Trước sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1, thế giới giờ đây xem vấn đề an toàn hạt nhân mang tính chất sống còn trong việc phát triển nguồn năng lượng này. Đã có nhiều tiếng nói kêu gọi xem xét lại tiêu chuẩn an toàn hạt nhân.
Cường quốc số 2 về hạt nhân cũng lo ngại
Trong chuyến thăm Nhật Bản ngày 31-3, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã kêu gọi nhóm G20 nhóm họp để bàn về tiêu chuẩn an toàn hạt nhân quốc tế đối với các nhà máy điện hạt nhân.
Theo Reuters, phát biểu tại Đại sứ quán Pháp ở Tokyo, ông Sarkozy cho rằng “thật là bất bình thường khi cho tới nay vẫn chưa có các tiêu chuẩn an toàn hạt nhân quốc tế dành cho các nhà máy điện hạt nhân”.
Tổng thống Pháp thêm rằng, thế giới hiện nay như một ngôi làng. Những gì xảy ra ở Nhật Bản có thể gây hậu quả ở nơi khác. Ông đề nghị cuộc họp này có thể diễn ra ở Paris vào đầu tháng 5. Sau đó Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) sẽ có một cuộc họp đặc biệt trong tháng 6.
Với tư cách là đương kim Chủ tịch nhóm G20, Tổng thống Sarkozy cho biết ông muốn thấy thế giới có bộ tiêu chuẩn an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân vào cuối năm nay. Hiện IAEA có các tiêu chuẩn an toàn hạt nhân nhưng không có tính ràng buộc pháp lý. An toàn hạt nhân chủ yếu do từng nước thành viên IAEA chịu trách nhiệm.
Sau vụ tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân Three Mile Island tại Mỹ năm 1979 và nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Ukraine, năm 1986 cũng đã có 72 nước ký kết vào các tiêu chuẩn an toàn hạt nhân trên cơ sở các tiêu chuẩn của IAEA.
Pháp, hiện là cường quốc hạt nhân số 2 thế giới, đang cử các chuyên gia tới Nhật Bản nhằm khắc phục sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1. Pháp hiện có 58 lò phản ứng hạt nhân sản xuất ra 75% lượng điện của nước này.
Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan đã ủng hộ lời kêu gọi của Tổng thống Pháp về tiêu chuẩn an toàn quốc tế cho các nhà máy điện hạt nhân, cho rằng trách nhiệm của Nhật Bản là chia sẻ kinh nghiệm với thế giới.
Ấn Độ hoãn các dự án hạt nhân mới?
Theo AFP, cùng với sự vận động về an toàn hạt nhân của Pháp, Giám đốc Viện khoa học Ấn Độ và là thành viên Hội đồng cố vấn khoa học của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, ông P.Balaram, ngày 1-4 đã viết một bức thư ngỏ kêu gọi tạm hoãn tất cả các dự án hạt nhân trong tương lai tại Ấn Độ sau sự cố tại nhà máy Fukushima 1. Theo ông, sự cố tại Nhật Bản “là lời cảnh tỉnh” đối với Ấn Độ.
Thư ngỏ, với chữ ký của 50 nhân vật nổi tiếng, viết: “Chúng tôi thực sự tin rằng Ấn Độ phải xem xét lại chính sách năng lượng hạt nhân của mình”. Thư ngỏ cho rằng trong khi chờ xem xét lại các dự án hạt nhân, nên hoãn tất cả các hoạt động hạt nhân mới. Nên thu hồi giấy phép của các dự án đang trong gai đoạn giải phóng mặt bằng.
Từ năm 2008, Ấn Độ đã đẩy mạnh các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân sau khi Mỹ bãi bỏ lệnh cấm vận thương mại hạt nhân kéo dài 3 thập niên với New Delhi. Kể từ đó, Pháp, Nga, Mỹ và Nhật Bản đã cạnh tranh dữ dội trong các hợp đồng bán lò phản ứng hạt nhân cho Ấn Độ.
Thư ngỏ của ông Balaram là lời kêu gọi trực tiếp từ một thành viên của chính phủ Ấn Độ về việc hoãn tất cả các chương trình hạt nhân. Bức thư cho rằng, Bộ Năng lượng nguyên tử Ấn Độ “giảm thiểu một cách khinh suất” khả năng xảy ra sự cố hạt nhân khi cho rằng các lò phản ứng hạt nhân tại Ấn Độ không thể gặp các tai nạn nghiêm trọng.
Thư ngỏ nêu: “Cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Nhật Bản cho thấy: thậm chí ở nước công nghiệp tiên tiến, các lò phản ứng hạt nhân cũng dễ gặp sự cố khi có tai họa bất chấp những biện pháp phòng ngừa và tiêu chuẩn an toàn”. Bức thư ngỏ thúc giục Chính phủ Ấn Độ tiến hành thanh tra một cách độc lập và minh bạch các cơ sở hạt nhân nước này.
Liên quan đến sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1, ngày 1-4, các quan chức Nhật Bản cho biết đang xem xét cấp thêm tiền cho Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) để đối phó với sự cố hạt nhân. Cơ quan An toàn hạt nhân của Nhật Bản cho rằng do bị sóng thần nên TEPCO không còn đủ máy đo độ phóng xạ trang bị cho công nhân. Hiện có 21 công nhân nhiễm phóng xạ trực tiếp ở mức trên 100 millisievert, mức quy định cho công nhân trong trường hợp khẩn cấp. Nhưng công nhân tại nhà máy này đã được nâng thêm lên mức 250 millisievert. Reuters dẫn nguồn từ TEPCO cho biết lượng phóng xạ đo được tại mạch nước ngầm xung quanh khu vực nhà máy Fukushima 1 vượt 10.000 lần mức cho phép. Nước ngầm nhiễm phóng xạ có thể xâm nhập nước biển và sông. |
KHÁNH MINH