Nỗi lo sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi

Sa sút trí tuệ là một nhóm các rối loạn nhận thức đặc trưng bởi giảm trí nhớ, khó khăn trong việc diễn đạt ngôn ngữ, hoạt động, nhận diện đồ vật và rối loạn chức năng thực hiện, khả năng lập kế hoạch, tổ chức… Bệnh không chỉ gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, người thân mà còn tạo các gánh nặng về kinh tế cho gia đình, xã hội.

Nhiều nguyên nhân

Mới đây, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM tiếp nhận bệnh nhân N.N.T. (65 tuổi, ngụ TPHCM), có tiền sử đái tháo đường và được chỉ định điều trị bằng thuốc hơn 4 năm nay. Ban đầu, biểu hiện của bà T. là lặp lại một câu hỏi nhiều lần. Khoảng 1 tuần trước khi nhập viện, có hai, ba  lần trong cùng một ngày, bà T. đi chơi nhưng không nhớ đường về.

Sau khi được thực hiện các xét nghiệm đánh giá và kiểm tra về thần kinh, tâm lý, bà T. được chẩn đoán sa sút trí tuệ giai đoạn trung gian. Bà T. được chỉ định nhập viện để theo dõi diễn tiến bệnh, đồng thời được hướng dẫn cách chăm sóc và tập luyện cải thiện chức năng. 

Theo các thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, sa sút trí tuệ là bệnh thường gặp ở người cao tuổi. Cứ 3 giây trên thế giới lại có 1 người mắc căn bệnh này. Khi bệnh tiến triển, người bệnh không thể tự chăm sóc bản thân, không thể sinh hoạt bình thường nếu không có người thân hỗ trợ.

Người bệnh sa sút trí tuệ có thể không nhận biết được người thân, có các triệu chứng rối loạn hành vi tâm thần: cáu gắt, nghi ngờ, kích động dẫn đến không hợp tác trong quá trình điều trị. 

Nỗi lo sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi ảnh 1 Bác sĩ đang thăm khám cho bệnh nhân mắc sa sút trí tuệ. Ảnh: THÀNH AN

TS-BS Nguyễn Bá Thắng, Trưởng Trung tâm khoa học Thần kinh, Trưởng Đơn vị Đột quỵ, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cho biết, sa sút trí tuệ là hội chứng lâm sàng do nhiều nguyên nhân gây nên. Trong đó, bệnh lý thoái hóa thần kinh - Alzheimer là nguyên nhân phổ biến nhất. Tiếp đến là các bệnh lý liên quan đến mạch máu, cụ thể là đột quỵ. Ngoài ra, một số nhóm bệnh như nhiễm trùng thần kinh, thiếu vi chất dinh dưỡng cũng mang đến những biểu hiện tương tự bệnh lý sa sút trí tuệ.

“Đặc biệt, sa sút trí tuệ sau đột quỵ là một trong những tình trạng đáng lo ngại. Tuy nhiên, không phải tất cả người bệnh đột quỵ đều mắc phải tình trạng này. Nguy cơ sẽ tăng cao trong trường hợp người bệnh bị nhồi máu não đa ổ hoặc tổn thương vùng đồi thị sau cơn đột quỵ”, TS-BS Nguyễn Bá Thắng thông tin.

Còn theo bác sĩ chuyên khoa 2 Tống Mai Trang, Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, khoảng 40% các yếu tố ảnh hưởng đến não bộ gây sa sút trí tuệ có thể điều chỉnh được. Nguy cơ khởi phát bệnh mở rộng theo từng giai đoạn độ tuổi. Ở độ tuổi thanh thiếu niên, học vấn thấp là tiền đề dẫn đến sa sút trí tuệ trong tương lai. Trong khi đó, người thuộc nhóm tuổi trung niên (40-60 tuổi) có nguy cơ sa sút trí tuệ tăng cao nếu rơi vào các trường hợp giảm thính lực, chấn thương đầu, tăng huyết áp, béo phì, uống nhiều rượu bia. Ở giai đoạn cao niên, các bệnh lý như đái tháo đường, đột quỵ, trầm cảm hoặc thói quen hút thuốc lá, lối sống thụ động, ít tiếp xúc xã hội sẽ làm tăng nguy cơ suy giảm nhận thức.

