Nỗi lo cho con học trường quốc tế

Những lùm xùm liên quan đến vấn đề tài chính của Trường Quốc tế Mỹ (huyện Nhà Bè, TPHCM) những ngày qua khiến dư luận đặt câu hỏi về lỗ hổng trong công tác quản lý trường ngoài công lập. Đáng lo, với trường có yếu tố nước ngoài, phụ huynh không tìm hiểu kỹ rất dễ “tiền mất, tật mang”.

Cuộc chơi nhiều rủi ro

Tính đến ngày 24-3, có ít nhất 10 trường quốc tế, trường có yếu tố nước ngoài (triển khai chương trình song ngữ) công bố mức thu học phí năm học 2024-2025. Trong đó, mức tăng học phí cao nhất là 40 triệu đồng/học sinh/năm học. Điều này tuy nằm trong dự tính của nhiều gia đình lựa chọn mô hình quốc tế cho con theo học, nhưng vẫn khiến nhiều phụ huynh đau đầu trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Chị Trang Thư, phụ huynh có 2 con đang học Trường quốc tế Renaissance Sài Gòn (quận 7), cho biết, theo thông báo của trường, con nhỏ của chị đang học mầm non sẽ tăng học phí 10 triệu đồng/năm học, con lớn học tiểu học tăng gần 30 triệu đồng/năm học. “Phụ huynh đồng ý thì tiếp tục đóng tiền, không kham nổi thì cho con chuyển trường chứ không có lựa chọn khác. Trường thu học phí trong hè chứ không chờ đến khai giảng năm học mới thu”, chị Thư thông tin.

Y3e.jpg
Phụ huynh tìm hiểu chương trình giảng dạy tại một trường quốc tế ở quận 7, TPHCM. Ảnh: THU TÂM

Cùng cảnh ngộ, anh Minh Nam, phụ huynh có con đang học lớp 11, Trường Quốc tế TPHCM (TP Thủ Đức), bày tỏ, theo lý thuyết, học sinh học chương trình Tú tài quốc tế (IB) có thể chuyển đổi giữa các trường cùng triển khai chương trình. Song, trên thực tế, mỗi trường triển khai chương trình IB với số lượng môn học khác nhau nên việc chuyển trường chỉ thuận lợi khi 2 trường cùng triển khai môn học với cùng cấp độ. Nhiều phụ huynh cho biết, nếu “giữa đường đứt gánh” chương trình IB, học sinh có thể chuyển qua các chương trình khác như A-Level, Cambridge… chứ khó chuyển đổi chương trình của Bộ GD-ĐT vì có quá nhiều khác biệt về môn học. Do đó, một khi xác định cho con theo học các chương trình quốc tế, phụ huynh phải xác định lộ trình học tập lâu dài, việc chuyển đổi giữa các chương trình rất phức tạp, nhất là ở cấp THPT, với nhiều yêu cầu khắt khe về công nhận chuẩn đầu ra.

Đề xuất cơ chế phối hợp liên ngành

Ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết, hàng năm, tất cả trường ngoài công lập đều phải thực hiện kê khai giá dịch vụ giáo dục. Việc kê khai giá nhằm giúp cơ quan quản lý kiểm soát mức tăng học phí và các dịch vụ hỗ trợ giáo dục qua mỗi năm học. Nếu đơn vị nào tăng học phí quá 10% hoặc tăng phí dịch vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục quá 15% so với năm học trước đó sẽ bị Sở GD-ĐT “tuýt còi”, yêu cầu điều chỉnh mức tăng không quá quy định. Như vậy, trường có yếu tố nước ngoài được phép tăng học phí và các dịch vụ giáo dục mỗi đầu năm học nhưng không được quá quy định mức tăng tối đa của cơ quan quản lý.

Tại TPHCM, trường có yếu tố nước ngoài, trường tư thục triển khai chương trình song ngữ hiện nay có học phí dao động 150-850 triệu đồng/năm học. Nếu áp dụng “mức trần” tăng học phí nói trên, mức tăng có thể lên đến 85 triệu đồng/năm. Trả lời cho câu hỏi học phí tăng có tương xứng chất lượng đào tạo hay không, một lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, học phí và mức thu các dịch vụ giáo dục của trường ngoài công lập triển khai trên cơ sở thỏa thuận với cha mẹ học sinh. Sở GD-ĐT không có thẩm quyền can thiệp mức thu của các trường mà chỉ kiểm soát tỷ lệ tăng hàng năm có vượt quá quy định hay không. Ngoài ra, việc kiểm tra cơ sở vật chất và các điều kiện hoạt động đi kèm vào mỗi đầu năm học chỉ nhằm có cơ sở giao chỉ tiêu tuyển sinh chứ không thể can thiệp lộ trình tăng học phí của các trường.

