Nỗi lo đàn ông

Nỗi lo đàn ông

Hàng năm cứ cuối xuân, hoa lá ngoài đường nở nhiều và trên không có những đám mây màu nhàn nhạt, lòng tôi lại nao nao một nỗi lo lo khi nhớ đến ngày lễ của các bà.

Tôi quên sao được thứ cảm giác ngài ngại, mỗi năm một lần, nhưng cũng đủ gây xao động những tháng ngày êm ả của cánh đàn ông chúng tôi.

Mọi ngày thì không sao, chúng tôi cứ tự do nằm nướng trên giường, vợ phải đánh thức năm lần, bảy lượt mới chịu mở bừng con mắt dậy, hạ mình ăn những thức ăn vợ đã chuẩn bị sẵn từ bao giờ. Đã thế, khi không vừa ý là tự do phát biểu ý kiến chê bai, cho dù vẫn biết các bà ấy cũng phải đi làm nơi công sở như mình.

Mọi chiều tan sở, ngoại trừ những hôm nào thương vợ lắm (hoặc hết tiền) không đi nhậu với bạn bè, chúng tôi mới tà tà về nhà, hạ cố dùng vội mấy bát cơm do vợ xới sẵn. Ăn xong, mặc cho các bà vợ đảm nhận phần lau nhà, rửa chén, các ông chồng như tôi lại nhận phần trách nhiệm to lớn là theo dõi tình hình nóng bỏng trong nước và thế giới thông qua báo chí và truyền hình.

Để rồi mỗi khi thấy vợ tròn xoe đôi mắt trước những kiến thức “uyên bác” của mình, chúng tôi lại lớn tiếng khuyên nhủ các bà cần chịu khó mở mang tầm hiểu biết. Việc dạy dỗ con cái, chúng tôi lại thích lấy câu “Con hư tại mẹ” làm bửu bối, mỗi khi có ai đó phàn nàn về tính khí của các đứa trẻ. Cứ thế, những tháng ngày trong năm trôi qua một cách êm ả khi cánh đàn ông chúng tôi và cả các bà đều thực hiện vai trò của mình một cách hoàn hảo. Tuy thỉnh thoảng có những phản kháng yếu ớt từ phía các bà, nhưng cánh chúng tôi nhất quyết giữ nguyên bản tính, thế là đâu lại vẫn cứ vào đấy.

Thế mà, cứ đến ngày 8 tháng 3, mọi thứ đều đảo lộn tùng phèo. Các bà cứ vin vào lý do đó là ngày lễ của cánh phụ nữ mà nhất định đòi đổi vai trò thường ngày, nghĩa là bắt các ông phải làm “vợ” thử một ngày để hiểu rõ công việc các bà. Những công việc cơm nước, giặt giũ, đi chợ, dạy con... mà trước đây các bà liễu yếu đào tơ đảm đương mỗi ngày, bây giờ lại dồn hết lên đôi vai của cánh đàn ông chỉ chuyên tâm theo dõi nhân tình thế thái, thì làm sao chúng tôi chịu cho nổi.

Một ngày làm việc quần quật từ sáng sớm cho đến tối mịt cũng vẫn bị chê bai là dối giả, vụng về; Cơm nước dù nấu hết hơi cũng bị cả nhà bĩu môi nhất định không chịu nuốt; Dạy con thì bị chúng nó cười, bảo bố chỉ biết nói chuyện trên mây còn bài toán lớp 3 cũng chẳng biết cách giải.

Mệt mỏi, vất vả, nhọc nhằn là thế nhưng cũng không bằng cái cảm giác tức anh ách khi thấy các bà cứ thản nhiên ngồi ngửa trên salon mà đọc hết tờ báo này đến tờ báo nọ, lại còn xem ti vi cười khúc khích. Chưa hết, cái tức còn dâng lên tới cổ khi thấy vợ vừa đọc báo xong lại tiếp tục bàn luận lung tung, mặc xác đức ông chồng đang đầu tắt mặt tối.

Chán ngán đến tận cổ, chúng tôi chỉ còn cách cầu mong cho chóng qua ngày lễ này, để có thể trở lại vai trò thân quen của mình. Nhưng cũng may là mỗi năm chỉ có mỗi một ngày, nếu có nhiều chắc chúng tôi xin tình nguyện... ở vậy cho khỏe.

Nay cái ngày ngao ngán của cánh đàn ông chúng tôi lại sắp đến, ai có phương cách nào hay để giải quyết nỗi lo này, vui lòng chỉ giáo, chúng tôi nhất định sẽ hậu tạ thỏa đáng.

Hải Âu

Tin cùng chuyên mục