Nỗi buồn... ba ba

Nỗi buồn... ba ba

Những địa phương đi đầu TPHCM về phong trào nuôi ba ba như quận 12, Hóc Môn, Củ Chi, quận 9… thời gian gần đây, đâu đâu cũng nghe người dân bàn về con ba ba. Không còn là chuyện vui về những triệu phú ba ba mà là những chuyện buồn xung quanh con ba ba. Nào là ba ba bị dịch bệnh, bị trộm lấy mất, chuyện mất vốn dẫn đến phá sản vì ba ba.

Nỗi buồn... ba ba ảnh 1

Trao đổi kỹ thuật nuôi ba ba.

Nhiều hộ chuyên nuôi ba ba ở Thạnh Lộc, Thạnh Xuân (quận 12), Đông Thạnh, Nhị Bình (Hóc Môn)… đang “méo mặt” vì ba ba. Người nhanh nhạy thì chuyển sang nuôi cá. Ai chậm tay thì phải “dở khóc, dở cười” với ba ba, vì con giống chết, đầu ra khó khăn, giá thấp…

Sau những đợt triều cao, nhiều hộ nuôi ba ba ở quận 12 đã bị ba ba bò đi mất, mất cả trăm triệu đồng. Ở Đông Thạnh (Hóc Môn) có vài hộ nuôi ba ba bị bọn trộm lẻn vào hốt trọn cả ngàn con ba ba, xem như mất trắng hàng trăm triệu đồng.

Bi kịch nhất là nhiều trường hợp đầu tư vốn từ 50-100 triệu đồng để nuôi ba ba, nhưng do không nắm kỹ thuật nên ba ba dịch bệnh chết gần hết. Nợ nần chồng chất, gia đình xào xáo.

Những người còn trụ lại với nghề nuôi ba ba xem ra ngán ngẩm, vì bị ép giá. Nhu cầu thịt ba ba khá lớn, nhưng người nuôi không thể tự giao dịch được vì không rành, nên phải thông qua trung gian và bị ép giá.

Một nghịch lý là ba ba giống, dù đã được nhập khẩu giống từ các nước và lai tạo, tự phát triển giống trong nước, nhưng vẫn là “động vật quý hiếm” nên khi vận chuyển, bắt buộc có giấy phép. Bà con chẳng có thời gian và cũng không biết xin giấy phép ở đâu nên “chào thua”, bán rẻ cho tư thương... Tại quận 12, Hóc Môn, Củ Chi, có gần 200 hộ bỏ cuộc, chuyển nghề.

Chuyện nuôi trồng theo phong trào mà Báo SGGP từng lên tiếng, từ con bồ câu, bò sữa, con tôm sú và nay là con ba ba..., chỉ cần thấy một vài hộ nuôi có hiệu quả là các hộ khác đua nhau vào cuộc. Nhưng nhiều bà con không vốn, không kỹ thuật và cũng chẳng có ai định hướng... nên trước sau gì cũng thua nhiều hơn được.

Đây là bài học chung cho những ai có ý định bước vào một nghề mới mà không biết lượng sức mình về tay nghề, kỹ thuật, con giống, vốn, đầu ra… Tuy nhiên, cũng cần đặt vấn đề trách nhiệm của các ngành chức năng. Không thể để bà con tự “bơi”, được thì mình lấy thành tích, thua thì bà con... ráng chịu. 

THẢO BÌNH

Tin cùng chuyên mục