Nỗi lo “thánh chiến”

Gần đây, nguy cơ chiến tranh Israel – Iran hay nội chiến ở Syria cũng tạm lắng xuống. Tuy nhiên, hôm rồi, ai đọc báo đều biết đến vụ sát thủ ở Toulouse, Pháp, nơi tôi sống. Chưa đầy 1 năm, ngay giữa trái tim của nền dân chủ châu Âu, người dân bàng hoàng và khiếp sợ về 2 vụ sát nhân kinh hoàng và đều do những người trẻ thực hiện.

Nếu nói tên Merah và tên Breivik (sát thủ ở Na Uy năm ngoái) bị điên thì hoàn toàn không. Một tên đã tự mình vạch kế hoạch tỉ mỉ, một tên đã lên mạng tìm hiểu mạng lưới khủng bố Al-Qaeda qua các đoạn phim chỉ dẫn cách gieo rắc kinh hoàng cho người dân. Họ hoàn toàn là những người bình thường nếu không muốn nói có óc phân tích và sống có lý tưởng. Tiếc thay lý tưởng đó lại là chủ nghĩa anh hùng đơn độc và cực đoan của những người chán nản xã hội và cảm nhận mình là công dân hạng hai.

Cũng như nhiều chuyên gia phân tích trên các bài báo, tôi và những người xung quanh đều có chung nỗi lo, chủ nghĩa khủng bố của Hồi giáo cực đoan đang len lỏi vào châu Âu. Nhưng lần này bằng con đường mới hơn, qua những cá nhân trẻ tuổi, liều mạng và đặc biệt không có nhiều tiền án nên rất khó ngăn chặn mỗi khi chúng hành động. Dù kẻ giết người phân trần hành động giết những người lính nhảy dù của hắn nhằm phản đối cuộc chiến ở Afghanistan và việc xả súng ở trường học Do Thái là trả thù cho trẻ em Palestine, nhưng đó chỉ là lời trần tình của một kẻ đang cố lý tưởng hóa tội ác của mình. Tôi vẫn không thể quên tâm trạng cách đây vài ngày của cộng đồng xung quanh. Khi đó, bóng ma Al-Qaeda như một cơn ám ảnh khủng khiếp len lỏi vào tận cuộc sống hàng ngày giữa thời điểm mọi người hân hoan với những cải cách, hứa hẹn của các ứng cử viên cho cuộc bầu tổng thống sắp tới.

Mới đây, giám đốc Cơ quan Tình báo hình sự châu Âu Rob Wainwright thừa nhận với hãng AP rằng ông cũng lo sợ một cuộc thánh chiến mới theo chiều hướng phức tạp đang nổi lên trong lòng châu Âu.

Đấu tranh chống lại các hành động cá nhân chắc chắn là khôn lường. Bên cạnh đó, qua những vụ tấn công gần đây, có thể thấy Al-Qaeda đang chuyển hướng từ một tổ chức dễ bị tiêu diệt, sang khuyến khích hành động cá nhân, ngay cả người đó không là phần tử trong mạng lưới. Nhìn lại hơn chục năm kể từ khi chủ nghĩa khủng bố lan rộng và so với thời gian gần đây, kể từ khi trùm khủng bố Osama bin Laden bị tiêu diệt, các cuộc tấn công khủng bố đáng sợ nhất đều thiên về cá nhân hơn là có tổ chức và tiêu tốn tiền của như vụ 11-9 và 11 vụ đánh bom tự sát ở Luân Đôn (2005).

Tất nhiên, gốc gác của vấn đề còn nằm ở chỗ một bộ phận giới trẻ, hoặc những người nhập cư không có điều kiện hòa nhập cộng đồng, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế khiến chính phủ các nước châu Âu cắt giảm phúc lợi xã hội. Giống như vụ bạo loạn khủng khiếp ở Anh vào mùa hè năm ngoái chẳng phải đều do thanh niên rơi vào hoàn cảnh tương tự gây ra đó sao.

Không thể nói họ là những người ít học vì rõ ràng nền giáo dục châu Âu luôn ở hàng đầu thế giới. Mà vấn đề của họ là bi quan vào mức sống, tâm lý dễ dao động của những người trẻ và lại không được xã hội quan tâm. Họ sống đơn độc như chính vỏ bọc của mình và khi nhìn thấy chủ nghĩa khủng bố mà Al-Qaeda đã vẽ ra như một chủ nghĩa anh hùng cá nhân, họ rất dễ bị lôi cuốn. Tôi nhớ có người ví họ như những con sói cô độc, vô cùng hung hãn khi tấn công và rất nguy hiểm nếu gặp được bầy. 

NGUYÊN MINH

Tin cùng chuyên mục