Có thể thấy, mô hình trường có yếu tố nước ngoài đã và đang mở ra nhiều cơ hội học tập đa dạng hơn cho người dân. Mặc dù có chi phí học tập khá đắt đỏ nhưng không thể phủ nhận đóng góp tích cực của mô hình này trong việc tạo ra cơ hội học tập liên thông cho học sinh phổ thông Việt Nam với các bậc học cao hơn ở nước ngoài, đáp ứng nhu cầu học tập của những gia đình có ý định cho con đi du học… Song, kẽ hở trong công tác cấp phép và quản lý khiến chất lượng hoạt động của các trường không đồng đều.

Hiện nay, để một trường đi vào hoạt động, Sở KH-ĐT cấp phép thành lập, Sở GD-ĐT quản lý về chuyên môn, Sở LĐTB-XH chịu trách nhiệm quản lý lao động nước ngoài. Tuy nhiên, công tác hậu kiểm sau cấp phép chưa được các sở ngành quan tâm đúng mức. Trước thực tế đó, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Thụy Mỵ Châu cho biết, Sở GD-ĐT đề xuất UBND TPHCM ban hành quy chế phối hợp giữa các sở ngành để tổ chức kiểm tra, rà soát định kỳ, đảm bảo các nhà đầu tư vận hành trường theo đúng quy định pháp luật.

Untitled-1.jpg

Khoản 1, Điều 12, Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27-8-2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, quy định “Học phí được thu định kỳ hàng tháng. Nếu người học tự nguyện, nhà trường có thể thu một lần cho cả học kỳ hoặc năm học. Đối với cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông, học phí được thu tối đa 9 tháng/năm học”. Như vậy, việc các trường thu học phí “trọn gói” cả bậc học (từ 3-5 năm học) hoặc 12 năm học (từ tiểu học đến THPT) là chưa đúng quy định.

Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu yêu cầu, hợp đồng dân sự giữa phụ huynh và chủ trường (theo hình thức vay vốn, góp vốn) phải tách rời hoạt động giáo dục. Trường học hoạt động theo quy định pháp luật, tổ chức thu học phí định kỳ, do đó cần tách bạch hoạt động của doanh nghiệp và hoạt động giáo dục.

Cần quy định suất đầu tư tính theo đầu học sinh

Hiện nay, điều kiện và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục phổ thông được thực hiện theo Nghị định 135/2018/NĐ-CP ngày 4-10-2018 quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, thay thế cho Nghị định 46/2017/NĐ-CP (ngày 21-4-2017) quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Tuy nhiên, các văn bản luật là cơ sở để ban hành 2 nghị định nói trên đã được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học 2018, Luật Giáo dục 2019, Luật Đầu tư 2020), trong đó có một số quy định mới liên quan đến thành lập và hoạt động các cơ sở giáo dục.

Theo đó, Luật Giáo dục 2019 có một số quy định mới như lần đầu tiên đề cập đến khái niệm nhà đầu tư cũng như quy định về quyền, trách nhiệm của nhà đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, đồng thời quy định về loại hình trường tư thục do nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động (điểm c, khoản 1, Điều 47). Luật này đã bỏ 1 điều kiện để nhà trường được phép hoạt động giáo dục so với Luật Giáo dục 2005 là có quyết định thành lập hoặc quyết định cho phép thành lập nhà trường, đồng thời bổ sung quy định về các yêu cầu để sáp nhập, chia, tách nhà trường (khoản 1, điều 51).

Cùng với đó, Luật Đầu tư 2020 quy định cụ thể, rõ ràng hơn về yêu cầu đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện như “phải bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, tiết kiệm thời gian, chi phí tuân thủ của nhà đầu tư”. Luật đã quy định cụ thể về các nội dung bắt buộc đối với điều kiện đầu tư kinh doanh.

Hiện nay, các văn bản hiện hành chưa có quy định rõ ràng về nguồn lực tài chính để bảo đảm duy trì và phát triển hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông tư thục. Vì vậy, dự thảo về nghị định mới mà Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến cần có quy định cụ thể và chi tiết về nội dung này. Trong đó, việc quy định cụ thể về suất đầu tư tính theo đầu học sinh (từ mầm non đến THPT) và nguồn vốn đầu tư (chưa bao gồm quyền sử dụng đất) nhằm bảo đảm các cơ sở giáo dục có đủ nguồn lực tài chính để tổ chức các hoạt động giáo dục cũng như duy trì và phát triển hoạt động của nhà trường. Tôi cho rằng việc quy định rõ ràng về nguồn lực tài chính của các cơ sở giáo dục là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào việc bảo đảm, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông, qua đó tăng cường vai trò và trách nhiệm của nhà đầu tư khi hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.

Cô T.T.D.

Giảng viên Khoa Luật hành chính, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TPHCM

Tin cùng chuyên mục