Hai tân vương Thể Công và V.Thái Bình ngập tràn hạnh phúc, trong khi 2/3 đội bóng của một trung tâm hàng đầu của làng bóng chuyền là TPHCM đã nói lời chia tay hạng đội mạnh, mà buồn nhất chính là đội CA.TPHCM, cái tên từng lừng lẫy ở thập niên 90 của thế kỷ trước…
- Cái chết được báo trước

Các cầu thủ của đội bóng chuyền Công an TPHCM rời sân chơi đội mạnh để xuống một cấp bậc thấp hơn. Một nỗi đau của bóng chuyền TPHCM!
“Vua trụ hạng” CA.TPHCM năm nay đã thật sự đuối và bất lực sau nhiều năm vẫy vùng ở hạng đấu cao nhất của bóng chuyền Việt Nam, trong đó 4 lần liên tiếp phải đi tranh chung kết ngược. Các tay đập ngành công an không thể tự cứu mình khỏi vòng xoáy của cuộc chiến đi-ở vốn rất khắc nghiệt. Lẽ ra, họ có cửa trụ hạng nếu thắng được 2 trong số 5 trận ở vòng 2, nhưng lần này họ vào trận với tinh thần rệu rã và buông xuôi.
Tính tổng cộng, CATPHCM thua tới 10 trận và chỉ thắng được 3 trận toàn giải. BHL rời rạc, mọi chỉ đạo của đội hầu như tập trung từ… chuyền 2 Lê Hồng Huy, người phải lăn xả trong sân cùng các đàn em. Đánh trong sân, nên rõ ràng cách nhìn trận đấu của Hồng Huy (HLV phó đồng thời là đội trưởng của đội) bị bó hẹp, dễ đi vào bế tắc khi thế trận bị rối. Đội hình được bổ sung một vài gương mặt trẻ, nhưng sự non nớt kinh nghiệm, cộng với tinh thần bạc nhược của các cựu binh kéo con tàu CATPHCM chìm xuống nhanh chóng. Người cầm lái cùng Lê Hồng Huy, HLV trưởng Lê Văn Oanh, cũng chẳng để lại ấn tượng gì nhiều. Có vẻ như chẳng ai còn quan tâm tới sự sống chết của đội bóng CA.TPHCM nữa, khi ở những ngày đấu VCK ngược, hiếm khi thấy lãnh đạo ngành tới động viên, xốc dậy tinh thần cho đội. Ngẫm mà buồn!
Thất bại của các cô gái Tân Bình là điều dễ hiểu nhất. Đội hình trẻ (trung bình 19,5 tuổi) và non kinh nghiệm, lại không có người dẫn dắt nên họ thua trắng 12 trận của giải (10 trận ở vòng bảng và 2 trận ở VCK ngược). Đầu giai đoạn hai, tưởng đâu họ được bổ sung ngoại binh Trung Quốc hay Kazakhstan thì may ra có cửa trụ hạng, bởi chỉ còn lại một suất duy nhất dành cho 11 đội nữ khi Than Hà Tu bỏ cuộc, đội hình Quảng Ninh quá già, trong khi Bưu điện Hà Nội khủng hoảng trầm trọng. Giới chuyên môn không bất ngờ về thất bại của Tân Bình, mà chỉ tiếc cho sự quan tâm, đầu tư thiếu nhiệt tình của ngành thể thao TPHCM dành cho đội bóng này.
Ở vào thế dựa chân tường, chỉ có Trường nghiệp vụ TDTT TPHCM thoát hiểm, trong lúc cả CATPHCM lẫn nữ Tân Bình cùng rớt hạng. May cho thầy trò HLV Lê Hồng Hảo, bởi những lộn xộn trước vòng 2 với nhà tài trợ Dệt Thành Công gây ra ảnh hưởng không lớn lắm, chưa đủ quật ngã đội bóng duy nhất của TPHCM. Cái khó thực sự của họ chính là thiếu hụt nhân sự. Sự vắng mặt của chuyền hai Trần Phong (bị rạn xương bàn tay) ở vòng 2 suýt chút nữa hại đội bóng của Lê Hồng Hảo khi người thay thế Hà Vũ Sơn bắt nhịp chậm.
