Sát hạch lỏng lẻo
Bình Dương là 1 trong 3 địa phương có năng lực đào tạo lái xe ô tô lớn nhất khu vực phía Nam (sau TPHCM và tỉnh Đồng Nai) và các doanh nghiệp (DN) cũng có nhu cầu tuyển dụng lái xe container, xe tải hạng nặng thuộc diện hàng đầu trên cả nước, nhưng qua thanh tra, rà soát công tác sát hạch, tuyển dụng tài xế tại các cơ sở đào tạo tại đây cho thấy còn nhiều bất cập, làm gia tăng nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT) do các phương tiện xe container gây ra.
Toàn tỉnh hiện có 13 cơ sở đào tạo, 6 trung tâm sát hạch lái xe với lưu lượng đào tạo khoảng 6.500 học viên/khóa, đối với các hạng từ B1 đến E và FC. Tại các cơ sở đào tạo lái xe của Bộ GTVT trên địa bàn tỉnh Bình Dương cũng phát hiện một số vi phạm phổ biến, tác động trực tiếp đến chất lượng đào tạo như: hồ sơ học viên không đủ thành phần đơn đề nghị học, sát hạch để cấp giấy phép lái xe, bản khai thời gian và chiều dài hành trình an toàn (đối với học nâng hạng giấy phép lái xe) không đủ thông tin, thời gian đào tạo không đúng với kế hoạch đào tạo... (như Trung tâm Dạy nghề và đào tạo lái xe Thiên Tâm, Trung tâm Đào tạo lái xe Sóng Thần). Bên cạnh đó, việc sát hạch lỏng lẻo cũng được Thanh tra Bộ GTVT chỉ ra như: số lượng người làm việc trong phòng sát hạch lý thuyết nhiều hơn số người theo hướng dẫn thực hiện quy trình sát hạch lái xe mô tô và ô tô của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Đặc biệt, trong kết luận Thanh tra số 5899/KL-BGTVT đã nêu một số đơn vị có hợp đồng đào tạo lái xe với nội dung không phù hợp như: trích dẫn thông tin của giấy phép đào tạo lái xe không đúng hoặc căn cứ vào giấy phép đào tạo lái xe hết giá trị sử dụng, địa điểm học thực hành không có tuyến đường tập lái, thời gian đào tạo không đúng với kế hoạch đào tạo; từ đó đề xuất xử phạt hành chính những trường hợp vi phạm (như Phân hiệu Cao đẳng Đường sắt phía Nam).
Cũng do sát hạch dễ dãi nên tài xế thường mắc các lỗi cơ bản. Theo thống kê của Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt, Công an tỉnh Đồng Nai, trong 2 tháng đầu năm 2019, cơ quan này đã lập biên bản vi phạm đối với 18.643 trường hợp; trong đó xử phạt 17.959 trường hợp với số tiền khoảng 5,5 tỷ đồng và tước bằng lái xe có thời hạn 215 trường hợp. Các lỗi vi phạm thường gặp là chạy quá tốc độ quy định 566 trường hợp, có nồng đồ cồn 272 trường hợp, đi không đúng phần đường 1.037 trường hợp... Đặc biệt, phát hiện 86 trường hợp tài xế sử dụng bằng lái không hợp lệ.
Còn theo Ban ATGT tỉnh Đồng Nai, trong năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 347 vụ TNGT, làm chết 260 người, bị thương 214 người. Trong đó có hơn 50 vụ TNGT liên quan đến xe tải và xe container. Thời gian xảy ra TNGT chủ yếu từ 18 - 24 giờ (chiếm 38,3% số người chết, phần lớn là nam giới), với các nguyên nhân vi phạm có tỷ lệ cao nhất là thiếu chú ý quan sát (23,2%), chuyển hướng sai quy định, vượt sai quy định (chiếm 23,5%)… qua đó cho thấy việc dẫn đến TNGT có thể nói phần lớn do lỗi chủ quan của người tham gia giao thông, chưa chấp hành nghiêm các quy định khi tham gia giao thông.
Nhiều sai phạm trong đào tạo
Đồng Nai là địa phương có năng lực đào tạo lái xe lớn nhất nhì cả nước. Mới đây, Thanh tra Bộ GTVT tiến hành thanh tra công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ tại tỉnh này và phát hiện, xử lý hàng loạt vi phạm. Theo đó, loại vi phạm mà các trung tâm đào tạo lái xe bị “thổi còi” nhiều nhất là hệ thống cơ sở vật chất phục vụ đào tạo chưa đảm bảo so với quy định tại Nghị định số 65/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái ô tô. Cụ thể, sân tập lái của Trung tâm Dạy nghề và đào tạo lái xe 2 (Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân VI - Đồng Nai) không đảm bảo tiêu chuẩn. Một tồn tại phổ biến chung nữa là công tác tuyển sinh tại nhiều cơ sở đào tạo lái xe được thực hiện thiếu nghiêm túc. Mặc dù chỉ tiến hành kiểm tra xác suất, nhưng Thanh tra Bộ GTVT vẫn phát hiện nhiều đơn vị có một số hồ sơ học viên không đủ thành phần hồ sơ hoặc đơn đề nghị học, sát hạch để cấp giấy phép lái xe, bản khai thời gian và chiều dài hành trình lái xe an toàn (đối với học nâng hạng giấy phép lái xe) không đủ thông tin... Đáng chú ý, nhiều đơn vị có một số hợp đồng đào tạo có nội dung không phù hợp như: trích dẫn thông tin của giấy phép đào tạo lái xe không đúng hoặc căn cứ vào giấy phép đào tạo lái xe hết giá trị sử dụng, địa điểm học thực hành không có tuyến đường tập lái, thời gian đào tạo không đúng với kế hoạch đào tạo... Các đơn vị “dính” các lỗi nặng này là Trường Trung cấp Đinh Tiên Hoàng, Trường Cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai…
Ngoài ra, sổ theo dõi thực hành lái xe in sẵn tại một số cơ sở không có đủ chữ ký của trưởng ban nghề, giáo viên, học viên; ghi chép, phân bổ một số nội dung, thời gian, địa điểm đào tạo không phù hợp với thực tế giảng dạy. Còn đối với công tác sát hạch, qua kiểm tra, Thanh tra Bộ GTVT phát hiện Sở GTVT tỉnh Đồng Nai phân công sát hạch viên làm chủ tịch hội đồng sát hạch, tổ trưởng tổ sát hạch ở một số kỳ sát hạch lái xe không phải là người của cơ quan Quản lý sát hạch lái xe thuộc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai. Qua kiểm tra xác suất, Bộ GTVT còn phát hiện một số kỳ sát hạch có thời điểm số lượng người làm việc trong phòng sát hạch lý thuyết nhiều hơn số người theo quy định, hướng dẫn thực hiện quy trình sát hạch lái mô tô và ô tô của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Thanh tra Bộ GTVT đã kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính đối với Trường Trung cấp Đinh Tiên Hoàng.
Lãnh đạo Phòng Quản lý sát hạch lái xe (Sở GTVT Đồng Nai) cho biết, toàn tỉnh hiện có 20 cơ sở được phép đào tạo lái xe và 3 trung tâm sát hạch lái xe và để công tác giảng dạy, đào tạo lái xe trên địa bàn tỉnh đảm bảo chất lượng, thời gian tới, Sở GTVT Đồng Nai sẽ có kế hoạch kiểm tra chặt chẽ hơn.