Giải vô địch wushu thế giới 2007 vừa kết thúc tại Trung Quốc, đội tuyển Việt Nam đứng thứ ba tổng sắp, và được hy vọng sẽ tiếp tục đứng đầu ở SEA Games 24. Điều đó hoàn toàn có cơ sở, nhưng...
Nhiều hy vọng ở tán thủ nữ

Phạm Quốc Khánh nhiều hy vọng đoạt HCV ở nội dung nam quyền. Ảnh: Quang Thắng
Do wushu không được nhiều nước trong khu vực phát triển, vì thế nước đăng cai nếu không mạnh môn này đều cố giảm thiểu tối đa nội dung thi đấu để hạn chế số lượng huy chương của các nước mạnh hơn. Trừ SEA Games 22 tại Việt Nam với 28 bộ huy chương, thì SEA Games 23 rút còn 22 bộ và năm nay tại Thái Lan chỉ còn 14 bộ.
Ngay từ đầu, Thái Lan đã đưa ra nội dung đối luyện (2 bộ huy chương), cùng 4 nội dung đối kháng theo hạng cân (52, 56 của nam và 48, 52 của nữ) điều đó cho thấy các nội dung này họ đều nhắm tới khả năng giành huy chương.
Tuy nhiên ở tán thủ nữ, hạng 48kg, Nguyễn Thị Bích của Việt Nam vừa giành ngôi vô địch thế giới nên sẽ là ứng viên hàng đầu cho ngôi vô địch SEA Games. Ở hạng 60 kg nữ, Lương Thị Hoa cũng đã là tân vô địch thế giới khi giải vừa qua gặp các đối thủ rất mạnh là Mariane (Philippines ở bán kết) và Zahra (Iran, chung kết), Hoa đều thắng 2-0.
Nhiều lạc quan ở phía nữ, các võ sĩ nam của đội tuyển Việt Nam cũng không ít hy vọng, tuy nhiên cửa của họ sẽ khó hơn nhiều khi gặp các đối thủ đến từ Philippines, cũng như các võ sĩ chủ nhà từ muay Thái chuyển qua thi đấu nội dung này. Thế nhưng, điều đáng ngại nhất của đoàn Việt Nam không phải từ những võ sĩ mà lại từ chính những... trọng tài.
Taolu không còn là thế mạnh
Trong số 8 bộ huy chương biểu diễn, Việt Nam không có cơ hội đứng đầu ở 2 bộ Thái cực (gồm thái cực quyền và thái cực kiếm) vì Malaysia (nữ) và Indonesia (nam) mạnh hơn chúng ta. Hai bộ huy chương đối luyện (có sự tham dự của VĐV nước chủ nhà) cũng rất khó hy vọng giành ngôi đầu. Nên thực tế, sự tranh chấp của đoàn Việt Nam chỉ còn lại ở 4 bộ: Trường quyền nam (côn thuật hoặc thương thuật, đao thuật hoặc kiếm thuật, trường quyền), Nam quyền nam (nam quyền, nam đao, nam côn), Trường quyền nữ (thương hoặc côn, đao hoặc kiếm và trường quyền), Nam quyền nữ (nam quyền, nam đao, nam côn).
Ở 4 nội dung này, cả Việt Nam, Malaysia, Philippines và Indonesia, Myanmar đều có khả năng giành HCV. Tuy nhiên, xét toàn diện thì Việt Nam vẫn nhỉnh hơn với Phạm Quốc Khánh (vừa vô địch thế giới nội dung nam đao), nhưng lại bị kém một chút ở nam côn so với võ sĩ Malaysia và kém hơn ở nam quyền so với VĐV của Myanmar. Như thế, nếu biểu diễn thật tốt nội dung sở trường Nam đao thì Khánh mới có cơ hội vô địch bộ Nam quyền.
Ngoài ra, Trần Đức Trọng, Trần Xuân Hiệp (cùng thi bộ Trường quyền), Vũ Thùy Linh (Nam quyền nữ), Vũ Trà My (Trường quyền nữ) cũng trong tình trạng tương tự, hơn một chút ở nội dung này nhưng có thể kém ở nội dung khác. Do đó, việc giành 2/4 HCV còn lại đã là thành công với các võ sĩ Việt Nam, vì dù sao môn võ này vẫn mang nặng cảm tính từ trọng tài.
Chính vì lo sợ “thế lực” trọng tài, cũng như nhằm bảo đảm sự khách quan cho hai nội dung đối kháng và biểu diễn, đoàn Việt Nam sẽ mang bộ dụng cụ chấm điểm điện tử nội dung đối kháng (đã dùng tại SEA Games Việt Nam và Philippines) đến Thái Lan. Tuy nhiên, bộ dụng cụ điện tử chấm điểm môn biểu diễn hiện đã không còn phù hợp với các bài thi tự chọn theo độ khó hiện nay, nên có thể Việt Nam sẽ phải nhập thiết bị này từ Trung Quốc để cho Thái Lan... mượn, sau đó tiếp tục dùng ở các giải trong nước và quốc tế do Việt Nam đăng cai tổ chức.
Phương Hoa