Nơi hội tụ những số phận người mẹ...

Nơi hội tụ những số phận người mẹ...

Cho đến năm 2003, thành phố  Hồ Chí Minh có 1.899 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Trong đó, có 631 bà mẹ còn sống, 1.192 bà mẹ đã từ trần, 76 bà mẹ đã hy sinh. Có thể nói thành phố Hồ Chí Minh là nơi hội tụ số phận những bà mẹ của cả nước.

Nơi hội tụ những số phận người mẹ... ảnh 1

“Nước mắt dành cho ngày gặp mặt” (thơ Nam Hà). Ảnh: LÂM HỒNG LONG

Ở xã Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, gia đình bà mẹ Phan Thị Mọ với mẹ chồng, nàng dâu, con gái đều được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Có bà mẹ vừa là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng vừa là Anh hùng Lực lượng vũ trang; có bà mẹ vừa là giao liên vừa bảo vệ cán bộ Trung ương Đảng và trở thành liệt sĩ... Cuộc chiến tranh tàn khốc đã đẩy biết bao bà mẹ vào tình huống nghiệt ngã, thật đau lòng.

Có những bà mẹ ngàn lần anh hùng nhưng không dám nhận mình anh hùng khi đứng trước sự lựa chọn nghiệt ngã, hoặc là sinh mệnh đứa con, hoặc là sự an toàn cho cả đoàn quân. Sự hy sinh của những bà mẹ ấy thật cao cả mà cũng vô cùng đau đớn.

Có biết bao trẻ thơ trở thành liệt sĩ dù tên tuổi những em bé ấy không bao giờ nằm trong sổ chế độ những thương binh liệt sĩ. Sau ngày chiến thắng, có những bà mẹ từ chiến khu trở về, đi giữa đường phố Sài Gòn rợp cờ hoa mà lòng quặn đau, nước mắt chảy ngược vào trong...

Những ngày hòa bình, những bà mẹ có con hy sinh cho ngày chiến thắng lại dành phần đời còn lại của mình thay con góp phần cùng những người đang sống xây dựng lại quê hương. Biết bao bà mẹ lại phải thắt lưng buộc bụng, chấp nhận cuộc sống nghèo khó, kiên định và tỉnh táo trước những ngày vô vàn gian khó, khủng hoảng.

Cao đẹp biết bao Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Gôm ở Củ Chi - một bà mẹ dám lấy thân mình chèn bánh xe, sẵn sàng chết thay cho bộ đội dưới hầm - trong những ngày hòa bình tiếp tục đương đầu với bao khó khăn, tuổi già sức yếu tần tảo, chắt chiu nuôi đàn cháu côi cút nên người.

Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Phước, một bí thư xã chỉ huy du kích Củ Chi đánh Mỹ, vượt lên nỗi đau chồng và các con đều bị Mỹ - ngụy giết hại sau chiến tranh tiếp tục góp sức mình cho công tác Hội.

Tháng 10 năm 2005, tôi có một kỷ niệm sâu sắc về buổi truyền hình trực tiếp của VTV3 mang tên “Tổ quốc - mẹ hiền”. Nhạc sĩ Khánh Vinh nhờ tôi viết kịch bản, thống nhất danh sách giao lưu với các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Bà mẹ nào cũng vĩ đại, cũng góp công lao to lớn cho ngày hòa bình nhưng tìm một bà mẹ còn minh mẫn, nói chuyện lưu loát trước đám đông, gây được ấn tượng mạnh mẽ trước công chúng thật không dễ dàng.

Cuối cùng, tôi cũng tìm được bốn bà mẹ với những cuộc đời rất khác nhau. Chợt ngày cuối, Anh hùng Lực lượng vũ trang – Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Điểm (Thanh Tùng) phải cấp cứu trong bệnh viện.

Tôi còn đang bàng hoàng thì lại nhận được điện thoại của anh Mai Văn Mẫn, thạc sĩ Trường Đại học Kinh tế TPHCM, báo tin Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Rân không thể về Sài Gòn vì tim yếu (mẹ Rân hiện đang ở với con gái tại Long Khánh).

Trời, tôi đã khó nhọc biết bao để tìm gặp mẹ Nguyễn Thị Rân - một bà mẹ vào những năm tháng vô cùng ác liệt ở chiến trường Đức Phổ đã đào hầm bí mật nuôi chứa cán bộ chiến sĩ cách mạng, trong đó có bác sĩ Đặng Thùy Trâm - tác giả của quyển nhật ký gây xúc động hàng triệu trái tim Việt Nam và thế giới.

