Mùng 2 Tết, ghé ngôi làng cổ nhất Việt Nam - làng Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) không khó để bắt gặp không khí nô nức, nhộn nhịp của khách thập phương về đây lễ chùa, xin lộc đầu năm.
Không chỉ khách trong nước mà nhiều du khách nước ngoài cũng đến viếng chùa. Hầu hết các ngôi chùa, đình, đền tại đất hai vua được mở xuyên suốt tết phục vụ nhu cầu lễ bái của người dân địa phương, các vùng lân cận cho đến khách phương xa. Một điều khá thú vị đó là tại nhiều điểm di tích, hình ảnh những ông đồ cho chữ khiến không khí ngày xuân càng thêm ấm áp.
Tại chùa Mía (tên chữ Sùng Nghiêm tự), ngôi chùa có tuổi đời gần 400 năm, hàng trăm lượt khách nô nức đổ về lễ chùa. Dù mới mùng 2 Tết nhưng mọi sinh hoạt của người dân đã trở lại bình thường. Trước cổng chùa, hàng chục hàng quán bán các loại đồ lễ, hoa trái phục vụ du khách đi lễ chùa được bày khắp nơi. Hàng trăm xe máy, ô tô đậu chật kín trước cổng chùa - vốn là nơi họp chợ ngày thường. Trong khuôn viên chùa, khung cảnh còn náo nhiệt hơn khi khách thập phương, tứ xứ cùng nhau lễ Phật mong những điều an lành cho năm mới. Người ta dâng hương hoa, oản phẩm, bánh kẹo, hoa trái... Khung cảnh chùa lúc nào cũng nghi ngút khói hương.
Hình ảnh ông đồ già cho chữ đầu xuân tại làng cổ Đường Lâm.
Cách đó không xa, đền thờ bà Chúa Mía cũng tấp nập không kém từ lối cổng vào. Điểm đặc biệt hơn cả là ngoài việc đi lễ đầu năm, tại ngôi đền thờ này hầu hết du khách đều đến để xin gieo quẻ đầu năm. Khách thập phương thuộc đủ mọi giai tầng, già trẻ cùng thành kính lễ Phật và cầu mong năm mới xin được quẻ an lành cho bản thân và cả gia đình.
Đến Đường Lâm những ngày đầu năm nếu không ghé đình Mông Phụ - di tích cấp quốc gia nổi tiếng sẽ là một thiếu sót. Ngôi đình có tuổi đời hàng trăm năm thờ Tản Viên Sơn Thánh này đang trong giai đoạn chuẩn bị cuối cùng cho chính hội đầu xuân được tổ chức vào ngày 10-1 âm lịch hàng năm. Theo người dân địa phương, hội đình thường được bắt đầu sớm từ mùng 4 với các hoạt động vui chơi giải trí: chọi gà, đập niêu, các nghi thức tế lễ, rước nước... Chính hội vào ngày mùng 10 Tết thu hút hàng ngàn du khách trong làng, khách thập phương về dự.
Trong khi đó, tại Đền thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng và lăng vua Ngô Quyền khói hương cũng nghi ngút suốt những ngày tết khi khách đến viếng thăm không ngớt. Đền Phùng Hưng có chính hội vào ngày 8-1 âm lịch, nên công tác chuẩn bị trở nên tất bật hơn. Theo cụ Lường, người coi sóc việc nhang đèn tại đền, theo thông lệ từ trước tết mọi công đoạn chuẩn bị cho ngày giỗ Bố Cái Đại Vương đã được chu toàn. Đền mở cửa qua cả giao thừa, đón du khách từ khắp nơi về thăm viếng. Ngày mùng 2 Tết, cụ Lường càng tất bật hơn bên ấm trà xanh không ngớt ra vào đón khách, lên hương. Liền kề ngay đó, lăng vua Ngô Quyền cũng được chăm chút cẩn thận. Sau khi được đầu tư, quần thể lăng mộ này ngày càng khang trang, các lối vào đều được lát gạch, đá ong với không gian xanh mát. Trong đền thờ và ngoài mộ phần khách đến thăm không ngớt.
Tuy nhiên, ghé làng cổ Đường Lâm, nhiều du khách vẫn không khỏi chạnh lòng bởi còn những điều khiến các di tích mất đi sự tôn nghiêm, linh thiêng. Tại nhiều điểm như: chùa Mía, đền thờ bà chúa Mía... các hàng quán bán đồ lễ, đặc sản địa phương xâm chiếm sân vào không gian di tích. Như ở chùa Mía, từ cổng vào hàng chục hàng quán bày bán ngang nhiên. Bên cạnh đó còn có những gian hàng vẽ tranh, bán đồ lưu niệm... còn lấn hẳn vào sân chùa khiến không gian bớt đi phần trang nghiêm. Nếu những điều này được giải quyết, sẽ khiến khách thập phương càng thêm hoan hỷ khi đến với vùng đất hai vua.
VĂN TUẤN