Nợ xấu vẫn ám ảnh ngân hàng

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8-2016 cho biết, nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng tính đến tháng 5-2016 là 2,78%, dưới mức 3% theo mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, dù con số nợ xấu chung toàn ngành có giảm nhưng tại một số ngân hàng thì nợ xấu vẫn tăng.
Nợ xấu vẫn ám ảnh ngân hàng

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8-2016 cho biết, nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng tính đến tháng 5-2016 là 2,78%, dưới mức 3% theo mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, dù con số nợ xấu chung toàn ngành có giảm nhưng tại một số ngân hàng thì nợ xấu vẫn tăng.

Xu hướng tăng

Theo báo cáo tài chính cuối quý 2-2016 mà các ngân hàng vừa công bố, tỷ lệ nợ xấu của không ít ngân hàng, trong đó có cả ngân hàng lớn, tăng so với cuối năm 2015. Thống kê tỷ lệ nợ xấu tại 9 ngân hàng thương mại đang niêm yết trên thị trường vào cuối tháng 6-2016, cả 9 ngân hàng này đã ôm hơn 43.000 tỷ đồng nợ xấu, tăng 28% so với mức 33.868 tỷ đồng thời điểm cuối năm 2015.

6 tháng đầu năm 2016, Ngân hàng BIDV tăng thêm 3.000 tỷ đồng nợ xấu. Ảnh: HUY ANH

Cụ thể, tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,6% cuối 2015 lên 2% vào cuối tháng 6-2016, tương ứng tăng thêm hơn 3.000 tỷ đồng. Trong đó, cả 3 nhóm nợ đều tăng. Nợ có khả năng mất vốn tăng hơn 1.100 tỷ đồng - lên 6.343 tỷ đồng, nợ nghi ngờ tăng vọt từ 887 tỷ đồng lên 2.326 tỷ đồng, nợ dưới chuẩn từ 3.975 tỷ đồng lên 4.515 tỷ đồng.

Tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), tỷ lệ nợ xấu cũng tăng mạnh từ mức 1,86% vào cuối năm 2015 lên 5,3% vào cuối quý 2-2016 với 4.285 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 5,3% trên tổng dư nợ. Đáng lưu ý, nợ dưới chuẩn của ngân hàng này chiếm hơn một nửa tổng nợ xấu, ở mức 2.415 tỷ đồng, tăng 13 lần so với đầu năm. Nợ nghi ngờ tăng 34,8% - lên 797 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn cũng tăng tương đương, lên 1.073 tỷ đồng.

Lãnh đạo Ngân hàng Eximbank cho biết, do ngân hàng đang trong quá trình xử lý các tồn đọng và đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc bộ máy cũng như hoạt động kinh doanh nên khó tránh được nợ xấu tăng. Tại Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), tỷ lệ nợ xấu cũng tăng từ 1,85% cuối năm 2015 lên 2,83% trong 6 tháng đầu năm…

Ở một số ngân hàng thương mại khác, nợ xấu tính theo giá trị tuyệt đối tăng lên trong nửa đầu năm, nhưng do tín dụng tăng trưởng mạnh nên tỷ lệ nợ xấu không có nhiều thay đổi, thậm chí giảm nhẹ. Theo báo cáo của NHNN, chỉ trong một tuần, con số tăng trưởng tín dụng đã có thay đổi rất lớn, từ 6,82% (ngày 24-6) tăng mạnh lên 8,16% (vào cuối tháng 6-2016) so với cuối 2015. Về việc này, nhiều chuyên gia đặt câu hỏi liệu con số tăng đột biến trên có phải nhằm mục đích giảm tỷ lệ nợ xấu hay không vì mẫu số tín dụng lớn lên sẽ giúp co hẹp tỷ lệ nợ xấu.

Thực chất hơn?

Lý giải nguyên nhân khiến nợ xấu tại một số ngân hàng tăng trong 6 tháng đầu năm, nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, sau khi Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã mua nợ xấu của ngân hàng với số lượng lớn, kéo giảm tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3% vào cuối năm ngoái, hiện công ty này đã giảm mua để tập trung xử lý vì mua vào nhiều nhưng chưa xử lý được bao nhiêu.

Thực tế số liệu từ VAMC cũng cho thấy, tính đến cuối tháng 6-2016, lũy kế giá trị nợ xấu mà VAMC đã mua là 241.000 tỷ đồng, tăng không đáng kể so với quy mô đã mua tính đến cuối năm 2015. VAMC cũng mới xử lý được 32.400 tỷ đồng trong tổng số 241.000 tỷ đồng nợ xấu đã mua (đạt 13,4%).

Khách hàng giao dịch tại chi nhánh của một ngân hàng ở TPHCM (Ảnh: Cao Thăng)

Theo các chuyên gia, nợ xấu gia tăng tại các ngân hàng như trên là sự ghi nhận thực chất hơn, thay vì chuyển từ túi này sang túi khác. Việc bán nợ cho VAMC cũng chỉ giúp làm đẹp bảng cân đối kế toán của các ngân hàng. Mặc dù nợ xấu được đưa ra ngoại bảng, thay thế bằng trái phiếu đặc biệt thì các ngân hàng vẫn phải trích lập chi phí dự phòng rủi ro hàng năm. Ngân hàng nào bán nợ càng nhiều thì chi phí trích lập sẽ càng lớn và phần chi phí trích lập này tiếp tục ăn mòn lợi nhuận của các ngân hàng. Thực tế cho thấy, do nợ xấu trong 6 tháng đầu năm 2016 tăng, Ngân hàng Eximbank phải trích lập dự phòng ở mức cao nên lợi nhuận trước thuế quý 2-2016 chỉ đạt 49 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đạt 79 tỷ đồng, giảm 88% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các ngân hàng cũng nhìn nhận, việc xử lý, thu hồi nợ xấu vẫn là thách thức lớn trong thời gian tới. Nợ xấu vẫn là nỗi ám ảnh với hàng loạt ngân hàng. NHNN đã phải ban hành Thông tư 08/2016 cho phép các ngân hàng được gia hạn kỳ hạn trái phiếu đặc biệt từ 5 năm lên 10 năm, nhằm giãn thời gian trích lập dự phòng, tránh trường hợp một tổ chức tín dụng có thể bị lỗ vì phải trích lập dự phòng cho trái phiếu đặc biệt quá lớn.

Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc xử lý nợ xấu thời gian qua đã diễn biến theo hướng tích cực, nợ xấu ngành ngân hàng cũng đã giảm sau quá trình đẩy mạnh bán nợ cho VAMC và các ngân hàng cũng tăng trích lập dự phòng để xử lý nợ. “Tuy nhiên, bài toán xử lý nợ xấu đối với ngân hàng hiện vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó có vấn đề xử lý tài sản đảm bảo của các ngân hàng. Với thị trường tài sản còn nhiều hạn chế và thiếu người mua, cơ chế thi hành án và bán đấu giá tài sản còn nhiều điểm nghẽn, thì việc xử lý tài sản bảo đảm hay xử lý nợ của các ngân hàng sẽ còn phải mất nhiều thời gian”, ông Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM Nguyễn Hoàng Minh cho biết, trước tình hình nợ xấu ở một số ngân hàng trên địa bàn TPHCM tăng mạnh 6 tháng đầu năm, tăng trên 3% so với mục tiêu đặt ra, thậm chí có nơi tăng trên 5%, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng báo cáo cụ thể và đề xuất phương án giải quyết lên NHNN.

HẠNH NHUNG

Tin cùng chuyên mục