Nội, ngoại cùng đua

Chưa có năm nào bánh kẹo tết lại đa dạng, phong phú như năm nay. Kinh doanh trong mùa tết sẽ chiếm khoảng 30% tổng doanh thu 1 năm của ngành bánh kẹo và tăng từ 3 đến 5 lần so với tháng thường tại thời điểm này. Các doanh nghiệp (DN) đều đã sẵn sàng để bước vào cuộc đua nước rút.
Nội, ngoại cùng đua

Thị trường bánh kẹo dịp tết:

Chưa có năm nào bánh kẹo tết lại đa dạng, phong phú như năm nay. Kinh doanh trong mùa tết sẽ chiếm khoảng 30% tổng doanh thu 1 năm của ngành bánh kẹo và tăng từ 3 đến 5 lần so với tháng thường tại thời điểm này. Các doanh nghiệp (DN) đều đã sẵn sàng để bước vào cuộc đua nước rút.

Sản xuất bánh phục vụ tết tại doanh nghiệp Việt Nam

Hàng nội - tăng chất, nâng lượng

Sau khi có thông tin chính thức Tập đoàn Mondelez International (Mỹ) mua 80% cổ phần mảng bánh kẹo của Tập đoàn Kinh Đô, dư luận cho rằng tết này không còn được ăn bánh kẹo Việt. Ngay lập tức, Kinh Đô khẳng định, Tết Ất Mùi 2015, công ty tung ra thị trường 5.000 tấn bánh kẹo, tăng hơn 10% so với năm 2014. Các nhóm sản phẩm có nhiều quy cách khác nhau từ 300g đến 700g với hộp thiếc tròn, vuông, hộp giấy…

Theo ông Nguyễn Xuân Luân, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Kinh Đô, thị trường tết 2015 được dự báo sẽ có những chuyển biến tốt. Để đáp ứng tốt nhất nhu cầu mua sắm, giúp người tiêu dùng yên tâm chọn sản phẩm bánh kẹo uy tín, chất lượng, công ty tập trung hợp lý hóa các chi phí như sản xuất, bán hàng… giữ mức giá hợp lý. Mặt khác, Kinh Đô triển khai các hoạt động thiết thực như tổ chức các chuyến xe mang không khí lễ hội đến các tỉnh thành, tái hiện các trò chơi dân gian vui nhộn tại các trung tâm thương mại ở TPHCM và Hà Nội, tổ chức các trò chơi trên website tết cũng như Facebook Kinh Đô...

Ông Phan Văn Thiện, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bibica, cho biết, tết năm nay Bibica đưa ra thị trường 1.350 tấn, tăng 20% so với năm ngoái, trong đó có 30% sản phẩm giữ nguyên giá thành, bằng năm 2014, số còn lại tăng khoảng 5%. Mức độ tiêu dùng tết tăng nhẹ 10% - 15%. Năm 2015, Bibica tiếp tục đầu tư mạnh cho mảng bánh kẹo trung và cao cấp vì sản phẩm của công ty đang được tiêu thụ rất tốt trên thị trường nhờ giá bán thấp hơn hàng ngoại 20% - 30%. “Để tạo sự khác biệt, mùa tết năm nay Bibica cho ra bộ sản phẩm truyền thống Lạc Việt nhằm tiếp tục khẳng định được thương hiệu Việt” - ông Thiện khẳng định.

Ở phân khúc thấp hơn, bên cạnh những sản phẩm truyền thống, được cải tiến mẫu mã bao bì, chất lượng sản phẩm, Công ty Bánh kẹo Phạm Nguyên còn đưa ra thị trường dòng sản phẩm bánh nhân mứt dâu tươi được nhập trực tiếp từ châu Âu. Ngoài ra, các DN bánh kẹo từ phía Bắc như Hải Hà, Hải Châu, Bảo Hiên Rồng Vàng, Minh Ngọc…; miền Trung có bánh kẹo Quảng Ngãi cũng đã tung ra thị trường sản lượng tăng 5% - 10% để đa dạng hóa sản phẩm, tạo nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng. Tại các chợ bán sỉ như Bình Tây, An Đông, các loại bánh kẹo cân ký chủ yếu do các DN, cơ sở sản xuất trong nước cung cấp. Hàng Trung Quốc không còn xuất hiện nhiều như trước.

