Cậu bé Sài Gòn (NXB Kim Đồng) là tâm sự của cậu bé sinh ra mang dòng máu Đài - Việt, luôn bị xem là người Đài Loan không thuần chủng, là con cái của những gia đình nhập cư, là những đứa ngốc nghếch. Cậu bé không bận tâm đến những điều đó, em tự nhận rằng, mình là người Trái đất, như bao nhiêu người khác.
Chuyện Cậu bé Sài Gòn được viết dưới hình thức hai giọng kể, tâm tình song song của Thiếu Khoan và mẹ em - Hảo, tạo nên góc nhìn nhiều chiều xúc cảm trước những sự việc xảy ra trong đời sống hằng ngày, từ đó giúp bộc lộ cảm xúc một cách chân thực nhất, đem lại nhiều cảm xúc cho độc giả.
Thiếu Khoan dù còn nhỏ nhưng em cảm nhận được hết những thiệt thòi mà mẹ phải chịu khi làm dâu ở Đài Loan. Bởi trong mắt em, mẹ luôn chăm chỉ, tất bật làm việc nhưng chưa bao giờ vừa ý bà nội. Bà nội tìm mọi cơ hội để chỉ trích, trách móc mẹ trong những việc nhỏ nhất, cấm mẹ con Thiếu Khoan không được nói tiếng Việt với nhau, không cho mẹ về quê thăm ông bà ngoại vì sợ tốn tiền, không thích khi mẹ nấu những món ăn Việt Nam, hay luôn xem thường mẹ là kẻ ăn bám trong nhà...
Tác phẩm "Cậu bé Sài Gòn" của nhà văn người Đài Loan Trương Hữu Ngư vừa được NXB Kim Đồng ấn hành. Thiếu Khoan dường như cảm nhận rõ những thiệt thòi buồn bã mà mẹ phải chịu đựng nên em và em gái Thiếu Nham luôn cố gắng học thật giỏi và thật chăm ngoan để mẹ không phải bị trách mắng, và em cũng không còn bị chê trách ngu ngốc vì không phải người thuần chủng Đài Loan, làm mẹ phiền lòng thêm nữa.
Theo dõi những trang nhật ký tâm sự của Thiếu Khoan mới thấy em đã trưởng thành từng ngày một, em luôn biết cố gắng hết sức mình dù cho mọi người có nói gì, em biết đứng ra bảo vệ mẹ mình khi thấy mẹ bị oan ức, em hiểu được nỗi khổ tâm của ba.
Đặc biệt trong một lần vì chuyện hiểu lầm, bà nội đã đổ cho mẹ ăn trộm vàng để dành của bà, và buông ra những lời cay nghiệt, Thiếu Khoan đã đứng ra nhận tội cho mẹ, dù em biết mẹ không làm, và em cũng không làm. Nhưng hành động ấy của Thiếu Khoan phần nào đã thể hiện được tình cảm sâu sắc và sự thấu hiểu yêu thương của em dành cho mẹ.
Khi câu chuyện hiểu lầm được hóa giải, bà nội cũng đã dần có những thái độ bớt cay nghiệt hơn với mẹ em. Câu chuyện dần chuyển sang những gam màu ấm áp thay thế cho màu sắc xám xịt buồn bã ban đầu. Trong hoàn cảnh ấy, niềm vui tươi và sự cố gắng hết sức mình của cậu bé Thiếu Khoan chính là điểm sáng, lan tỏa sự ấm áp khắp không gian câu chuyện.
Để viết tác phẩm Cậu bé Sài Gòn, tác giả Trương Hữu Ngư đã cùng với cô gái Việt Nam làm giúp việc bên Đài, tên Diện, về Việt Nam để tìm hiểu văn hóa, tư liệu sáng tác. Khoảng thời gian tiếp xúc với những cô gái Việt Nam, hiểu về văn hóa Việt Nam đã đem đến nhiều cảm tình, xúc động cho tác giả. Bà muốn viết một câu chuyện chia sẻ, cổ vũ tâm tư của những cô dâu Việt ở Đài Loan, hay những đứa trẻ lớn lên với hai dòng máu Việt - Đài. Chúng ta có thể thấu hiểu, chia sẻ, và yêu thương nhau bởi chúng ta đều là những người trên Trái đất.
Bởi thế, trong tác phẩm Cậu bé Sài Gòn, Trương Hữu Ngư đã tạo nên những khoảnh khắc ấm áp, những con người biết bao dung chia sẻ để an ủi cho những ngày khó khăn, khắc nghiệt mà Thiếu Khoan hay mẹ của em phải trải qua. Ở đó có bạn Phúc luôn nhiệt tình vui vẻ giúp đỡ Thiếu Khoan, có bác Kính Đen, luôn trò chuyện và cho hai anh em Thiếu Khoan mượn thật nhiều sách để đọc... Những điều nhỏ bé ấy khiến tâm tình con ngươi trở nên ấm áp hơn. Như lời tác giả tâm sự: “Người Trái đất gặp người Trái đất, cũng giống như sữa kết hợp với trà, dưa chua kết hợp với ớt đỏ, chua ngọt kết hợp với cá điêu hồng, mỗi thứ xa lạ kết hợp với nhau nên càng tuyệt vời”.
Lối viết dung dị, chân thành kết hợp với câu chuyện cảm động, Cậu bé Sài Gòn đã đánh thức những nỗi đồng cảm, chia sẻ của biết bao người đọc. Cuốn sách là câu chuyện đẹp đẽ về cách dung dưỡng mối quan hệ giữa con người với con, trong niềm khao khát hạnh phúc và sự bao dung.
Nhà văn Zangyouyu (Trương Hữu Ngư), đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề viết, là tác giả của hơn 40 đầu sách. Các tác phẩm nổi tiếng của bà gồm: bộ truyện Uma đầu nhỏ (với các tập Hồ sương mù, Phù thủy nhỏ lang thang trên trời, Cái đuôi đó là của ai? Thất lạc Elm Elf, Dã nhân truyền kỳ); Bố tôi là đầu gấu; Xin chào Mặc Váy; A Quốc đi xe giữa đường hoa; Pháo đến rồi, cổng vàng mau chạy!; Tạm biệt cây ô liu!; Thị trấn trứng chán; Hôm nay thế nào, công chúa hoàng gia?; Nghe nói, Mặt Trăng có một thư phòng...
PHONG LINH