Nợ xấu “ăn” lợi nhuận

Các ngân hàng (NH) đã lần lượt công bố báo cáo tài chính quý 3 năm 2014 trong tháng 11 vừa qua. Từ các báo cáo cho thấy, mặc dù vẫn có NH đạt lợi nhuận cao, nhưng nhiều NH đã bị giảm, thậm chí lỗ hàng trăm tỷ đồng, dẫn đến việc hoãn trả cổ tức cho cổ đông, thậm chí xin khất trích lập dự phòng rủi ro với phần nợ xấu bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC)...
Nợ xấu “ăn” lợi nhuận

Hoạt động ngân hàng

Các ngân hàng (NH) đã lần lượt công bố báo cáo tài chính quý 3 năm 2014 trong tháng 11 vừa qua. Từ các báo cáo cho thấy, mặc dù vẫn có NH đạt lợi nhuận cao, nhưng nhiều NH đã bị giảm, thậm chí lỗ hàng trăm tỷ đồng, dẫn đến việc hoãn trả cổ tức cho cổ đông, thậm chí xin khất trích lập dự phòng rủi ro với phần nợ xấu bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC)...

9 tháng đầu năm 2014, lợi nhuận trước thuế của Nam A Bank đạt 170 tỷ đồng, tăng gấp hơn 3 lần cùng kỳ. Ảnh: HUY ANH

Ảm đạm

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng trong 9 tháng đầu năm 2014 đang có xu hướng tích cực khi các chỉ số quan trọng đều tăng ấn tượng, như tổng tài sản của toàn hệ thống NH tăng 6,12% so với cuối năm 2013, đạt hơn 6,16 triệu tỷ đồng, mức kỷ lục từ trước tới nay. Vốn tự có 9 tháng đầu năm của các NH đạt hơn 496,3 tỷ đồng, tăng 3,4% so với cuối năm 2013. Vốn điều lệ của toàn hệ thống đạt 435,54 ngàn tỷ đồng, tăng 3,27%. Tỷ lệ an toàn vốn của các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 9 là 13,43%, cao hơn nhiều so với quy định của NHNN.

Trong khi đó, báo cáo của các NH trong 9 tháng đầu năm, chỉ tiêu lợi nhuận lại rất ảm đạm. Cụ thể, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh quý 3 và 9 tháng năm 2014 của NH Eximbank, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 945 tỷ đồng, giảm 18,2% so với cùng kỳ. Tổng tài sản của Eximbank tính đến cuối tháng 9-2014 chỉ còn 141.132 tỷ đồng, giảm 28.703 tỷ đồng (16,9%) so với cuối năm 2013. Nợ xấu Eximbank tăng hơn 62% so với cuối năm 2013 nên trích lập dự phòng rủi ro của NH này cũng tăng. Bên cạnh đó, tín dụng của NH này trong 9 tháng âm gần 4% cũng là nguyên nhân khiến lợi nhuận Eximbank giảm. Tại NH Á Châu (ACB), lợi nhuận sau thuế quý 3-2014 giảm đến 34%, lũy kế 9 tháng đầu năm giảm 25%. Theo giải trình của ACB, mặc dù lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 1.735 tỷ đồng, nhưng do phải trích dự phòng rủi ro tín dụng tới 664 tỷ đồng nên lợi nhuận giảm chỉ còn 837,5 tỷ đồng.

Trong quý 3-2014, một số NH thương mại thông báo lỗ như NH Đông Á lỗ trước thuế hơn 66 tỷ đồng và lỗ sau thuế 76 tỷ đồng do thu nhập lãi thuần giảm tới 64%, trong khi chi phí hoạt động lại tăng 34% so với cùng kỳ. Cùng với đó, tín dụng NH Đông Á đến cuối tháng 9-2014 vẫn tăng trưởng âm 0,54% nên tính chung 9 tháng, chỉ đạt 220 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 57% so cùng kỳ. Tương tự, tại LienVietPostBank trong quý 3-2014, trừ khoản thu nhập lãi thuần giảm 7% so với cùng kỳ năm 2013, đạt 437 tỷ đồng thì hầu hết các hoạt động còn lại của ngân hàng này đều lỗ (dịch vụ lỗ 78 tỷ đồng, chứng khoán lỗ 36,9 tỷ đồng...). Lũy kế 9 tháng, lãi trước thuế 132 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ.

Nhóm NH TMCP nhà nước như Vietinbank trong quý 3-2014 cũng có thu nhập lãi thuần 4.509 tỷ đồng, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước; lãi từ dịch vụ giảm tới 41,3%. Nợ xấu của Vietinbank 9 tháng đầu năm tăng tới 85%, ở mức 6.978 tỷ đồng, trích lập dự phòng rủi ro mặc dù có giảm nhưng không đáng kể, cộng với chi phí hoạt động tăng cao nên lợi nhuận của NH này giảm khá mạnh. Sau 9 tháng hoạt động, Vietinbank đạt lợi nhuận trước thuế 5.480 tỷ và sau thuế 4.276 tỷ đồng, giảm lần lượt 22,2% và 19,4% so với cùng kỳ 2013.

