Dù đã có nhiều hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức người dân trong việc bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, tuy nhiên, bức tranh di tích TPHCM vẫn còn nhiều mảng tối cần quan tâm. Nhiều di tích nay chỉ còn lại trong ký ức và trong… sách vở.
Xâm hại di tích đến bao giờ?
Lâu nay, tình trạng di tích bị xâm hại, lấn chiếm đã được phản ánh khá nhiều, tuy nhiên vấn đề còn rất phức tạp. Bị xâm hại và lấn chiếm nặng nề nhất tại TPHCM có lẽ phải kể đến di tích chùa Phụng Sơn (còn gọi là chùa Gò, tọa lạc trên đường 3-2, phường 2, quận 11). Tình trạng 113 hộ dân xây dựng lấn chiếm đất chùa từ nhiều năm qua cho đến nay vẫn chưa có biện pháp giải quyết và xử lý căn cơ.
Một trong những nơi bị xâm hại nghiêm trọng không kém là di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Giác Lâm (đường Lạc Long Quân, phường 10, quận Tân Bình). Ngôi chùa này được xây dựng từ năm 1744, hiện vẫn còn lưu giữ 113 pho tượng cổ (được chế tác từ đầu thế kỷ 18), 19 bức hoành phi, 86 câu đối, một số bàn thờ và đồ thờ cổ - là nơi chứa đựng nhiều tư liệu quý báu về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc, điêu khắc. Chùa Giác Lâm đã được Bộ VH-TT chứng nhận là di tích lịch sử văn hóa ngày 16-11-1988. Dù đã được nhà chùa dốc sức bảo quản, gìn giữ nhưng từ nhiều năm qua vẫn còn xảy ra tình trạng một số người dân xung quanh xâm lấn khuôn viên chùa.
Theo đại đức Thích Từ Trí, Phó trụ trì chùa Giác Lâm, trước năm 1975, nhà chùa có cho một đơn vị mượn một phần đất đặt văn phòng ngay trong khuôn viên. Về sau, đơn vị này không hoạt động nhưng người của đơn vị cũ không trả mặt bằng mà còn cho một số hộ thuê lại. Chưa kể một số hộ dân khác (phía đường Lạc Long Quân) xây cất nhà diện tích hàng trăm mét vuông xâm lấn khuôn viên di tích.
Đến di tích quốc gia chùa Giác Viên (quận 11), chúng tôi chứng kiến tình trạng bị xâm hại, xuống cấp cũng rất nặng nề. Hiện tại, lối vào chùa chỉ còn mấy trụ xi măng trơ trọi, cạnh đó là khu mộ tháp hoang tàn, không có hàng rào ngăn cách, một số hộ dân gần đó đã biến khu này thành điểm tập kết rác, xà bần và nơi… phơi quần áo.
Di tích biến thành... nhà riêng
Đến căn phòng số 5 nhà số 88 đường Lê Lợi, phường Bến Thành, quận 1, chúng tôi không khỏi xót xa khi nơi đây hầu như không còn dấu vết của một di tích lịch sử quốc gia (đã được Bộ VH-TT công nhận ngày 16-11-1988). Đây là nơi thành lập Kỳ bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội Nam kỳ năm 1928. Dấu tích còn chăng chỉ là cánh cửa sắt cũ kỹ theo thời gian. Bên trong căn phòng, chủ nhân đã cho sửa chữa, làm thêm một gác lửng bằng gỗ và hầu như không còn lưu giữ hiện vật nào gắn với sự kiện lịch sử này. Qua nhiều đời chủ cư ngụ, căn nhà này đã được cấp giấy chứng nhận Quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (QSHNƠ và QSDĐƠ) cho một cá nhân ngày 4-6-2007.
Tương tự, tại di tích lịch sử cấp quốc gia nơi thành lập An Nam Cộng sản Đảng vào năm 1929 (phòng 2, lầu 1, nhà số 1 đường Nguyễn Trung Trực, phường Bến Thành, quận 1) cũng không còn lưu giữ hiện vật nào gắn với sự kiện lịch sử trên. Thời Pháp thuộc, đây là căn phòng trong khách sạn có tên gọi “Phong cảnh khách lầu”, khu vực sầm uất của trung tâm TP Sài Gòn và nơi khách vãng lai ra vào thường xuyên. Sau khi nghiên cứu kỹ tình hình khách sạn và khu vực chung quanh, đồng chí Châu Văn Liêm quyết định thuê căn phòng này (gồm 2 buồng, tổng diện tích khoảng 34m2) làm địa điểm cho gần 30 thành viên tiến hành đại hội thành lập tổ chức An Nam Cộng sản Đảng. Căn nhà này cũng đã được cấp giấy chứng nhận QSHNƠ và QSDĐƠ cho bà Đ.T.D ngày 20-1-2003. Theo chúng tôi được biết, hiện căn nhà này đã bán lại cho một người khác.
Qua nhiều ngày thực tế, chúng tôi rất ngạc nhiên khi chứng kiến những địa điểm ghi dấu lịch sử một thời nay hầu như chỉ còn lại trong ký ức. Bi đát hơn cả là di tích lịch sử nơi đặt trụ sở Tòa soạn báo Dân chúng (cơ quan của Trung ương Đảng), ở số 43 đường Lê Thị Hồng Gấm, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1. Thật khó hiểu khi địa điểm lịch sử nổi tiếng - nơi đánh dấu một nét son quan trọng trong trang sử truyền thống của ngành báo chí cách mạng Việt Nam - nay gần như không còn mấy vết tích và đã thay đổi hoàn toàn cấu trúc ban đầu. Được biết, địa chỉ số 43 Lê Thị Hồng Gấm đã thuộc quyền sở hữu của tư nhân từ năm 1991. Di tích lịch sử cấp quốc gia này, nay đã là một tòa nhà 6 tầng lầu! Ngay cả tấm bia ghi lại sự kiện đặt giữa hai căn nhà số 41 và 43 Lê Thị Hồng Gấm trước đây giờ cũng không còn!
Điều 13, chương 1 của Luật Di sản Văn hóa quy định rõ: nghiêm cấm các hành vi chiếm đoạt, làm sai lệch di sản văn hóa; hủy hoại hoặc gây nguy cơ hủy hoại di sản văn hóa; xây dựng trái phép; lấn chiếm đất đai thuộc di tích lịch sử văn hóa… Tình trạng di tích biến thành… nhà riêng như trên liệu có vi phạm pháp luật?
* Tính đến nay, TPHCM có 132 công trình, địa điểm đã được quyết định công nhận xếp hạng di tích. Trong số đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 53 di tích cấp quốc gia và 78 di tích cấp TP. |
Minh An