Thông thường tại các phiên tòa, những lời khai chân thành của bị cáo đều ít nhiều gây thiện cảm cho hội đồng xét xử và người tham dự. Nhưng tại phiên xét xử sơ thẩm lưu động vụ án gây rối trật tự công cộng diễn ra cuối tháng 2 vừa qua tại Nhà văn hóa khu phố 4, phường 25, quận Bình Thạnh - ngay trên tuyến đường D2, “đường băng” mà bọn quái xế đã tổ chức phóng nhanh, lạng lách, biểu diễn - lại hoàn toàn khác. Mọi người sau khi nghe lời khai của các bị cáo, đã không thể nén được sự phẫn nộ. Điều đáng buồn hơn, 3/4 bị cáo lại là sinh viên, học sinh, đối tượng lẽ ra phải có ý thức tôn trọng pháp luật bậc nhất.
Qua lời khai, có thể khẳng định các bị cáo Nguyễn Thành Duy, Đoàn Tấn Minh, Nguyễn Kim Hoàng, Khổng Minh Nhật đều ý thức rất rõ hành vi vi phạm của mình là nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng bản thân và người tham gia giao thông. Trong lời khai trước tòa, các bị cáo đều cho rằng mình tham gia đua xe trái phép do xốc nổi, bốc đồng, muốn tự khẳng định mình, muốn thể hiện cái tôi, tìm cảm giác mạnh.
Mấy ai biết được, để khẳng định mình, có bị cáo đã tìm mua xe gắn máy, rồi nhờ tiệm sửa xe đôn dên, xoáy nòng, gắn pô nổ to… để phương tiện phóng nhanh hơn, tiếng nổ to hơn nhằm gây chú ý cho mọi người. Các bị cáo đều biết, với tiếng pô nổ to sẽ ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại khu phố. Khi người thân trong gia đình biết và ngăn cản, họ đã đem xe gửi tại bãi xe của một bệnh viện (nơi hoạt động 24/24 giờ) để tiện cho việc lấy xe “biểu diễn” hàng đêm.
Qua lời khai, các bị cáo đang ngồi trên ghế nhà trường đều ý thức rất rõ, thay vì thể hiện cái tôi bằng hành vi phóng nhanh, lạng lách, biểu diễn ngoài đường phố, lẽ ra họ phải học thật giỏi, lao động thật hăng say, tích cực tham gia công tác xã hội… Thay vì tạo ra kết quả tích cực cho bản thân, gia đình, nhà trường và xã hội, họ đã làm ngược lại.
Với nhiều người, bản án từ 6 tháng đến 9 tháng tù giam đối với các bị cáo chưa đủ sức răn đe. Nhưng vấn đề đáng lưu tâm hơn là làm thế nào để giải quyết được tận gốc rễ nạn đua xe trái phép.
Để góp phần ngăn chặn nạn đua xe, bên cạnh các biện pháp nghiệp vụ của cơ quan chức năng, trách nhiệm quản lý địa bàn của chính quyền địa phương, nhiều người cho rằng, cần có biện pháp kiểm soát, chế tài đối với các hoạt động kinh doanh thiết bị “đặc chủng” chuyên phục vụ cho xe đua. Bởi việc thay đổi đặc trưng xe, đôn dên, xoáy nòng, gắn pô giảm tốc, nổ to… chủ yếu chỉ phục vụ 2 đối tượng nguy hại trong xã hội, đó là cướp giật hoặc quái xế!
HOÀNG PHƯƠNG