Đáng chú ý, lần đầu tiên, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố sẽ bảo vệ quyền lợi của Philippines ở biển Đông.
Hội đồng bảo an LHQ và biển Đông
Vào tháng 1-2019, Indonesia sẽ trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ). Đây là cơ hội cho Indonesia kết nối cộng đồng thế giới cũng như tạo sự đồng thuận trong việc tìm kiếm giải pháp cho tranh chấp biển Đông. Hãng thông tấn Bernama (Malaysia) dẫn lời bà Rashila Ramli, Giám đốc Trường Đại học Kebangsaan Malaysia và là giáo sư khoa học chính trị, cho rằng quá trình này phải được Indonesia đề xuất để tăng cường nỗ lực trong việc đưa tất cả các bên ở biển Đông, đặc biệt là Trung Quốc, ra thảo luận ở HĐBA LHQ vì môi trường hòa bình tốt hơn. Theo bà Ramli, nếu thực sự nghiên cứu lịch sử của biển Đông sẽ thấy chưa bao giờ các bên phải đặt ra vấn đề an ninh cho đến năm 1948, khi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở đường chín đoạn phi pháp.
Theo bà Rashila, khi an ninh biển Đông đáng báo động, Indonesia cần đẩy mạnh quá trình thảo luận ở phạm vi toàn cầu để thúc đẩy hòa bình và hợp tác giữa các thành viên LHQ. Bà Rashila cho rằng Indonesia có thể tận dụng cơ hội tại HĐBA LHQ để nâng cao nhận thức cho các nước rằng biển Đông không chỉ là vấn đề chủ quyền. Giám đốc Đại học Kebangsaan Malaysia nhận định Indonesia có thể tối ưu hóa vai trò là một trong những nước trung lập trong việc đưa tất cả các bên ở biển Đông tiến tới thảo luận bàn tròn. Tiếng nói của Indonesia đại diện cho châu Á - Thái Bình Dương sẽ có trọng lượng hơn trong vấn đề này.
Tổng thống Philippines lên tiếng
Bộ Quốc phòng Philippines ngày 24-7 bày tỏ sự ủng hộ cho những nỗ lực của Tổng thống Rodrigo Duterte nhằm giải quyết vấn đề tranh chấp ở biển Đông với Trung Quốc thông qua các phương tiện ngoại giao. Báo Manila Bulletin dẫn lời ông Arsenio Andolong, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines nói: “Vấn đề biển Đông chỉ là một phần trong quan hệ của chúng ta với Trung Quốc, do đó, Bộ Quốc phòng hỗ trợ các nỗ lực của Tổng thống để giải quyết tranh chấp thông qua các phương tiện ngoại giao”. Ông Andolong thêm rằng: “Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng và lực lượng vũ trang Philippines sẽ bảo vệ chủ quyền của đất nước với tất cả các phương tiện và nguồn lực sẵn có khi cần thiết”.
Trước đó, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vào ngày 23-7 lần đầu tiên cam kết bảo vệ lợi ích của Philippines ở biển Đông. Theo South China Morning Post, trong bài diễn văn đọc trước quốc hội kéo dài hơn 1 giờ, Tổng thống Duterte tuyên bố: “Mối quan hệ được cải thiện giữa chúng ta với Trung Quốc không có nghĩa là chúng ta sẽ dao động trong việc bảo vệ lợi ích của chúng ta ở biển Đông”. Ông Duterte nói rõ rằng Trung Quốc và Philippines đang giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền ở biển Đông thông qua đường ngoại giao.
Hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở biển Đông cũng là chủ đề quan trọng tại cuộc tham vấn ngoại giao - quốc phòng giữa Mỹ và Australia (AUSMIN) 2018 tổ chức trong 2 ngày 23 và 24-7 tại Viện Hoover thuộc Đại học Stanford ở bang California, Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne đã bày tỏ ủng hộ vai trò của Canberra trong việc đảm bảo hoạt động tự do tại các tuyến hàng hải của biển Đông. Bà khẳng định cam kết của Australia trong việc duy trì là “một đối tác rất mạnh” trong khu vực, kiên định theo đuổi lập trường về tự do hàng hải và giám sát. Bộ trưởng Payne và Ngoại trưởng Julie Bishop của Australia cùng với Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis của Mỹ tham gia AUSMIN 2018.