Chính mẹ Rân đã cùng với bác sĩ Đặng Thùy Trâm hiệp sức chống mấy tên lính Mỹ hiếp dâm các cô gái khi đi càn thôn xóm. Chồng và các con mẹ đều hy sinh trong chiến tranh, chỉ còn lại người con trai út là anh Mai Văn Mẫn, hiện đang là giảng viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM.

Nhiều câu hỏi trong kịch bản đã được đưa ra cho mẹ… Người lo lắng còn hơn tôi chính là MC, bởi cô đã chăm chút bộ dạng cho chương trình từ tháng trước. Hoảng quá, anh Khánh Vinh nhờ tôi tìm người thay thế.

Trời, nước đã đến chân, sáng chủ nhật phát sóng mà tối thứ bảy tôi còn đi “lùng” thêm hai bà mẹ để đảm bảo thời lượng, nội dung chương trình truyền hình trực tiếp, hàng triệu khán giả xem chớ có phải chuyện chơi đâu.

Tôi huy động mọi địa chỉ, sực nhớ Hội Liên hiệp Phụ nữ Long An vốn có quan hệ mật thiết với Bảo tàng từ trước đến nay, mừng quá vội bấm máy cho chị Hồng - Chủ tịch Hội. Nghe tôi trình bày, giọng chị buồn xo, chia sẻ: “Không được đâu em ơi, mấy bà má chỗ chị yếu lắm.

Hôm trước, Hội Phụ nữ cũng đành bỏ một chương trình giao lưu bởi tới giờ chót, các bà mẹ được mời đều trở bệnh nặng, phải cấp cứu ở bệnh viện. Làm mấy chương trình này rất hay nhưng không dự phòng, “bể dĩa” như chơi”.

Quá thất vọng, tôi gọi cho Hội Phụ nữ quận Gò Vấp và Phú Nhuận. Nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của các chị mà tôi gặp được hai bà mẹ có số phận vô cùng đặc biệt. Đó là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Thu có chồng hy sinh trên đường Trường Sơn, con gái là Lê Thị Hồng hy sinh ở chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng.

Bản thân mẹ làm giao liên, hoạt động nội thành Sài Gòn, vận chuyển vũ khí phục vụ những trận đánh long trời lở đất cho biệt động thành. Nhưng điều gây ấn tượng mạnh mẽ cho tôi chính là nỗi niềm riêng tư mà mẹ đã trải qua.

Mẹ kể hồi chồng mẹ trên đường vào Nam, bị bệnh nặng, được một cô y tá tận tình chăm sóc, cứu chữa. Hai người phát sinh tình yêu. Họ có với nhau một đứa con trai. Sau chiến tranh, cô y tá trở về Hà Nội, một mình nuôi con.

Mẹ đã gặp người phụ nữ ấy. Hai người ôm nhau trong nước mắt. Mẹ đã giúp người phụ nữ ấy làm hồ sơ liệt sĩ cho chồng để đứa con trai lớn lên, tự hào về cha mẹ của mình. Rồi tôi gặp Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Hồ Thị Tân ở quận Phú Nhuận - một công chức chế độ Sài Gòn cũ nhưng sau chiến tranh sẵn sàng cho đứa con trai duy nhất của mình là Hồ Hải Vân tham gia bộ đội. Anh Vân dũng cảm có mặt ở mũi xung kích tháo dỡ bom mìn mở đường cho đồng đội tiến lên phía trước và hy sinh ở chiến trường Tây Nam...

Thế hệ hôm nay và mai sau mãi mãi còn mắc món nợ lịch sử trước những giọt nước mắt của những bà mẹ có con hy sinh cho Tổ quốc. Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM trong nhiều năm qua đã có nhiều hoạt động thể hiện tấm lòng đền ơn đáp nghĩa những bà mẹ.

Với các mẹ, có lẽ không có chuông vàng khánh bạc nào đáng quý hơn khi đi gần hết đời người, vượt qua bao phong ba bão táp của lịch sử, nhìn cháu con trưởng thành, giỏi giang, hiếu thảo và hạnh phúc, cùng kê vai xây dựng, phát triển cơ đồ tổ tiên để lại.

TRẦM HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục