Nỗ lực kiểm soát lạm phát đạt mục tiêu

Quý 1, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước. Tuy cao hơn mức tăng 0,29% của quý 1-2021 nhưng thấp hơn mức tăng của quý 1 giai đoạn 2017-2020. Nếu so với một số đối tác thương mại lớn của Việt Nam (như Mỹ tháng 2 vừa qua chỉ số giá tăng 7,9%, Anh 6,22%, Đức 5,1%, Italia 5,7%, Trung Quốc tăng 0,9%, Nhật Bản tăng 0,9%...) thì con số 1,92% cho thấy, Việt Nam vẫn kiểm soát tốt trong vòng xoáy giá hàng hóa vừa qua. Đặc biệt, việc kiểm soát tốt cung tiền cùng tỷ giá ổn định đã góp phần hạn chế sức ảnh hưởng từ việc giá hàng hóa thế giới tăng.

Tuy vậy, nguy cơ tác động đến tăng giá tiêu dùng lớn nhất trong thời gian tới vẫn còn rất lớn. Chẳng hạn như tác động từ nhóm ảnh hưởng lớn nhất đến CPI là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (chiếm tỷ trọng hơn 33% trong “rổ” hàng hóa tính CPI). Việt Nam đang trở lại trạng thái bình thường mới khi học sinh quay lại trường học, hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường…, tất sẽ tăng mức tiêu thụ lương thực - thực phẩm và tác động mạnh lên giá tiêu dùng. Bên cạnh đó, giá sản xuất hàng hóa chịu áp lực tăng do giá nguyên vật liệu thế giới tăng từ quý 2, 3 năm 2021. Đây cũng là áp lực tăng giá trong những tháng tới khi kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, gia công vẫn chiếm tỷ trọng cao, nguồn cung thế giới đứt gãy khiến giá nguyên vật liệu tăng cao. Cùng với đó, giá xăng dầu phụ thuộc vào xung đột Nga - Ukraine và dù cuộc xung đột chấm dứt thì giá xăng dầu bình quân năm 2022 vẫn cao hơn năm 2021, tác động đến chi phí đầu vào của kinh tế, doanh nghiệp.

“Nếu xăng dầu tiếp tục tiến tới mức 140 USD/thùng thì lạm phát bình quân năm nay vẫn có thể ở mức 4%, nhưng lạm phát so với cùng kỳ năm trước sẽ vượt 4% ngay trong tháng 8, 9 và cuối năm có thể trên 7%. Điều này rất nguy hiểm ở chỗ gây ra kỳ vọng lạm phát và áp lực lớn hơn cho việc điều hành, kiểm soát lạm phát năm 2023”, ông Nguyễn Đức Trung, quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TPHCM nói. “Chúng tôi đã chạy một chương trình thường xuyên để đánh giá tác động của giá xăng dầu đến lạm phát tại Việt Nam. Nếu giá xăng dầu tăng khoảng 10% thì lạm phát tăng thêm 0,48% và nếu giá xăng dầu tăng 30% thì lạm phát tăng thêm xấp xỉ 1%”, ông Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng chia sẻ.

Rõ ràng, đến thời điểm hiện nay, yếu tố khó lường nhất vẫn là giá xăng dầu. Đây là mặt hàng có yếu tố quyết định đến việc thực thi các kịch bản điều hành giá. Vì thế, điều đó đòi hỏi các cơ quan quản lý có những giải pháp thực thi và điều chỉnh linh hoạt các biện pháp để thích ứng với biến động của mặt hàng này. 

Ngoài ra, điểm quan trọng khác, theo các chuyên gia, bên cạnh các biện pháp tiền tệ, cung - cầu hàng hóa…, để kiềm chế lạm phát có hiệu quả thì điều quan trọng nhất là kiểm soát được yếu tố lạm phát kỳ vọng, tránh tâm lý lạm phát đang bị kích hoạt lên khá mạnh ở người dân hiện nay. Như một chuyên gia từng nhận xét: Những người đi chợ nắm khá rõ giá cả, nhưng những người không đi chợ lại bị kích hoạt tâm lý mạnh hơn. Họ nghĩ rằng, “hiện nay cái gì cũng tăng giá và tăng giá khá ghê gớm”. Chính vì vậy, đây là điều mà cơ quan quản lý cần chú ý trong công tác điều hành cũng như truyền thông. Cụ thể, các cơ quan chức năng phải tuyên truyền kịp thời, chính xác đến người dân các chính sách của Nhà nước trong việc bình ổn thị trường, kiềm chế lạm phát. Cùng với đó là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là trong lĩnh vực quản lý giá; xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân lợi dụng tình hình dịch bệnh để tăng giá, đầu cơ, găm hàng dẫn đến khủng hoảng hàng hóa… Nếu Chính phủ điều hành tốt, truyền thông làm tốt công tác tâm lý, mục tiêu mà Quốc hội đặt ra là kiểm soát lạm phát bình quân năm 2022 dưới 4% có thể đạt được.

Tin cùng chuyên mục