“Một sự kết hợp nguy hiểm” giữa nợ kỷ lục và tăng trưởng chậm có khả năng đẩy kinh tế toàn cầu đứng trước một cuộc khủng hoảng khác. Đó là nội dung của Báo cáo thường niên Geneva lần thứ 16 vừa được công bố cho thấy những khó khăn kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt.
Vay cho tiêu dùng là một trong những yếu tố khiến nợ tăng cao.
Năm 2013, nợ chiếm 215% GDP
Báo cáo thường niên Geneva là một bản báo cáo uy tín của Trung tâm Nghiên cứu ngân hàng và tiền tệ quốc tế. Một trong những nội dung rất đáng được quan tâm trong bản báo cáo năm nay đó là các khoản nợ tiếp tục gia tăng trong bối cảnh hầu hết các hội nghị về kinh tế trên thế giới đều bàn về chuyện làm thế nào để giảm gánh nặng về nợ. Nợ công tại các nước lớn và nợ cá nhân tại các quốc gia có nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc, đang tiếp tục tăng mạnh. Tổng nợ toàn cầu đã tăng từ 180% GDP năm 2008 lên 215% vào năm ngoái.
Luigi Buttiglione, một trong những đồng tác giả của báo cáo, người đứng đầu Quỹ Đầu tư chiến lược toàn cầu Brevan Howard, cảnh báo: “Tôi từng chứng kiến rất nhiều cái gọi là các nền kinh tế thần kỳ - Italia những năm 1960; Nhật Bản và các con hổ châu Á, Tây Ban Nha, Ireland và có thể bây giờ là Trung Quốc - đều kết thúc sau khi gặp phải các khoản nợ khổng lồ”. Theo ông Buttiglione, tình trạng nợ các nước tăng chóng mặt hiện nay bắt nguồn từ lập luận để thúc đẩy tăng trưởng nhanh, các quốc gia được khuyến khích đi vay nợ.
Điều này trên thực tế không hoàn toàn đúng khi ở các nền kinh tế có mức nợ cao, GDP lại tăng chậm như các quốc gia thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) ở Nam Âu và Trung Quốc, nơi GDP đã giảm xuống mức 7,5%. Mỹ, nền kinh tế số một thế giới, đang có nhiều dấu hiệu hồi phục tích cực cũng bị cảnh báo nếu các khoản nợ của ngân hàng trung ương và các hộ gia đình tăng cao có thể đe dọa đến sự phục hồi của Mỹ. Việc nợ cao kết hợp với tăng trưởng kinh tế thấp sẽ rất nguy hiểm, có thể đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào một cuộc khủng hoảng khác.
Báo cáo cũng lưu ý mặc dù giá trị tài sản đã có xu hướng tăng cùng với sự tăng trưởng của nợ nhưng sự cân đối này có thể sẽ không kéo dài. Các chuyên gia lo lắng giá trị tài sản tăng rơi vào vòng luẩn quẩn của “chặng tiếp theo của khủng hoảng toàn cầu” khiến các quốc gia lại buộc phải thắt chặt tín dụng, tìm mọi cách để giảm giá trị tài sản như đã từng xảy ra với cuộc khủng hoảng năm 2008.
Duy trì lãi suất thấp
Để giảm mối nguy của nợ chồng nợ, báo cáo khuyến nghị các quốc gia phải duy trì tỷ lệ lãi suất cho vay thấp trong một thời gian dài để các chính phủ, công ty và hộ gia đình có đủ khả năng trả nợ và tránh không phải gánh thêm một khoản nợ khác. Đối với khu vực châu Âu, các tác giả báo cáo đã chỉ ra một số sai lầm trong việc thực hiện chính sách cắt giảm nợ và khuyến cáo nếu không kịp thời điều chỉnh, trong trung hạn, sẽ ảnh hưởng đến sự bền vững ở eurozone. Còn với Trung Quốc, bản báo cáo khuyến nghị Trung Quốc nên thực hiện quyết liệt các biện pháp cắt giảm nợ dù điều này có thể giảm tốc độ tăng trưởng của quốc gia này.
Theo Guardian, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) sẽ họp tại Washington (Mỹ) vào tuần tới với sự quan tâm đặc biệt dành cho Báo cáo thường niên Geneva. Bản thân IMF đã từng có báo cáo hồi tháng 4 vừa qua cảnh báo về mức độ tăng trưởng toàn cầu sụt giảm trong năm 2014. Trong cuộc họp sắp tới, nhiều khả năng IMF sẽ bày tỏ sự quan ngại về nợ công tại Trung Quốc đã đạt đến mức “không bền vững”. IMF cũng có thể sẽ đề xuất chính phủ các nước duy trì mức lãi suất thấp và đưa ra các gói kích thích tài chính khi cần thiết để duy trì tăng trưởng và ngăn chặn tình trạng giảm phát.
ĐỖ CAO (tổng hợp)