Cộng đồng chung tay giúp nạn nhân chất độc da cam/dioxin
Mới đây, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TPHCM đã tổ chức đoàn khảo sát việc sử dụng vốn giúp các gia đình nạn nhân ở 2 huyện Cần Giờ và Củ Chi. Trong số những gia đình bất hạnh do có con bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, nay đã vượt qua khỏi ngưỡng nghèo, có gia đình chị Trần Thị Cẩm Giang (ở huyện Củ Chi), nhờ đồng vốn của hội giúp đã mua được dàn máy may công nghiệp và đàn bò đã sinh sôi nảy nở, tăng thu nhập gia đình, nhà cửa khang trang.
Hay như nạn nhân thế hệ thứ hai Trần Quốc Tuấn làm nghề đan sọt hàng tháng có thêm thu nhập, góp phần giải quyết khó khăn đời sống gia đình. Đặc biệt, gia đình 2 bà cháu nạn nhân thế hệ thứ hai Phạm Thị Tuyết Mai (ở huyện Củ Chi) được hội giúp vốn nuôi bò sinh lợi, đời sống cải thiện hơn trước. Trường hợp chị Trần Thị Kim Loan bị mù 2 mắt từ trong bụng mẹ, trước đây đời sống hết sức khó khăn, nhưng nay được giúp vốn mở quầy tạp hóa nhỏ để buôn bán và nuôi vịt (ảnh).
Nạn nhân Trần Thị Huyền (thế hệ thứ hai), cháu Điền Ngọc Thảo Nguyên (thế hệ thứ ba, ở huyện Củ Chi), mặc dù bị mù 2 mắt, nhưng mẹ con chăm chút rất tốt đàn heo. Gia đình chị Nguyễn Thị Lẫm có con trai 6 tuổi bị điếc bẩm sinh, mỗi ngày chị chật vật trên gánh xôi và chồng làm thợ hồ để nuôi con. Căn nhà cấp 4 bị gió đánh sập, hội giúp dựng lại căn nhà tình thương và cấp vốn cho chị nuôi heo, cuộc sống gia đình chị Lẫm nay đã tạm ổn.
Gia đình nạn nhân Bùi Văn Hùng (ở 536, ấp Bình Phước, xã Bình Phước, huyện Cần Giờ), có con trai Bùi Đức Khương dị tật bẩm sinh yếu liệt tay chân nằm một chỗ, giờ cũng đã dần ổn định cuộc sống với nguồn thu nhập từ làm vườn và nuôi cá tra. Năm 2011, hội giúp gia đình anh Hùng sửa nhà, trợ vốn và giúp phẫu thuật chỉnh hình nên đến nay em Khương có thể đi lại bằng nạng.
PHẠM THỊ NHÍ
Chia sẻ nỗi bất hạnh chiến tranh
Sau 40 năm chiến tranh, hậu quả chất độc da cam/dioxin vẫn dai dẳng đeo bám biết bao số phận con người ở nước ta. Những nỗ lực bền bỉ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nhằm chung tay chia sẻ nỗi đau và giúp nạn nhân chất độc da cam/dioxin và gia đình họ khả dĩ có cuộc sống bớt nhọc nhằn và đau khổ…
Thông tin từ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, đầu năm nay, Hội Cựu chiến binh Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và Hợp tác xã Vệ sinh môi trường Thành Công, đã chuyển gần 12 tỷ đồng ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, góp phần chung tay xây dựng Trung tâm Bảo trợ xã hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (có chức năng tiếp nhận, chăm sóc, tẩy độc, phục hồi chức năng cho nạn nhân, dự kiến xây dựng ở xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội với tổng kinh phí lên đến 151 tỷ đồng). Trong đó, Hội Cựu chiến binh của Tập đoàn Dầu khí quốc gia đã vận động mỗi CBCNV đóng góp ít nhất 1 ngày lương vào Quỹ Nghĩa tình đồng đội nhằm động viên, nuôi dưỡng, tặng quà cựu chiến binh gặp khó khăn, Mẹ VNAH và nạn nhân chất độc da cam…
Mới đây, vào cuối tháng 5-2014, tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin TPHCM đã tiếp nhận 18.000 USD do Hội Cộng đồng Hòa Hiếu (Mỹ) trao tặng nhằm giúp phẫu thuật, chỉnh hình, phục hồi chức năng 30 người khuyết tật (chân, tay, sứt môi hở hàm ếch…) và nạn nhân chất độc da cam. Trước đó, hội cũng đã nhận tài trợ từ Hội Orange Dyhoxine (Pháp) phẫu thuật thành công 37 trẻ em là nạn nhân chất độc da cam.
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP Đà Nẵng vừa cùng Đảng ủy Khối các cơ quan, Sở GD-ĐT, Hội LHPN… tổ chức chương trình “Chung tay chia sẻ nỗi đau da cam” nhằm hưởng ứng “Tháng hành động vì trẻ em” và hướng đến Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin 10-8, tiếp nhận hơn 2,7 tỷ đồng ủng hộ từ các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ. Hội còn kêu gọi, vận động xã hội đóng góp hơn 50 tỷ đồng giúp chữa bệnh, nuôi dạy những nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam, đặc biệt là trẻ em. Hiện nay Đà Nẵng có trên 5.000 nạn nhân chất độc da cam, trong đó có khoảng 1.400 trẻ em. Nhiều gia đình rất nghèo có từ 2 đến 3 thế hệ bị nhiễm dioxin.
Những tổ chức và người hoạt động xã hội nhân đạo đều biết bà Maggie Brooks (đang sinh sống tại Costa Rica) vốn lâu nay có tình cảm đặc biệt với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Từ giữa năm 2013 đến nay, bà Maggie Brooks đã vận động từ bạn bè và tiền riêng của mình để lập ra quỹ giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, thu được 10.000 USD, trong đó đợt 3 năm 2014 chuyển đến Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam 5.470 USD để xây dựng từ 2 - 3 căn nhà cho đối tượng này tại Hà Nội.
Ước mong của bà Maggie Brooks là tăng cường vận động đóng góp nhiều hơn nữa để không chỉ dừng lại ở mức xây mới những căn nhà mà sớm có thể xây dựng một ngôi làng của một cộng đồng nhỏ gia đình nạn nhân chất độc da cam sống an bình.
XUÂN BÁCH