“Chúng tôi là cha mẹ mà không biết các con qua đời khi nào, do vết thương gì. Trên giấy chứng tử của con trai tôi chỉ cho biết nó chết ngày 13 hoặc 14-11-2015” - đó là lời oán thán của bà Nadine Ribert - Reinhart, mẹ của một trong số 130 người chết trong loạt tấn công khủng bố tại Paris hồi tháng 11-2015.
Quả thật, nỗi đau người ở lại càng tăng thêm gấp bội khi không biết rõ thông tin về hoàn cảnh qua đời của người thân. Nỗi đau của người mẹ càng bị khoét sâu thêm khi bà cùng với nhiều thân nhân của các nạn nhân khác chỉ được đứng bên ngoài hiện trường dựng lại vụ tấn công ở nhà hát Bataclan, nơi người con trai 26 tuổi của bà bị giết.
Lực lượng an ninh cùng với các nhà điều tra của Quốc hội Pháp vào ngày 17-3 đã tới Bataclan. Tất nhiên, những người như bà Ribert - Reinhart vô cùng bức xúc. “Chúng tôi không hề hay biết gì về buổi dựng lại hiện trường này mà chỉ tình cờ biết được, trong đoàn này cũng không có luật sư hay nhà báo”.
Bataclan là một trong những địa điểm xảy ra vụ tấn công khủng bố đêm 13-11 và là nơi có số người chết nhiều nhất (90 người). Cuộc diễn tập được thực hiện 4 tháng sau thảm kịch nhằm mô phỏng lại những gì xảy ra đêm định mệnh ấy với mục đích làm sáng tỏ thêm một số vấn đề khi 3 tay súng tuyên bố trung thành với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nổ súng tại buổi hòa nhạc.
Câu hỏi được đặt ra là cảnh sát đã phải mất bao lâu để ập vào hiện trường và tại sao phải mất đến 3 giờ để chấm dứt thảm kịch ở Bataclan. Việc dựng lại hiện trường này, theo như truyền thông Pháp, cũng nhằm giúp nước Pháp tránh tái diễn các cuộc tấn công khủng bố, nhất là khi vòng chung kết bóng đá châu Âu (Euro 2016) đang đến gần.
Bà Nadine Ribert - Reinhart nhìn vào nhà hát Bataclan nơi con trai bà bị giết
Georges Fenech, Chủ tịch ủy ban điều tra Quốc hội Pháp cho biết các nhà lập pháp đã dành 1 phút im lặng bên trong nhà hát Bataclan trước khi bắt đầu công việc của mình cùng với các lực lượng đặc nhiệm. Nhận thấy rõ nỗi đau của gia đình các nạn nhân vụ khủng bố, các nhà lập pháp cam kết với người phụ nữ đầy nước mắt Nadine Ribert - Reinhart cũng như mọi thân nhân khác rằng họ sẽ làm sáng tỏ mọi vấn đề. Họ cũng khen ngợi các lực lượng an ninh về cách xử lý vụ việc tại Bataclan, trái với nhiều lời chỉ trích từ công luận.
Ở miền Nam nước Pháp, các quan chức cũng đã tiến hành dựng lại hiện trường vụ đánh bom trên sân vận động quốc gia Pháp Stade de France tại ngoại ô Paris. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve cho rằng Euro 2016 là một sự kiện thể thao quan trọng với 51 trận đấu thu hút 7 triệu người hâm mộ. Vì vậy, Pháp phải đảm bảo an toàn 100%. Ở các thành phố Pháp, nhân viên an ninh được đào tạo để sẵn sàng cho kịch bản một cuộc tấn công khủng bố ở những sân vận động. Các kịch bản bao gồm cả một vụ tấn công hóa học tại một trận đấu với hàng ngàn khán giả là nạn nhân.
Tuy nhiên, một số thân nhân nạn nhân xem việc dựng lại hiện trường là “không phù hợp và đáng hổ thẹn”. Luật sư Jean Reinhart đại diện cho 12 gia đình nạn nhân cho rằng: “Thật đáng xấu hổ, việc dựng lại hiện trường càng cho thấy sự lúng túng của các nhà điều tra”. Ông còn xem điều đó là thiếu tôn trọng đối với các nạn nhân.
KHÁNH MINH