Khi Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt đầu chuyến công du tới châu Á từ ngày 3 đến 9-9 tới, có thể ông sẽ phải trấn an các nhà lãnh đạo trong khu vực rằng ông vẫn có đủ ảnh hưởng để đưa Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được thông qua tại Quốc hội Mỹ.
Theo Reuters, lời trấn an trên sẽ được ông Obama đưa ra trong bối cảnh hai ứng cử viên tổng thống Mỹ và một lãnh đạo Quốc hội nước này đã tuyên bố không nên tiếp tục thúc đẩy, thậm chí dời thời hạn thông qua hiệp định quan trọng này. Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) nhận định, chuyến đi lần thứ 11 tới châu Á và cũng là chuyến cuối cùng trong suốt thời gian ông Obama làm tổng thống cho thấy ông đang cố gắng hoàn thiện “di sản” chính trị và kinh tế của mình trong những ngày tháng cuối cùng ở Nhà trắng.
TPP là trụ cột kinh tế trong chiến lược xoay trục về châu Á - Thái Bình Dương do ông Obama khởi xướng nhằm tạo đối trọng với sự nổi lên về kinh tế và quân sự của Trung Quốc. “Sẽ là một sự tụt hậu thực sự đối với di sản của ông Obama và chiến lược tái cân bằng của Mỹ nếu TPP không được thông qua”, ông Matthew Goodman, cựu cố vấn chính sách đối ngoại của ông Obama, hiện làm việc tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế tại Washington, nhận định.
Mặc dù vậy, điều ông Obama mong muốn có thành hiện thực hay không vẫn là một câu hỏi lớn. Bởi lẽ, trong quốc hội và chính giới Mỹ đang có rất nhiều người phản đối TPP. Thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell tuyên bố Thượng viện sẽ không bỏ phiếu về TPP trong năm nay mà sẽ chuyển sang nhiệm kỳ Tổng thống tiếp theo. Cả ông Donald Trump, ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa, và bà Hillary Clinton, ứng cử viên của đảng Dân chủ, đều tuyên bố phản đối TPP, nói rằng những thỏa thuận thương mại trước đây đã khiến nước Mỹ mất việc làm. Trong khi trước đây, khi còn là Ngoại trưởng Mỹ dưới thời ông Obama, bà Clinton là người ủng hộ TPP.
Nhà Trắng cho biết nếu TPP không được thông qua thì các lợi ích của Mỹ tại khu vực châu Á sẽ bị ảnh hưởng. Giới phân tích thì nhấn mạnh rằng một số nhà lãnh đạo châu Á đã phải đưa ra những quyết định khó khăn về mặt chính trị để thúc đẩy TPP và nếu TPP thất bại, thì uy tín của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng. Ông Ben Rhodes, phó cố vấn an ninh quốc gia của ông Obama khẳng định, TPP được coi là một phép thử đối với vai trò lãnh đạo của Mỹ ở châu Á, nếu không thông qua TPP, nước Mỹ sẽ lùi bước khỏi vai trò lãnh đạo đó.
Hiện, các ước tính về ảnh hưởng của TPP rất khác nhau, nhưng hầu hết đều cho thấy thỏa thuận này không có nhiều tác động tích cực đối với tăng trưởng kinh tế Mỹ. Theo Viện Peterson ở Washington, TPP sẽ chỉ giúp nâng tăng trưởng kinh tế Mỹ thêm 0,5% trong 15 năm. Cựu đại diện thương mại Mỹ Susan Schwab nói rằng cơ hội để TPP được quốc hội Mỹ thông qua khá mong manh, nhưng không phải là không thể ông cho rằng: “Lịch sử cho thấy nhiều ứng cử viên tổng thống Mỹ chỉ trích chính sách thương mại của chính quyền trước, nhưng khi nhậm chức rồi, thì họ lại tìm ra cách để chung sống với những chính sách đó. Điều này từng xảy ra với Tổng thống Obama và cựu Tổng thống Bill Clinton”.
VIỆT LÊ