biết. Lò nấu đường không những vang danh trong thôn Tân Đông Tây, xã Phú Thọ, mà còn lan xa toàn huyện Quế Sơn. Một số hộ trồng mía các xã lân cận của huyện Thăng Bình cũng rộn ràng tìm tới.
Độ tháng 2 hàng năm, vào mùa thu hoạch mía, lò đường của ông Hai lại hoạt động thâu đêm. Kẻ chở mía đến nấu đường, con buôn chờ mua đường, trẻ em, người già ngóng trông mẻ đường non, xin nhúng vài cái bánh tráng, hoặc mua ít đường non về ăn dần. Tiếng cười nói í ới, tiếng va chạm của đường tán (đường bát) ra khuôn, xếp vào rọ tạo thanh âm lách cách, cả vùng quê xôn xao hàng tháng trời… Nhưng đó là câu chuyện của khoảng 20 năm về trước, khi mà thôn Tân Đông Tây nhà nào cũng trồng mía. Thời hoàng kim, trong thôn có 6-7 lò nấu đường, đến mùa thu hoạch, cả làng lúc nào cũng ngậy lên mùi thơm của mật mía, của đường. “Hồi đó lò tôi nấu liên tục cả tháng trời, mỗi ngày gần 30 mẻ. Chỉ riêng mía của nhà trồng đã ép gần 200 lượt. Mà ai cũng nhiều như vậy. Làm không xuể”, ông Hai nhớ lại.
Bây giờ, trong thôn còn chưa đến 10 hộ trồng mía, diện tích nhỏ lẻ, ai trồng nhiều lắm cũng chỉ 1 sào (500m2), mùa cao điểm lò đỏ lửa được 5-7 ngày là tắt. Thi thoảng, người dân một số vùng lân cận như Quế Thuận hoặc Bình Quý (Thăng Bình) cũng chở mía sang ép đường nhưng lẻ tẻ. Ông Hai cho rằng, nguyên nhân trong làng ít người còn theo nghề trồng mía là do đất đai cằn cỗi, thiếu nước, trồng mía cực, năng suất thấp, thời gian thu hoạch lâu, không lời lãi, nhất là giờ đây lớp trẻ không mặn mà với nghề này.
Dù vùng nguyên liệu mía không còn nhiều, khách hàng ít, ngày đỏ lửa cũng ngắn dần, nhưng ông Trần Đình Hai vẫn duy trì lò như muốn níu kéo cái nghề đã gắn với ký ức của làng. “Thông thường 1 mẻ mình ép 12 bó mía (trọng lượng 30kg/bó) sẽ cho ra được 20-25kg đường thành phẩm, tiền công 170.000 đồng, chủ yếu làm thêm nên cũng không lời lãi gì vì ít quá. Mình già rồi, làm được bao nhiêu thì làm, vài năm nữa ốm yếu không làm được cũng nghỉ nên cái nghề này chắc không tồn tại bao lâu nữa. Chưa kể, không ai trồng mía, lấy gì mình ép nấu đường. Thôi cứ coi như mình duy trì để cho con cháu biết cái nghề của làng”, ông Hai bộc bạch.
Những xa xôi không về
Thời huy hoàng của mía đường Quảng Nam trôi qua ước chừng cũng hơn 20 năm, giai đoạn mà các vùng Quế Sơn, Thăng Bình, Duy Xuyên đi đâu cũng bạt ngàn mía. Chỉ riêng thôn Tân Đông Tây, một lò như nhà ông Hai mỗi ngày cũng nấu gần chục tấn mía. Thương lái khắp nơi đổ về tranh nhau mua từng sọt đường bát, chất đầy, chở đi khắp nơi. Nhưng rồi, giá đường trượt dài, người trồng mía lao đao khi đường từ nơi khác đổ về với giá rẻ bèo. Nhà máy mía đường đóng cửa, bao nhiêu cánh đồng mía ở Quảng Nam bỏ hoang, hoặc chuyển sang trồng các loại cây khác. Chung số phận, những lò đường thủ công truyền thống một thời ở thôn Tân Đông Tây và nhiều vùng khác ở Quảng Nam cùng lụi tàn. “Không trách được, giá thấp, đường bán không được thì dân nghỉ làm thôi. Bây giờ đường bát có giá thì không có ai làm. Lớp trẻ bỏ đi làm ăn xa kiếm sống, chứ không thể về đây bu bám vào mấy sào mía và cái lò đường nắng nóng này”, ông Nguyễn Trường Sang - Chủ tịch UBND xã Phú Thọ tâm sự.
Theo ông Nguyễn Trường Sang, bây giờ trong số hơn 350 hộ dân của thôn, số hộ trồng mía chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn diện tích trồng mía của xã chưa đến 3ha, chủ yếu nhỏ lẻ. “Thật ra, làm mía giờ tính ra vẫn lãi, đơn cử như với loại đường 1,5kg giá khoảng 50.000/cặp; loại 1-1,2kg giá khoảng 30.000/cặp, nhưng công việc này nặng nhọc nên dân bỏ dần, nhất là lớp trẻ họ không ham. Xã hướng cho dân chuyển đổi sang trồng các loại cây phù hợp và có thu nhập”, ông Sang nói.
Còn với ông Trần Đình Hai, người ngót nghét hơn 40 năm níu giữ lò đường thì đó như cái nghiệp mà tiền nhân để lại. Chưa kể, không làm cũng thấy nhớ cái không khí xôn xao, háo hức của kẻ ra người vào; rồi cái mùi ngọt ngào của đường bao năm đã thấm vào da thịt, cứ quặn thắt quyến luyến không chịu được. “Cả đời quen với mùi đường, mùi mía rồi, nên mỗi khi đến mùa, lòng cũng nôn nao, xốn xang không chịu được. Mặc dù một năm chỉ nấu được vài bận, từ tháng 2 đến tháng 4, mà cũng phải gom đôi bữa mới đủ vài tạ mía, nấu chừng 3 đợt là dừng chờ đủ mía mới nấu tiếp. Bây giờ đã qua mùa thu hoạch mía rồi, đành đắp lò chờ năm sau làm tiếp. Biết đâu mai mốt cây mía có giá, lớp trẻ quay về thì nghề này lại được hồi sinh”, ông Hai kỳ vọng. Âu đó cũng là tâm sự của lớp người xưa, nhớ lại cái thời huy hoàng của mía đường, tựa như giấc mơ ngọt ngào biết đâu sẽ trở thành hiện thực một ngày nào đó!