Trên trang 4 Báo SGGP số ra ngày 6-8 có bài viết: “Đủng đỉnh như ở công sở”, phản ánh tình trạng đi trễ về sớm, lấy lý do hội họp để từ chối tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hành chính và đến công sở rồi ngồi chơi, không làm hết chức trách, nhiệm vụ được giao, gây phiền hà dân tại một số cơ quan hành chính nhà nước ở TPHCM. Bài báo chỉ ghi nhận và phản ánh tình trạng trên tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ hành chính - nơi được coi là bộ mặt của các cơ quan hành chính.
Trên thực tế, như phản ánh của người dân, tình trạng công chức đủng đỉnh ở công sở nơi nào cũng có, trong đó phải kể đến ở các bộ phận “mặt hậu” không thường xuyên tiếp xúc với người dân. Tình trạng “ăn cắp” giờ công được thấy rõ nhất là sáng vào cơ quan đúng giờ nhưng sau đó xuống căn tin, hoặc lỉnh ra ngoài ăn sáng, uống cà phê đến hơn 8 giờ vào vị trí làm việc lại giở báo ra xem; chưa đến 11 giờ đã kéo nhau đi ăn cơm, rồi về phòng đánh một giấc đến gần 2 giờ dậy làm qua loa mấy việc, 4 giờ chiều dòm trước ngó sau rồi “chuồn”. Chưa kể, tình trạng “tám” trong giờ làm việc, lên Facebook tán gẫu, hoặc tụm năm tụm ba đùa giỡn... Thậm chí, phòng làm việc nào cũng có bàn trà, rảnh là các công chức giải lao pha trà bàn thế sự.
Một công chức tập sự ở sở nọ than, năm đầu vào làm việc, cứ đầu giờ sáng và chiều là anh này phải đi xúc ấm, pha trà thành như công việc chuyên nghiệp. Có khi đang làm việc, thấy khách đến sếp chỉ liếc mắt là tự giác đứng dậy đi pha trà. Anh nhẩm tính, phòng chỉ gần chục người mà mỗi tháng uống hết gần 3kg trà. Tiền trà tốn đã đành, tiền lương tính vào giờ công, ngày công của nhà nước mất đi cho dạng công chức đủng đỉnh này thì chưa thấy cơ quan nhà nước nào tính đến…
Trong một hội nghị về công tác cải cách hành chính mới đây, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã phát biểu với một thái độ rất kiên quyết đối với những công chức “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”. Những công chức có kiểu làm việc như thế này tại các công sở phải bị lên án mạnh mẽ và được xếp vào diện công chức đủng đỉnh, cần bị tinh giảm biên chế để loại ra khỏi bộ máy.
Đã đến lúc chúng ta nói không với những công chức đủng đỉnh, hưởng lương nhà nước - từ thuế người dân đóng góp nhưng không làm gì, hoặc làm với hiệu quả kém, gây phiền hà, nhũng nhiễu dân. Tại nhiều cơ quan hành chính hiện nay đã thực hiện việc khoán quỹ lương nhằm giảm chi phí. Thế nhưng, cũng cần áp dụng hình thức khoán việc, khoán giờ công làm việc đến từng công chức, hoặc trả lương theo giờ, theo kết quả làm việc ở từng vị trí công việc. Nếu làm được việc này, không chỉ tinh giảm được biên chế, bộ máy, phương tiện, vật chất cho ngân sách Nhà nước, mà còn nâng cao chất lượng và hiệu quả thực thi công vụ của công chức. Qua đó góp phần giảm tiêu cực, nhũng nhiễu và phiền hà dân tại các cơ quan hành chính nhà nước hiện nay.
HOÀI NAM