Nỗi lo mới

Thị trường chứng khoán toàn cầu ngày 13-6 đồng loạt giảm điểm sau khi Ngân hàng Thế giới (WB) công bố báo cáo “Triển vọng kinh tế toàn cầu”, theo đó chỉ ra rằng châu Âu sẽ lún sâu hơn vào suy thoái (vì thắt chặt ngân sách và suy giảm niềm tin đầu tư), tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và phần còn lại của châu Á sẽ chậm lại.

Thị trường chứng khoán châu Á dẫn đầu đà giảm của chứng khoán thế giới, trong đó thị trường Nhật Bản giảm mạnh nhất khiến đồng yên tăng lên mức cao nhất trong hai tháng qua so với đồng USD, khi WB hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu từ 2,4% xuống 2,2% trong năm 2013 và 3% trong năm sau, thấp hơn dự báo đưa ra hồi tháng 1.

Tháng trước, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke cho biết có thể giảm tốc độ nới lỏng định lượng trong tháng 9 thay vì tháng 12-2013. Điều này có nghĩa là FED cắt giảm mua tài sản, tỷ lệ sinh lợi của trái phiếu Mỹ sẽ tăng, giúp tài sản bằng USD Mỹ hấp dẫn hơn, khiến các đồng tiền khác chịu áp lực giảm giá.

Trong báo cáo này, WB cảnh báo rằng các nước mới nổi sắp đối mặt với nguy cơ chứng kiến một cú sốc lãi suất cao đột ngột xảy ra một khi FED và các nước phương Tây khác bắt đầu rút dòng tiền khỏi thị trường toàn cầu, giảm dần nới lỏng tiền tệ và chính sách lãi suất cực thấp.

Cảnh báo của WB được đưa ra trong bối cảnh các thị trường trái phiếu, tiền tệ tại các nước mới nổi giảm mạnh khi nhà đầu tư nhận thấy lãi suất ở Mỹ có thể tăng trở lại. Tại thời điểm này, nhiều nước mới nổi cũng bắt đầu hành động để ngăn chặn “đường bay” của dòng vốn và vực dậy đồng tiền trượt giá của mình.

Sau khi Ngân hàng trung ương Ấn Độ quyết định không cắt giảm lãi suất lần nữa nhằm giữ giá đồng rupee sau khi đã giảm hơn 1,9%, xuống dưới 60 rupee so với USD, thì ngày 13-6 Indonesia cũng quyết định tăng lãi suất vào để bảo vệ đồng rupiah sau khi đồng tiền này rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009. Ấn Độ không phải là nước duy nhất bị ảnh hưởng.

Các thị trường mới nổi khác như Nam Phi, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan… cũng nằm trong số này và đã có những biện pháp can thiệp trong những ngày gần đây. Brazil cũng vừa loại bỏ thuế mua trái phiếu dành cho người nước ngoài.

Theo Maya Bhandari, chuyên gia tài chính của Ngân hàng Citigroup, ở khu vực châu Á, thặng dư tài khoản vãng lai bốc hơi nhanh, gánh nặng nợ nần đang tăng lên và cán cân tài chính ngày một xấu đi. Trường hợp Ngân hàng Everbright của Trung Quốc vỡ nợ tín dụng liên ngân hàng trong tuần trước là một trong những trường hợp cho thấy nợ xấu đang hiện ra từ bóng tối của hệ thống ngân hàng. Tín dụng tư nhân ở Trung Quốc hiện nay cao nhất trong khối các nước mới nổi, chiếm 160% GDP.

Theo WB, tăng trưởng quá nhanh đang gây sức ép lạm phát đối với các nền kinh tế này, đồng thời dẫn đến bong bóng giá tài sản. Trong khi cảnh báo một số nền kinh tế mới nổi nên thắt chặt chính sách tiền tệ hoặc tài khóa do nguy cơ tăng trưởng quá nóng, WB cho rằng nhóm thứ 2 gồm các nền kinh tế như Brazil, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi nên thận trọng, không đánh giá quá mức tiềm lực tăng trưởng và cố gắng tăng trưởng quá nhanh.

Các nhà đầu tư đang chờ đợi cuộc họp của FED vào tuần tới, sau khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) tuần này đã không đưa thêm các biện pháp kích thích kinh tế.

HẠNH CHI

Tin cùng chuyên mục