Những sự kiện gần đây giữa Nga và phương Tây khiến bầu không khí căng thẳng giữa hai bên càng thêm ngột ngạt. Rất nhiều tờ báo, trang tin trên thế giới trong ngày 30-5 đã có những bài viết tập trung vào các chuyển động xung quanh Nga và phương Tây, mối quan hệ ảnh hưởng đến phạm vi toàn cầu.
Tờ Deutsche Wirtschafts Nachrichten có bài viết nhận định, Thụy Điển - nước vừa ký một thỏa thuận với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về việc triển khai quân sự, đang tìm cách gửi đến Nga một “tín hiệu răn đe”. Trước đó, Quốc hội Thụy Điển đã thông qua hiệp định về hỗ trợ của nước chủ nhà, qua đó sẽ cho phép NATO chuyển lực lượng quân sự phản ứng nhanh và tiến hành tập trận quân sự trên lãnh thổ nước này. Bằng cách đó, Thụy Điển đã tìm ra cách tái lập quan hệ với NATO. Bộ Quốc phòng Thụy Điển đã giải thích sự cần thiết của bước như vậy là do sự hiện diện của mối đe dọa ngày càng tăng từ Nga.
Thụy Điển trước nay vẫn tránh không tham gia bất kỳ liên minh nào cũng như né tránh các cuộc đối đầu quân sự. Tuy nhiên, đến thời điểm này, theo lời Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Peter Hultqvist, chính sách của quốc gia Bắc Âu cần tương ứng với thời gian và sẵn sàng đẩy lùi các nguy cơ tiềm tàng. Mặc dù Bộ Quốc phòng Thụy Điển nhận định nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công từ phía Nga là khó có thể xảy ra, song Stockholm đã không bỏ lỡ cơ hội để “răn đe” Mátxcơva với việc nước này xích lại gần NATO.
Trang tin điện tử DefenseNews cho rằng, nếu Phần Lan và Thụy Điển quyết định cùng nhau gia nhập NATO có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng quan hệ thật sự với Mátxcơva. Trong đó, Phần Lan - quốc gia có chung 1.340km biên giới trên bộ với Nga, sẽ gặp phải những rủi ro nghiêm trọng. Đó chính là lý do mà Helsinki luôn do dự việc tham gia dù NATO luôn mở rộng cửa chào đón. Khi trả lời phỏng vấn tờ nhật báo của Thụy Điển Dagens Nyhete, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã tuyên bố rằng: Mátxcơva sẽ không ngần ngại “phản ứng” nếu Thụy Điển gia nhập NATO. Đây cũng là lời nhắc nhở dành cho Phần Lan bởi giới quan sát đều cảnh báo rằng Phần Lan sẽ bị tổn thương nghiêm trọng nếu chọc giận Nga.
Tạp chí National Interest (NI) số ra ngày 30-5 đã công bố thông tin về việc phát triển các tên lửa SM-3IIA, mà Bộ Quốc phòng Mỹ dự định dùng để đánh chặn tên lửa đạn đạo của đối phương. Nguồn tin cho biết, tên lửa mới là thành phần của hệ thống phòng thủ tên lửa, có thể được triển khai tại Ba Lan và Romania trong năm 2018. SM-3IIA đặt trên đất liền và trên biển, có khả năng phá hủy tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung bên ngoài khí quyển. Tài liệu được NI công bố có đoạn viết: bất kể kẻ thù tiềm năng cụ thể là Nga, Iran hay các quốc gia khác không được nêu tên, các tên lửa sẽ được lắp đặt để bảo vệ châu Âu và các nước đồng minh NATO trước mối đe dọa tên lửa. Theo kế hoạch, các cuộc thử nghiệm tên lửa mới sẽ bắt đầu vào nửa sau của năm 2016 và việc sản xuất tên lửa SM-3IIA sẽ do Mỹ và Nhật Bản phân chia trách nhiệm theo các công đoạn lắp ráp khác nhau.
Giáo sư chính trị quốc tế Ole Vever của Đại học Copenhagen (Đan Mạch) trong một cuộc phỏng vấn báo Politiken đã phát biểu rằng, NATO phải chấm dứt việc triển khai phòng thủ tên lửa trên biên giới với Nga. Giáo sư Vever gọi việc bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu là kế hoạch điên rồ. Theo ông, luận điểm của Nga về những sự kiện đã diễn ra trong 20 năm đầu sau Chiến tranh lạnh (trước năm 2010), có vẻ đúng hơn so với phương Tây. “Chúng ta đã cư xử với họ thiếu tôn trọng, như với một nước hạng ba”, Giáo sư Vever nói.
Một trong số cách đối xử thiếu tôn trọng được giáo sư người Đan Mạch chỉ ra là sự tập trung tiềm lực của liên minh gần biên giới Nga, việc tăng số lượng thiết bị quân sự ở các nước láng giềng với Nga và tàu chiến trên biển Baltic. Theo ông Vever, nỗi lo sợ xung đột với Nga của phương Tây đang bị phóng đại, Mátxcơva hiểu rất rõ mức độ nguy hiểm của một cuộc chiến lớn như vậy.
ĐỖ CAO