Thành tích thể thao nhìn từ... bữa ăn VĐV

NO DỒN, ĐÓI GÓP

NO DỒN, ĐÓI GÓP ảnh 1
Một bữa ăn tự chọn của các cầu thủ nữ Việt Nam ở nước ngoài.

Người xưa từng nói: “Có thực mới vực được đạo”. Vài năm trở lại đây, bữa ăn của người Việt dần dần được nâng cao rõ rệt. Từ chỗ ăn no, bây giờ, bữa ăn phải đòi hỏi ngon. Đó là cuộc sống bên ngoài, còn với những VĐV đỉnh cao, bữa ăn đóng vai trò hết sức quan trọng. Vậy nhưng, bữa ăn cho VĐV được quan tâm đến mức nào, đáng tiếc nó vẫn chưa được như mong muốn.

Với chế độ 60.000 đồng/ngày như hiện nay, các VĐV tập huấn tại các trung tâm HLTTQG lớn được bố trí ba bữa ăn. Tuy nhiên, nếu phải ăn vài ngày ở đó bạn sẽ không hề muốn đến nhà ăn dù bụng đã đói. Bữa ăn sáng ở Nhổn thường là phở, mì tôm, xôi và trứng vịt lộn nhưng còn lâu mới ngon được như một hàng phở đông khách trên phố. Nó vừa nhạt bởi nước dùng, vừa nhạt bởi gia vị. Nhìn những VĐV ăn bữa sáng một cách uể oải, ăn cho xong cũng đủ nói nên chất lượng phục vụ.

Rồi bữa trưa, điểm khác biệt với những bếp ăn tập thể khác là tấm bảng xếp lịch thực phẩm cho VĐV với những con số calo trong phòng dinh dưỡng. Còn vào mâm, bữa nào cũng giống như ăn cỗ, vừa nguội vừa chán. Quanh năm suốt tháng, việc chế biến món ăn ở Nhổn luôn giống nhau, cá rán rồi sốt cà chua, thịt rang, thịt luộc nem, trứng rán (hoặc ốp la)... được mang ra trước bữa ăn cả tiếng hầu như đã nguội hết, chỉ có cơm và canh còn nóng.

Nhiều lần chứng kiến bữa cơm của VĐV ở Nhổn, chưa bao giờ tôi thấy họ ăn hết suất, cho dù các VĐV tập luyện thiên về thể lực như điền kinh, vật, quyền Anh. Cứ nói tới bữa cơm tập thể, HLV nào cũng lắc đầu ngao ngán nhưng nói mãi cũng chẳng có gì thay đổi. Bất cứ VĐV nào khi đã được đi tập huấn một lần ở nước ngoài (Trung Quốc chẳng hạn) đều khẳng định bữa ăn ở đó hơn hẳn tại Nhổn, họ được ăn ngon hơn, vì thế ăn nhiều hơn, không hề có cảm giác ngại ăn.

Nhiều người cho rằng, VĐV tập luyện thể thao vất vả, chắc chắn nhu cầu ăn uống lớn hơn và cũng dễ ăn hơn. Nhưng chưa hẳn như vậy, như ở giai đoạn hiện nay, hầu hết các tuyển thủ quốc gia đều đang phải tập rất nặng, những cữ chạy dài, chạy tốc độ, các tổ thể lực khiến nhiều VĐV nôn khan, đa số họ khi kết thúc buổi tập đều có nhu cầu uống nước nhiều hơn ăn và thật khó nuốt khi đều đặn ngồi trước những “mâm cỗ” nguội lạnh hằng ngày. Khi được hỏi, các VĐV đều mong muốn được ăn tự chọn mà mình thích nhưng với số tiền khoảng 40 đến 50 ngàn đồng/ngày, nhà bếp không thể bố trí hai bữa ăn tự chọn.

Ở giai đoạn hiện nay, các HLV đều mong muốn VĐV của mình ăn được nhiều, ăn ngon để có sức cho những bài tập ngày mai. Biết vậy, nhưng không hiểu bao giờ ngành thể thao mới nâng chất bữa ăn ở giai đoạn đầu năm cho VĐV mà vẫn thường chỉ tập trung cho từ 1 đến 2 tháng trước những kỳ đại hội lớn như SEA Games, Asian Games.

Và khi đó, thực phẩm nhiều hơn, đồ uống nhiều hơn trong khi nhu cầu của VĐV lại giảm đi, gây ra sự thừa mứa rất lãng phí. Một HLV điền kinh so sánh: bữa ăn cho VĐV hiện nay giống như suất ăn của người bệnh ở thời bao cấp. Trước khi đi viện, cần có năng lượng dự trữ thì chẳng có mà ăn, nhưng khi vừa mổ thì lại được biếu bao nhiêu đường, sữa, trứng, hoa quả mà lúc đó thì chẳng ăn được!

Bất cập về bữa ăn cho VĐV tồn tại không biết bao nhiêu năm, qua bao nhiêu đời Giám đốc các Trung tâm HLTT, không ít người còn cho rằng bữa ăn bị bớt xén, mua thực phẩm kém chất lượng… Nhu cầu ăn uống của VĐV, khả năng đáp ứng của nhà bếp không phải không được biết.

Vậy nhưng cân đối cụ thể ngân sách, san sẻ bữa ăn đồng đều hơn, tránh lúc thừa lúc thiếu, điều chỉnh thậm chí thay đổi đầu bếp nếu bữa ăn không đáp ứng được nhu cầu của VĐV là điều cần có cách nhìn mới, cách làm mới chứ đừng nên quy chụp cho cơ chế, cho sự hạn chế kinh phí. Bữa ăn tưởng chừng đơn giản nhưng với các VĐV, đó là điều cần thiết bậc nhất và nó cũng quyết định thành tích thể thao.


PHƯƠNG HOA

Tin cùng chuyên mục