Về sức mua đang tiến triển khá tốt, hiện các DN sản xuất đã và đang cung ứng đạt khoảng 50% - 60% kế hoạch tết. Nhiều khả năng, sản lượng tiêu thụ tết sẽ đạt kế hoạch.

Chọn mua bánh do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất trong dịp tết tại siêu thị. Ảnh: CAO THĂNG

Hàng ngoại không đáng ngại

Theo khảo sát của PV Báo SGGP, tại thời điểm này, trên quầy kệ của các siêu thị có vốn nước ngoài như Lotte Mart, Aeon Mall, Metro đều có quầy kệ riêng cho bánh kẹo nhập khẩu, phần lớn là những thương hiệu quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam từ năm qua như Orion, Danisa, LU, Ritz… Cụ thể, tại Lotte Mart, tỷ lệ bánh kẹo Việt chiếm 56,75%, ngoại nhập 43,25%, trong đó chủ yếu là các thương hiệu đến từ Hàn Quốc. Tại Aeon, mặc dù không có số liệu tách bạch nhưng các sản phẩm bánh kẹo mang thương hiệu riêng Top Value khá nhiều. Còn tại Metro, chủ yếu các sản phẩm đến từ Indonesia, Malaysia, Singapore, Pháp, Đức... Ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc đối ngoại BigC, cho biết, bánh kẹo Việt chiếm khoảng 90% tổng lượng bánh kẹo đang bày bán tại BigC. Người tiêu dùng ngày càng chuộng bánh kẹo Việt nhờ chất lượng nâng cao, mẫu mã, bao bì bắt mắt hơn. Nhiều thương hiệu Việt cũng làm tốt công tác quảng bá, thương hiệu trở nên quen thuộc với người tiêu dùng.

Chị H., chủ cửa hàng bánh kẹo Hoàn Hảo (số 326 Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh), thẳng thắn: “Gần đây tôi đọc báo thấy bánh kẹo nội lép vế hơn hàng ngoại, thực tế cũng có một vài đại lý đến chào hàng mới nhưng tôi dùng thử không thấy ngon, giá lại cao nên vẫn chỉ bán các mặt hàng quen thuộc, nội có, ngoại có. Tuy nhiên, hàng nội vẫn có ưu thế hơn về giá, hàng ngoại thì bánh LU và Danisa (loại hộp thiếc) bán chạy nhất”.

Nhìn chung, tại thời điểm này, bánh kẹo trong nước vẫn đang có nhiều ưu thế. Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương, nhận xét: “Việc các tập đoàn nước ngoài vào Việt Nam ngày càng nhiều cũng là lúc buộc các DN Việt phải năng động và không ngừng sáng tạo, tự đánh giá lại khả năng cạnh tranh, xác định hướng đi của mình. Tập trung vào các mặt hàng thế mạnh và độc đáo, chú trọng nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Sản phẩm nào cũng có thị phần của nó. Đừng quá đặt nặng DN Việt hay ngoại, nếu sản phẩm tốt khâu quản lý tốt thì DN vẫn có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng”.

Báo cáo nghiên cứu thị trường bánh kẹo Việt Nam của Công ty Khảo sát thị trường Quốc tế (BMI) cho thấy, năm 2013, doanh thu của ngành này đạt 24.600 tỷ đồng, lợi nhuận 2.400 tỷ đồng. Năm 2014, doanh thu của ngành dự kiến sẽ đạt 27.270 tỷ đồng, tăng 7,9%, cao hơn mức trung bình của khu vực Đông Nam Á 3% và 1,5% của thế giới. Thị trường bánh kẹo Việt Nam còn rất tiềm năng bởi mức tiêu thụ trên đầu người chỉ khoảng 2kg, thấp hơn mức trung bình của thế giới (2,8kg/người/năm). Trong lĩnh vực kỹ nghệ thực phẩm, bánh kẹo là ngành có mức tăng trưởng cao và ổn định. Đây chính là lý do các DN nước ngoài đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực này.

THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục