Nỗi buồn “chặt chém”

Nỗi buồn “chặt chém”

Một ngày cuối tuần tôi cùng vài người bạn đang ngồi uống nước tại một quán cóc ven đường Thanh Niên bên bờ Hồ Tây (Hà Nội), thì có ba khách du lịch nước ngoài, sau khi thăm chùa Trấn Quốc, đền Quán Thánh... tìm đến quán để nghỉ chân.

Cả ba người khách chỉ tay vào chùm trái dừa và ngỏ ý muốn uống nước dừa. Bà chủ hiểu ý rất nhanh và vội vàng dùng dao chặt 3 quả dừa đưa cho khách. Sau khoảng 20 phút nghỉ ngơi vừa uống nước dừa vừa ngắm cảnh khách đứng dậy thanh toán tiền. Bà chủ quán không ngần ngại “phát giá” 70.000 đồng/quả dừa. Những vị khách nước ngoài trước khi rút tiền trả tỏ thái độ bất bình với ý thắc mắc là đắt quá, nhưng bà chủ vẫn nhất quyết lấy đủ 210.000 đồng cho 3 trái dừa không bớt một xu. Khi những vị khách đi khỏi, vì có chút quen biết nên tôi có “góp ý” với bà chủ quán rằng việc lấy giá đó là quá đắt, thì ngay lập tức bà chủ quán “phản pháo”:

- Đắt gì mà đắt, ở chỗ khác chúng nó còn chém tới cả trăm ngàn/quả dừa ấy chứ! Mà người nước ngoài lắm tiền nhiều của nên mới có thể đi du lịch được vì vậy cứ phải “chém”, mà cả đời có khi cũng có gặp lại họ đâu mà sợ mất khách...

Nghe bà chủ quán giải thích vậy tôi chẳng nói thêm được câu nào, bởi dẫu có tranh luận cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì khi bà ta không hiểu và cũng nhất quyết không muốn hiểu về tác động và hậu quả xấu của vấn đề chặt chém đối với ngành du lịch.

Nghĩ mà buồn khi từ lâu vấn nạn chặt chém khách du lịch, nhất là đối với khách du lịch nước ngoài đã trở thành “căn bệnh” ở nước ta và chính yếu tố này đã ít nhiều cản trở số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, bởi theo như nhận định của một số tờ báo chuyên về du lịch của nước ngoài thẳng thắn nhận xét thì đại đa phần khách đến Việt Nam đều không muốn quay trở lại bởi rất nhiều sự phiền toái, khó chịu mà một trong những vấn nạn đó là tình trạng... chặt chém!

Thiết nghĩ, để ngành du lịch phát triển, thu hút ngày càng nhiều du khách thì nhà nước, các cơ quan chức năng cũng như mỗi người dân cần phải xóa bỏ những vấn nạn, rào cản như: đeo bám, chặt chém, cướp giật..., bởi một khi khách du lịch đến và thấy ấn tượng thì cơ hội để họ trở lại những lần tiếp theo là có thật, còn nếu cứ giữ cách làm du lịch theo kiểu “ăn xổi”, không có hoạch định, “tầm nhìn xa” như bấy lâu hẳn sẽ là điều đáng buồn...

LÊ HƯƠNG GIANG

Tin cùng chuyên mục