Nỗi lo về “Kho báu châu Phi”

Vào những ngày này, tại Nhà khoa học trung tâm ở Mátxcơva đang diễn ra cuộc triển lãm mang tên “Kho báu châu Phi” giới thiệu những bức ảnh về các văn tự và tranh khắc đá của các bảo tàng ngoài trời trên lãnh thổ Libya.
Nỗi lo về “Kho báu châu Phi”

Vào những ngày này, tại Nhà khoa học trung tâm ở Mátxcơva đang diễn ra cuộc triển lãm mang tên “Kho báu châu Phi” giới thiệu những bức ảnh về các văn tự và tranh khắc đá của các bảo tàng ngoài trời trên lãnh thổ Libya.

Đó là ngọn núi Acacus và Mathandush trên biên giới với Algeria, dãy núi Uveynat ở ngã ba biên giới Libya, Ai Cập và Sudan. Tác giả những tấm ảnh này là nhà ngoại giao Nga Alexey Podtserob. 8 năm trời, ông đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao của Nga tại Libya. Trong thời gian này, Alexey Podtserob đã nhiều lần thực hiện hành trình dài ngày đến các khu vực xa xôi của Sahara, nơi vào năm 1995, lần đầu tiên ông bắt gặp những bức tranh khắc đá Acacus.

Bên trong bảo tàng Jamahiriya ở Tripoli.

Bên trong bảo tàng Jamahiriya ở Tripoli.

Nhà ngoại giao thuật lại: “Mặc dù được chuẩn bị trước nhưng tôi không khỏi ngỡ ngàng. Ấn tượng thật khó miêu tả: những quả núi nóng bỏng, đen thẫm, không chút thảm thực vật. Các thung lũng phủ cát nóng rát nằm giữa những dãy núi, đã có thời là nơi nước sông chảy qua”.

Ông Alexey Podtserob, cho biết mục đích mở cuộc triển lãm này nhằm cảnh báo mối nguy hiểm nghiêm trọng đang lơ lửng trên những kiệt tác nghệ thuật cổ đại tại Libya.

Theo nhà ngoại giao Nga, mối nguy hiểm nghiêm trọng vẫn đe dọa những kiệt tác nghệ thuật cổ đại, ngay cả khi ở Libya cuộc sống yên bình chưa bị xáo trộn, không chịu gánh nặng của “cuộc đấu tranh cho dân chủ” thì hiện tại, những âm mưu đánh cắp các bức tranh khắc đá vẫn xảy ra. Tội phạm sử dụng vật liệu được tẩm hợp chất đặc biệt, ép vào những vách đá lở Acacus và Uveynat làm hình ảnh chuyển sang mặt vải.

Còn các bức tranh biến mất mãi mãi, không cách nào tái dựng. Trên vách đá này chỉ còn lại những mảng trắng đặc trưng. Nhiều chuyên gia văn hóa cũng có chung nhận định, những kinh nghiệm của Iraq và Afghanistan cho thấy, giai đoạn hậu xung đột là nguy hiểm nhất. Những nhóm vũ trang sẽ lộng hành và vơ vét các di sản văn hóa.

Nước này còn nổi tiếng với “Kho tàng Benghazi” bao gồm hơn 10.000 đồ vật, với những đồng tiền vàng cổ của Hy Lạp, La Mã, Byzantne và thời đại Hồi giáo xa xưa, chưa kể tới những báu vật khác như những bức tượng nhỏ và đồ trang sức. Nhờ sự giàu có về giá trị lịch sử này nên Libya thu hút rất đông khách du lịch và trở thành “miếng mồi ngon” của những kẻ trộm cổ vật.

Theo ghi nhận chính thức, từ năm 1988 đến năm 2011 - giai đoạn trước khi chính quyền ông Gaddafi bị lật đổ, 90 cổ vật lịch sử như lọ gốm và tượng đã bị mất cắp cùng rất nhiều cổ vật khác bị biến mất khỏi các nhà bảo tàng trên khắp Libya.

Đến giai đoạn Libya rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị, những kẻ trộm cắp cổ vật lợi dụng giai đoạn hỗn loạn của Libya để cướp phá bất cứ thứ gì. Bảo tàng Jamahiriya ở Tripoli bị cướp phá nghiêm trọng. Tiếp đến, nhiều vụ đánh cắp quy mô xảy ra cả ở Cyren. Đây là một thành phố Hy Lạp cổ khổng lồ, xuất hiện từ thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên, tên gọi xuất phát của cả một tỉnh Libya ngày nay là Cyrenaica.

Đứng trước nguy cơ diệt vong vì sự đánh cắp tràn lan các di sản văn hóa. chính quyền mới của Libya đang làm việc với UNESCO và Interpol trong nỗ lực giành lại bộ sưu tập và những di chỉ khảo cổ bị mất cắp. 

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục