Mới đây, khi tiến hành khám sức khỏe định kỳ cho các lái xe của một doanh nghiệp (DN) vận tải đóng trên địa bàn TP Biên Hòa, các bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y dược Shingmark Đồng Nai đã phát hiện 2 người dương tính với chất ma túy. Sự việc ngay lập tức được báo cáo lên Sở Y tế Đồng Nai nhưng lãnh đạo DN đề nghị bệnh viện không công bố thông tin rộng rãi vì sợ uy tín bị ảnh hưởng. Lãnh đạo bệnh viện cho biết, việc phát hiện 2 lái xe dương tính với ma túy chỉ là một sự tình cờ. Có thể do lái xe chủ quan nên mới bị phát hiện, bởi nếu họ mà đối phó thì khi đi khám sức khỏe định kỳ sẽ rất khó phát hiện.
Lãnh đạo Sở GTVT Đồng Nai cho biết, hiện có khoảng 20 cơ sở y tế đang được phép khám sức khỏe cho người thi cấp bằng lái xe. Việc cấp chứng nhận đủ điều kiện lái xe thuộc các cơ sở y tế, nhưng trong quá trình kiểm hồ sơ để thi sát hạch, nếu có trường hợp, mà bằng cảm quan đánh giá người thi không đủ điều kiện sức khỏe, thì Sở GTVT cũng sẽ loại ra và giải thích cho họ hiểu, nhằm đảm bảo an toàn giao thông sau này.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua Sở Y tế Đồng Nai đã có văn bản chỉ đạo các cơ sở y tế tuân thủ nghiêm quy định về việc khám và cấp giấy khám sức khỏe cho lái xe và đã đạt được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, hiện việc kiểm tra giám sát chất lượng khám và cấp giấy chứng nhận sức khỏe cho người dân nói chung và cho các lái xe nói riêng của các cơ sở y tế còn gặp nhiều khó khăn. Trước đây, số cơ sở y tế được phép khám và cấp giấy chứng nhận sức khỏe cho người dân rất ít và hạn chế, nhưng hiện nay quy định pháp luật được nới lỏng nên các cơ sở y tế khám và cấp giấy chứng nhận sức khỏe mọc lên tràn lan, nhất là các cơ sở y tế ngoài công lập.
“Trên thực tế, việc khám và cấp giấy khám sức khỏe cho người dân nói chung và cho những lái xe nói riêng của một số cơ sở y tế hiện vẫn chưa được đảm bảo, một số nơi khám chỉ mang tính hình thức nhưng bất cập trong việc xử lý do những ràng buộc của các quy định pháp luật”, một lãnh đạo Sở Y tế Đồng Nai nói.
Qua khảo sát của Sở Y tế Đồng Nai, hiện trên địa bàn đường Bùi Văn Hòa thuộc phường Long Bình và phường Long Bình Tân (TP Biên Hòa) có nhiều tiệm photocopy có bán giấy khám sức khỏe với giá 50.000 đồng mà không cần khám hoặc không cần người khám có mặt. Giấy khám sức khỏe này chỉ cần mua và ngồi đợi trong vòng 10 phút là xong. Mẫu giấy khám sức khỏe này có chữ ký, dấu mộc là của Trung tâm Y tế TP Biên Hòa và Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Tất cả mẫu giấy khám sức khỏe này đã được sở y tế chuyển đến 2 đơn vị trên để kiểm tra, đối chứng và được trả lời đều là giả.
Trong khi đó, theo thống kê của Phòng PA03 - Công an tỉnh Đồng Nai, hiện khu vực phường Long Bình và phường Long Bình Tân có khoảng 37 cơ sở photocopy có bán giấy khám sức khỏe không qua khám và giấy này không thuộc các cơ sở khám chữa bệnh. Hiện Sở Y tế Đồng Nai đang phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai điều tra, xử lý và báo cáo kết quả về UBND tỉnh Đồng Nai trong thời gian tới.
Lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cho biết, vừa tiến hành kiểm tra kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải của 36 DN, hợp tác xã kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh. Kết quả kiểm tra cho thấy, 32 DN vẫn còn nhiều sai phạm trong hoạt động vận tải hàng hóa, vận tải hành khách. Trong đó, sai phạm đáng lo ngại là chưa quan tâm thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho lái xe.
Qua kiểm tra, Sở GTVT Đồng Nai đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 18 đơn vị, thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải 12 đơn vị, nộp kho bạc nhà nước 86 triệu đồng. Đồng thời đình chỉ việc cấp phù hiệu đối với các đơn vị vận tải cho đến khi hoàn thành việc thực hiện khắc phục các nội dung vi phạm. Tuy nhiên, việc kiểm tra, phát hiện lái xe có sử dụng chất kích thích hay không vẫn là vấn đề còn bỏ ngỏ.
Dễ dãi trong tuyển dụng
Bình Dương được mệnh danh là “thủ đô” khu công nghiệp (KCN) của Việt Nam với hàng loạt KCN mọc lên thu hút khoảng 1 triệu lao động. Hai thị xã Dĩ An và Thuận An, nơi có trung tâm logistics quy mô lớn và hàng trăm bến bãi xe tải của các DN vận tải, hầu hết đều có nhu cầu tuyển dụng lái xe tải có bằng FC (lái xe container). Điều đáng nói là việc tuyển dụng, quản lý lái xe tải hạng nặng trong đó có container đang bị buông lỏng.
Chỉ trả lời phỏng vấn trực tiếp, không mang theo hồ sơ nhưng bộ phận tuyển dụng DN G.L.X (KCN Đồng An, thị xã Dĩ An) vẫn đồng ý tiếp nhận và hẹn ngày lái xe thử việc, với mức thu nhập từ 10 - 12 triệu đồng/tháng. Theo quy định, DN sử dụng lái xe tải hạng nặng phải thực hiện kiểm tra sức khỏe lái xe thường xuyên tại các cơ sở y tế nhưng hầu hết DN không thực hiện.
Anh Nguyễn Công Tầm (36 tuổi, lái xe đầu kéo công ty ART Việt Nam, thị xã Dĩ An), cho biết, đã làm việc tại công ty hơn 2 năm nhưng chưa đi khám sức khỏe lần nào, do bản thân chủ quan và công ty cũng không nhắc nhở. Bà Nguyễn Thị D. phụ trách bộ phận tuyển dụng của một DN vận tải tại Bình Dương cho hay, công ty luôn trong tình trạng thiếu lái xe, trong khi đơn hàng về dồn dập, nhưng không thể tuyển dụng đủ và kịp thời, nhất là vào thời điểm đầu năm, có nhiều người nghỉ việc. Để đảm bảo các thỏa thuận vận chuyển với khách hàng, nhiều lái xe phải “choàng gánh” thêm công việc bằng cách tăng tốc, tăng chuyến, làm thêm giờ, thậm chí có người làm cả ngày lẫn đêm để tăng thu nhập. Dù chưa có sự cố nào xảy ra nhưng nhìn cảnh cánh lái xe ngủ gục ngay buồng lái hoặc bất cứ chỗ nào có thể khi xong việc, khiến chúng tôi không khỏi lo lắng. Nên chăng, cần xử lý nghiêm các cơ sở sát hạch lái xe vi phạm, chủ DN tuyển dụng lao động không đủ sức khỏe hoặc gò ép lái xe làm việc quá giờ!
Với đặc thù là địa phương có ngành kinh tế gắn công nghiệp với cảng biển, Bà Rịa - Vũng Tàu có tổng số 325 DN, HTX kinh doanh vận tải đường bộ, với 6.723 phương tiện các loại. Trong đó, có khoảng 106 đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa với hơn 1.055 container tập trung chủ yếu ở thị xã Phú Mỹ, bởi nơi đây có nhiều cảng biển và khu công nghiệp. Qua công tác kiểm tra, thanh tra của lực lượng chuyên ngành cho thấy, nhiều DN còn chạy theo lợi nhuận nên đã buông lỏng công tác quản lý ảnh hưởng xấu đến hoạt động vận tải.
Theo ông Dương Viết Tri - Trưởng phòng Quản lý phương tiện vận tải và người lái (Sở GTVT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), sở chỉ quản lý về các điều kiện kinh doanh vận tải hàng hóa chứ không quản lý các lái xe. Việc tuyển dụng, sử dụng lái xe là của các DN, khi các DN trình hồ sơ (không có hồ sơ của lái xe), cơ quan chức năng chuyên môn xem xét DN này có đầy đủ giấy tờ hợp lệ hay không và từ đó ra quyết định cấp phù hiệu cho xe chạy. Còn khi thực hiện kiểm tra, thanh tra, nếu phát hiện DN vi phạm ở điểm nào sẽ xử lý theo quy định của pháp luật. Ông Tri cũng cho rằng, việc khám sức khỏe cho lái xe hiện nay còn nhiều tồn tại, nhiều lái xe trốn tránh hoặc đối phó việc khám sức khỏe và chỉ khi lực lượng công an kiểm tra mới bị phát hiện sử dụng ma túy, chứ nhiều khi chủ DN cũng không thể phát hiện lái xe có sử dụng hay không. Ngành GTVT không có nghĩa vụ thẩm định việc này. Dù kiểm tra, kiểm soát đến đâu thì ý thức của cá nhân lái xe là yếu tố hàng đầu. Chính vì vậy, việc đào tạo, tuyên truyền và giáo dục cho các lái xe cần phải được chú trọng hơn nữa.
Trong đợt ra quân thực hiện cao điểm kiểm tra ma túy, nồng độ cồn đối với lái xe ô tô, xe khách và xe tải, từ cuối tháng 1 đến nay của các lực lượng phối hợp thuộc công an tỉnh, đã phát hiện hơn 10 trường hợp lái xe ô tô tải, xe đầu kéo, container dương tính với ma túy.