Nợ mất vốn tăng mạnh

 

* Bức tranh lợi nhuận ngân hàng trong năm 2014 cũng có những gam sáng từ các ngân hàng đẩy mạnh cho vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng… Những ngân hàng này không chỉ lợi nhuận tăng mà còn kiểm soát được nợ xấu dưới 3%. Cụ thể, 9 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của NH Sacombank đạt 12,6% với dư nợ cho vay đạt 124.475 tỷ đồng; nợ xấu dưới 1%. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng tăng 13,3%, đạt 1.879 tỷ đồng. Sau 9 tháng, Techcombank cũng đạt 98,5% mục tiêu lợi nhuận cả năm 2014, với 1.163 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế; nợ xấu cũng đã giảm dưới 3%...

 

Rõ ràng, qua các báo cáo cho thấy, nợ xấu vẫn còn là nỗi ám ảnh đè nặng lên các NH. Đáng lưu ý nợ xấu của các NH không chỉ tăng về tỷ lệ mà chất lượng nợ xấu cũng tăng mạnh, đặc biệt là nhóm có khả năng mất vốn (nhóm 5). Điển hình như ACB, tính đến cuối tháng 9, nợ xấu của ACB tăng lên mức 3.478 tỷ đồng, chiếm 3,07% tổng dư nợ, trong đó nợ có khả năng mất vốn chiếm đến 70%. Nợ xấu của Vietinbank cuối quý 3-2014 chiếm 1,75% trên tổng dư nợ, so với đầu năm là 1%. Trong đó, nợ nhóm 4 tăng 2,5 lần và nợ nhóm 5 tăng 1,5 lần. Ngay cả những ngân hàng có lời vẫn có tỷ lệ nợ xấu nhóm 5 tăng. Cụ thể, NH Quân đội (MBB) có tỷ lệ nợ xấu cuối quý 3-2014 chiếm 3,09% trên tổng dư nợ, tăng gần 32% (2.826 tỷ đồng) so với cuối năm 2013, trong đó nợ nhóm 5 tăng 36% (1.111 tỷ đồng). Tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank đến quý 3-2014 mặc dù giảm nhẹ so với mức 2,72% vào đầu năm nhưng trong đó, nợ có khả năng mất vốn chiếm hơn một nửa và tăng gần 70% (4.726 tỷ đồng) so với cuối 2013. Ngân hàng VIB có nợ xấu giảm 19% (810 tỷ đồng) nhưng nợ nhóm 5 lại tăng tới 96% (561 tỷ đồng)…

Nợ xấu và việc trích lập dự phòng rủi ro tăng không chỉ “ăn” lợi nhuận ngân hàng mà đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc các ngân hàng hoãn, điều chỉnh tỷ lệ trả cổ tức cho cổ đông. Hiện Eximbank vẫn chưa tạm ứng cổ tức đợt nào cho cổ đông trong khi NH này đặt kế hoạch trả cổ tức 8,5% trong năm 2014. Với kế hoạch tiếp tục bán thêm 1.000 - 1.500 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC trong những tháng cuối năm 2014, Eximbank cũng kiến nghị được giảm trích lập dự phòng từ 20% hiện nay xuống còn 10% đối với khoảng nợ xấu bán cho VAMC nhằm đạt kỳ vọng mục tiêu lợi nhuận trước thuế 1.800 tỷ đồng. Tương tự, do trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu trong quý 3-2014 là 139 tỷ đồng (gần gấp đôi so với lợi nhuận 73 tỷ đồng), lũy kế 9 tháng đầu năm phải trích 339 tỷ đồng, NH Đông Á không chỉ chịu lỗ trong 9 tháng qua 76 tỷ đồng mà đây cũng nguyên nhân dẫn đến việc hoãn trả cổ tức đợt 1-2014 cho cổ đông của NH này.

Với góc nhìn của một chuyên gia, TS Cao Sỹ Kiêm cho rằng, việc ngân hàng giảm lợi nhuận là phản ảnh đúng thực tế. Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, nợ xấu tăng, sức hấp thụ vốn thị trường thấp, nếu các ngân hàng công bố con số lãi lớn thì có khi cũng chỉ là làm đẹp con số, tạo niềm tin cho cổ đông. “Tôi cho rằng, bức tranh lợi nhuận ngân hàng cũng sẽ được phản ánh trung thực hơn khi việc phân loại nợ chính xác hơn trong năm 2015” - TS Kiêm nhận định.

HẠNH NHUNG

Tin cùng chuyên mục