Không lạm dụng thuốc bổ não

Theo TS-BS Nguyễn Bá Thắng, nhiều bệnh nhân mắc bệnh sa sút trí tuệ đang lạm dụng thuốc bổ não. Có đến 90% bệnh nhân đến khám đều lạm dụng loại thuốc trên. Tuy nhiên, đối với bệnh lý này, cần hiểu rõ để từng bước can thiệp, điều trị. Sa sút trí tuệ là một hội chứng lâm sàng do nhiều nguyên nhân gây nên, làm ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh. Việc phát hiện sớm các biểu hiện liên quan, đưa bệnh nhân đến khám và chăm sóc tốt tại cơ sở y tế chuyên khoa uy tín có ý nghĩa rất lớn trong việc cải thiện chất lượng sống của người bệnh, cũng như giúp giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.

“Phát hiện và điều trị sớm sa sút trí tuệ mang ý nghĩa rất quan trọng, có ảnh hưởng đến cả người bệnh và người chăm sóc. Phát hiện sớm sẽ hỗ trợ người bệnh kiểm soát tình trạng và duy trì chất lượng cuộc sống tốt hơn trong giai đoạn đầu. Đồng thời có thời gian để lập kế hoạch, đưa ra lựa chọn phương pháp điều trị và chăm sóc phù hợp. Bên cạnh đó, người thân và người chăm sóc sẽ có thời gian thích nghi dần với những thay đổi của người bệnh về nhận thức và hành vi”, TS-BS Nguyễn Bá Thắng thông tin.

Hiện chưa có giải pháp nào đảm bảo có thể ngăn ngừa chứng sa sút trí tuệ. Tuy nhiên, một số biện pháp như tập thể dục thường xuyên; chế độ ăn uống lành mạnh; hạn chế căng thẳng tâm lý, stress; luôn để trí óc hoạt động; đảm bảo chất lượng giấc ngủ; điều trị các vấn đề về sức khỏe; quản lý các yếu tố nguy cơ tim mạch; không hút thuốc lá... có thể đem lại lợi ích nhất định cho sức khỏe nói chung và ngăn ngừa các chứng bệnh, trong đó có sa sút trí tuệ.

Tuy chưa có cách chữa trị chứng sa sút trí tuệ, nhưng việc được chẩn đoán sớm có thể giúp người mắc bệnh và gia đình có sự chuẩn bị cho tương lai. Do đó, các gia đình cần lưu ý khám sức khỏe định kỳ, theo dõi các triệu chứng để đi khám, chữa bệnh kịp thời. Sự kết hợp giữa thuốc theo chỉ định của bác sĩ và các hoạt động kích thích có thể giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh.

8 dấu hiệu cảnh báo sa sút trí tuệ

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Tống Mai Trang, sa sút trí tuệ không phải là hiện tượng lão hóa tự nhiên, các biểu hiện của hội chứng này đều mang tính chất bệnh lý. Để nhận biết sớm, người bệnh và người nhà người bệnh có thể dựa vào 8 dấu hiệu cảnh báo sau: giảm trí nhớ; khó khăn khi thực hiện các công việc quen thuộc; khó khăn trong việc sử dụng ngôn ngữ để biểu đạt ý; mất định hướng về thời gian và nơi chốn; giảm khả năng đánh giá tình huống; thay đổi về thái độ và hành vi; khó khăn trong việc hiểu thông tin về thị giác và không gian; thu rút khỏi công việc và các hoạt động xã hội.

Tin cùng chuyên mục