Đua nhau nghỉ việc
Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Meur (xã Ia Mơ, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) được giao quản lý, bảo vệ hơn 10.000ha rừng và đất lâm nghiệp ở xã biên giới Ia Mơ. Đơn vị này được giao tổng biên chế 18 người, nhưng hiện chỉ có 14 người, số lượng thiếu hụt, nhưng những năm qua không tuyển được. Ngoài việc thiếu hụt lao động, nhân viên của ban cũng đang viết đơn xin nghỉ ồ ạt. Theo ông Đinh Văn Khẩn, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Meur, 2 tháng trở lại đây, đơn vị có 5 viên chức xin nghỉ, chuyển công tác. “Sở NN-PTNT đã động viên nhưng những người này quyết tâm nghỉ. Thời gian nữa, nếu không giải quyết đơn thì nhân viên của ban cũng sẽ bỏ việc”, ông Khẩn nói.
Còn tại Lâm Đồng, trong năm 2022, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng được giao 282 biên chế công chức, tuy nhiên hiện mới có 231 công chức. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, từ đầu năm 2020 đến nay, có 179 người công tác tại các hạt kiểm lâm, ban quản lý rừng, công ty lâm nghiệp xin nghỉ hưu trước tuổi, xin chuyển công tác hoặc xin nghỉ việc; trong đó có 21 công chức ngành kiểm lâm. Đặc biệt, đối với các đơn vị trực tiếp bảo vệ rừng thì tình trạng thiếu hụt nhân lực còn nghiêm trọng hơn. Trong số 13 ban quản lý rừng và 1 ban quản lý khu du lịch, được giao 2 biên chế công chức và 415 biên chế viên chức thì hiện còn thiếu 84 chỉ tiêu.
Theo chi cục kiểm lâm các tỉnh, nguyên nhân dẫn đến tình trạng lực lượng bảo vệ rừng xin nghỉ ồ ạt trong những năm gần đây là do đặc thù công việc phải công tác trong điều kiện khó khăn, nguy hiểm, trách nhiệm cao… Trong khi đó, đồng lương không đủ trang trải cho gia đình. “Thiếu người, có những trường hợp một kiểm lâm phải kiêm nhiệm 5 đến 6 xã với diện tích hàng chục ngàn hécta rừng, áp lực công việc càng thêm nặng nề. Thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk xảy ra nhiều vụ phá rừng một phần vì ở các địa phương thiếu lực lượng bảo vệ”, ông Nguyễn Quốc Hưng chia sẻ.
Cần có chính sách đào tạo, giữ chân
Một thực tế đáng buồn khác là các trường đào tạo nhân lực cho lâm nghiệp không thu hút được sinh viên, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt lao động có chất lượng cho ngành lâm nghiệp trong tương lai. Th.S Lê Đình Nam, Phó trưởng Khoa Nông lâm, Trường Đại học Tây Nguyên, cho biết, 2 năm gần đây, trường phải ngưng đào tạo ngành Quản lý tài nguyên rừng và môi trường vì không có sinh viên theo học. Khóa học năm 2021, ngành Lâm sinh chưa đầy 10 sinh viên tham gia học. Cho đến thời điểm hiện tại, các sinh viên này cũng bỏ học giữa chừng, chỉ còn 2 sinh viên cố gắng theo. “Chúng tôi phải cho sinh viên học ghép lớp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các em hoàn thành khóa học. Thực trạng rừng không ngừng bị xâu xé, người giữ rừng đang thiếu hụt trầm trọng. Trong khi đó, các ngành nghề đào tạo lực lượng kiểm lâm giờ đây không còn thu hút được sinh viên. Đây là một thực trạng đáng buồn cho ngành lâm nghiệp”, Th.S Lê Đình Nam tâm tư.
Theo Th.S Lê Đình Nam, để giữ chân lực lượng bảo vệ rừng, ngành chức năng cần có cơ chế đặc thù cho ngành kiểm lâm. Trong đó, phải tăng quyền hạn, có mức lương và đãi ngộ xứng đáng để những người giữ rừng có thể trang trải được cuộc sống. Từ đó, lực lượng bảo vệ rừng mới tâm huyết gắn bó với nghề, có thể bám trụ với rừng để bảo vệ những cánh rừng còn sót lại.
Trước những khó khăn trên, lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng kiến nghị cấp thẩm quyền hàng năm không cắt giảm biên chế trong lực lượng kiểm lâm nhằm đảm bảo nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới; UBND tỉnh hàng năm kịp thời xây dựng kế hoạch và tổ chức tuyển dụng công chức; thường xuyên thực hiện việc tiếp nhận viên chức vào làm công chức; từ đó giúp các chi cục kiểm lâm, hạt kiểm lâm đảm bảo đủ số lượng công chức theo chỉ tiêu được giao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk cũng đề nghị UBND tỉnh kiến nghị Trung ương sớm xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách lâm nghiệp đặc thù vùng Tây Nguyên theo hướng khuyến khích hình thành Hệ thống quản lý rừng cộng đồng trên cơ sở giao rừng cho hộ gia đình, nhóm hộ, buôn làng. Bên cạnh đó, cho phép sử dụng hợp lý một phần đất lâm nghiệp để bố trí sản xuất cho người dân, góp phần bảo đảm đời sống gắn với bảo vệ, phát triển rừng lâu dài. Ngoài ra cần sớm có cơ chế, chính sách đãi ngộ đặc thù để thu hút, giữ chân nhân lực cho ngành lâm nghiệp; bổ sung ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ bảo vệ rừng tự nhiên, nhất là rừng nghèo kiệt của các công ty lâm nghiệp.