Lối đánh ở hai trận đầu tiên thiếu biến hóa, các chủ lực Hoài Phương, Văn Khôi, Duy Quang không thể tấn công hiệu quả ở những thời điểm quan trọng của ván đấu. Phó chủ tịch LĐBC TPHCM Nguyễn Bá Nghị thừa nhận: “Chúng tôi thua do bản thân là chính. Ở những thời điểm quan trọng đang chiếm ưu thế, lẽ ra các chủ lực Phương, Khôi hay Banja phải mạnh dạn dứt điểm thì đằng này, họ nhát tay và có vẻ bị ức chế về tâm lý, nên thường bỏ lỡ cơ hội rất đáng tiếc”.
Cho dù đánh phập phù, nhưng rốt cuộc, Trường nghiệp vụ TDTT đã kịp “leo lên bờ” an toàn vào phút chót, trong khi hai đội bóng đồng hương đã rơi xuống hạng Nhất. Một nỗi buồn lớn cho làng bóng chuyền TPHCM. Bao giờ trở về mái nhà xưa? Câu hỏi nghe sao chua xót cho một trung tâm từng một thời lẫy lừng danh tiếng.
- Những cuộc chiến căng thẳng
Thể Công không có đối thủ. Bằng chứng là các tay đập khoác áo lính thắng giòn giã trọn vẹn 12 trận tại giải năm nay. Chưa một lần, Thể Công để cho bất kỳ dội bóng nào lấy được của họ quá một ván thắng. Tỷ số thắng luôn kết thúc ở 3-0 hoặc 3-1, bất chấp đó có là những tên tuổi đang lên như Hoàng Long Long An, Bến Tre hay cựu vương Tràng An Ninh Bình. HLV Phùng Công Hưng đang sở hữu dàn cầu thủ xuất sắc, có thể độc chiếm ngôi cao thêm nhiều mùa nữa. Chuyền hai Mạnh Dũng cùng các chủ công Thái Văn Anh, Văn Thành (đều là tuyển thủ QG) là những nhân tố quan trọng tạo nên một tập thể khó bị đánh bại.
Tiếc cho tân binh Hoàng Long Long An, khi họ không thể làm cuộc lật đổ trước Thể Công. Nhưng dẫu sao, các học trò trẻ trung của HLV Nguyễn Văn Hải cũng đã khiến các đàn anh e dè ở những mùa về sau. Tân binh Bến Tre thăng tiến đáng kinh ngạc khi họ xếp hạng nhì ở cả hai vòng (8 trận thắng, 2 bại), trong khi đội từng giữ cúp vô địch Tràng An Ninh Bình lại có dấu hiệu chùng xuống.
Ở giải nữ, lẽ ra các cô gái VTV BĐLA đã có thể đăng quang, nếu họ giữ được chính mình ở những thời khắc quan trọng nhất. Vòng 2, học trò của HLV Lương Khương Thượng hạ V.Thái Bình 3-1 dễ dàng. Nhưng, khi gặp lại đối thủ ở chung kết, VTV BĐLA bất ngờ chơi “rối như canh hẹ”, đánh mất bản sắc nên thất bại là điều dễ hiểu. Đây là giải đấu khẳng định chuyên môn giỏi của HLV trẻ Thái Thanh Tùng ở V.Thái Bình. Sau thành công cùng ĐTQG ở VTV Cup, bây giờ đến ngôi VĐQG, sẽ chẳng còn nhiều người thắc mắc vì sao Thanh Tùng lại được chọn vào vai HLV trưởng ĐTQG.
THANH LÂM