Ngày 27-10, đại diện của Chính phủ Bỉ và chính quyền vùng Wallonia đã đạt thỏa thuận liên quan đến việc thông qua Hiệp định Thương mại và kinh tế toàn diện (CETA) Liên minh châu Âu (EU) - Canada.
CETA mở ra cơ hội hợp tác lớn hơn cho EU và Canada
Các bên đã sẵn sàng
Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Bỉ Charles Michel cho biết, những người đứng đầu các vùng và cộng đồng ngôn ngữ của nước này trong đó có vùng Wallonia đã đưa ra văn bản chung nhằm xoa dịu những lo ngại về việc nhập khẩu mặt hàng nông nghiệp và một hệ thống giải quyết tranh chấp gây nhiều tranh cãi. Người đứng đầu vùng Wallonia, nơi có 3,6 triệu dân nói tiếng Pháp tại Bỉ, mong muốn có được những cam kết chắc chắn rằng CETA sẽ không làm ảnh hưởng đến lợi ích của vùng. Việc thông qua thỏa thuận giữa vùng Wallonia và Chính phủ đã phá thế bế tắc của CETA và mở đường đưa thỏa thuận này có hiệu lực.
Canada và EU đã có bảy năm thương lượng về Hiệp ước CETA nhưng EU không thể phê duyệt thỏa thuận do chính phủ liên bang Bỉ không giành được sự đồng ý cần thiết từ chính quyền địa phương vùng Wallonia. Trước đó, cơ quan lập pháp vùng Wallonia đã bỏ phiếu phủ quyết việc ký kết CETA do những lo ngại liên quan đến các tiêu chuẩn về tiêu dùng và bảo vệ môi trường tại châu Âu sẽ bị hạ thấp, cùng với đó là thị trường lao động và thị trường nông sản bị đe dọa.
Cùng ngày, hội nghị thượng đỉnh Canada và EU đã buộc phải hủy bỏ do chưa có kết quả vòng đàm phán giữa Chính phủ Bỉ và chính quyền vùng Wallonia. Theo kế hoạch, tại hội nghị này, CETA sẽ được ký kết. Tuy nhiên, trước khi diễn ra hội nghị, văn phòng Thủ tướng Canada Justin Trudeau ra thông báo cho biết, ông Justin Trudeau hoãn chuyến thăm Brussels để tham dự hội nghị trên. Bộ trưởng Thương mại Canada Chrystia Freeland cho biết nước này sẵn sàng ký kết thỏa thuận quan trong này một khi phía EU sẵn sàng.
Nhiều lợi ích
Nếu được ký kết, CETA sẽ kết nối EU - một trong những thị trường lớn nhất thế giới gồm trên 500 triệu dân với Canada - nền kinh tế lớn thứ 10 toàn cầu. Những người ủng hộ CETA cho rằng, thỏa thuận này sẽ thúc đẩy việc làm và tăng trưởng. Giới phân tích cho rằng, nếu CETA không được ký kết, đây sẽ là một đòn giáng mạnh vào chính sách thương mại của EU, vốn đang loay hoay trong vấn đề Brexit (Anh rời khỏi EU) và tình trạng tăng trưởng trì trệ. Ủy viên châu Âu phụ trách thương mại, bà Cecilia Malmström, từng cho rằng, nếu EU không thể ký một thỏa thuận tốt với Canada - một trong những đồng minh thân cận của khối này, thế giới sẽ đặt câu hỏi rằng liệu EU có phải là đối tác đáng tin cậy hay không.
Hiệp định với EU sẽ mở đường để Canada có ưu đãi tiếp cận với thị trường 500 triệu người, lớn hơn Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đưa 75% hàng nhập khẩu của Canada đến Mỹ. Sự trắc trở của CETA cũng cho thấy, các dấu hiệu đáng ngại cho một hiệp định thương mại đầy tham vọng khác: Hiệp định thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương (TTIP) nối kết Mỹ với các nước EU. TTIP chịu sự phản đối gay gắt từ hai bờ Đại Tây Dương. Một hiệp định nữa cũng bế tắc vì Quốc hội Mỹ đến giờ vẫn từ chối phê duyệt, đó là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa Mỹ và 11 nước Thái Bình Dương.
THANH HẰNG (tổng hợp)