Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, việc tiết giảm chi phí thông qua chương trình đào tạo và sử dụng phi công người Việt Nam (VN) đang được các hãng hàng không lựa chọn. Nội địa hóa phi công sẽ giúp ngành hàng không chủ động được nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và xây dựng thành công chiến lược phát triển tổng thể ngành hàng không cho đất nước.
Theo Hiệp hội hàng không thế giới (International Airlines Transportation Association-IATA), trung bình mỗi năm có khoảng 2 tỷ hành khách di chuyển trên các chuyến bay. Riêng ngành hàng không Việt Nam (HKVN) trong những năm qua cũng có tốc độ tăng trưởng bình quân 20%/năm.
Có thể nói, thị trường hàng không tăng trưởng mạnh là tín hiệu đáng mừng nhưng cũng là thách thức rất lớn đối với ngành HKVN, khi có nhiều lĩnh vực, ngành vẫn chưa theo kịp. Một trong những tồn tại và thách thức đó là thiếu nguồn nhân lực phi công.
Theo số liệu thống kê, mỗi năm, ngành HKVN phải bỏ ra khoảng 30-40 triệu USD để thuê phi công nước ngoài nhưng vẫn không đủ. Hiện nay, trong số hơnn 600 phi công đang bay cho Vietnam Airlines (VNA), có trên 200 phi công là người nước ngoài, Jetstar Pacific Airlines (JPA) hiện chỉ có 4 phi công VN, còn Air Mekong hiện nay đang sử dụng 100% phi công nước ngoài…
Chưa hết, theo chiến lược phát triển của ngành HKVN, từ nay đến năm 2020, nhu cầu về phi công cần khoảng 1.500-2.000 người. Những con số nêu trên cho thấy, cơn khát nhân lực phi công cho ngành hàng không rất lớn và điều đó đòi hỏi công tác đào tạo phi công cho ngành hàng không ngày càng trở nên bức thiết.
Nỗ lực từ VNA và Bay Việt
Để có đủ phi công cho hoạt động bay, lâu nay, hầu hết các hãng hàng không phải thuê phi công nước ngoài với giá thuê rất cao từ 40-70 ngàn USD/người/tháng (gần gấp đôi mức thu nhập của một phi công người VN). Riêng VNA, bên cạnh việc thuê phi công nước ngoài, hãng còn chủ động tuyển chọn, huấn luyện và gửi học viên phi công đi đào tạo tại nước ngoài.
Tuy nhiên, chi phí đào tạo thành công một phi công cơ bản rất lớn (khoảng từ 120-150 ngàn USD), gây khó khăn lớn về huy động nguồn vốn của VNA trong công tác đào tạo phi công hiện nay. Thực tế cho thấy, do yêu cầu cao (về sức khỏe, trí tuệ, trình độ, bản lĩnh…) nên tỷ lệ thành công trong công tác đào tạo phi công đạt thấp (chỉ ở mức 80%).
Và thời gian, huấn luyện thường kéo dài (đào tạo trên 3 năm mới trở thành phi công thương mại, trên 15 năm mới trở thành phi công thực thụ (lái chính các loại máy bay như A.330, B.777) nên lực lượng phi công hành nghề hiện nay còn ít, đó cũng là lý do các hãng hàng không thường xuyên bị thiếu hụt nguồn nhân lực.
Để khắc phục tình trạng này, từ tháng 6-2008, Cục HKVN đã cho phép thành lập Công ty cổ phần Đào tạo Bay Việt (các cổ đông bao gồm: VNA, Công ty Cho thuê máy bay VN, Công ty Bay trực thăng VN, Tập đoàn HIPT và Học viện Hàng không ESMA-Pháp). Sau một thời gian dài chuẩn bị, cuối năm 2010, Bay Việt đã đón nhận chứng chỉ cơ sở huấn luyện lý thuyết do Cục HKVN trao.
Sự kiện này cũng đã đánh dấu bước khởi động của đề án xây dựng Trung tâm Huấn luyện – Đào tạo phi công cơ bản cho ngành HKVN. Cùng thời gian này, VNA và Bay Việt cũng ký kết hợp đồng đào tạo 60 phi công cơ bản nhằm khẳng định quyết tâm xây dựng chiến lược phát triển tổng thể ngành hàng không cho đất nước.
Ông Nguyễn Nam Liên, Tổng Giám đốc Bay Việt khẳng định, Bay Việt đang tiến hành những bước đi vững chắc để tiến tới độc lập công tác đào tạo, huấn luyện phi công cơ bản tại VN với sự tham gia của Học viện Hàng không Pháp - ESMA - đơn vị đã có nhiều năm kinh nghiệm đào tạo phi công cơ bản cho VNA và các hãng hàng không trên thế giới.
Trong năm 2010 và 2011, Bay Việt sẽ huấn luyện thêm 4 khóa phi công cho các hãng hàng không tại VN và trong khu vực. Giai đoạn đầu, Bay Việt sẽ hợp tác cùng Học viện HKVN để huấn luyện thực hành bay cho học viên tại sân bay Cam Ranh, tiến đến hoàn thành chuyển giao công nghệ vào cuối năm 2012.
JPA hỗ trợ 90% chi phí đào tạo
Không chỉ VNA và Bay Việt, JPA cho biết, hãng hiện cũng đang tìm kiếm và tuyển dụng các ứng viên người VN từ 20 đến 35 tuổi để cử đi đào tạo phi công tại CTC Aviation Training Limited ở New Zealand, nhằm chuẩn bị cho kế hoạch phát triển đội bay sắp tới. Theo đó, sẽ có 20 ứng viên được tuyển dụng. Tổng kinh phí cho khóa đào tạo khoảng 150.000 USD/học viên, trong đó JPA hỗ trợ 90% chi phí.
Lãnh đạo JPA cho biết, kể từ khi chuyển đổi sang mô hình hàng không giá rẻ, JPA theo đuổi mục tiêu nội địa hóa nguồn nhân lực, bao gồm việc phát triển đội ngũ kỹ sư và đào tạo phi công người Việt. Tính đến thời điểm hiện nay, hãng đã có 5 phi công người Việt, và đến cuối năm 2011 sẽ tiếp tục bổ sung thêm 4 phi công.
Hiện nay JPA đang khai thác đội máy bay phản lực tầm trung gồm 7 chiếc và theo kế hoạch đến năm 2014, Jetstar Pacific sẽ phát triển đội máy bay lên 15 chiếc Airbus A320. Do vậy, việc đào tạo phi công là rất cần thiết.
Thu Tuyết