Thế nhưng, đây lại là nhóm lao động có thu nhập thấp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Theo thống kê, hơn 95,7% người làm việc không có hợp đồng và tất nhiên họ không có bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), không có tổ chức đứng ra bảo vệ quyền và lợi ích khi xảy ra tai nạn hay tranh chấp.
Lao động “toàn không”
Để có chi phí lo cho gia đình và con cái đi học, hơn 20 năm qua, vợ chồng chị Trần Thị Thủy chấp nhận làm công nhân vệ sinh dân lập tại quận 4 (TPHCM).
Hàng ngày, dù trời nắng hay mưa, vợ chồng chị cũng đi làm đúng giờ. Công việc của chị là đẩy cái xe tự chế (bên trên là thùng nhựa to, phía dưới gắn các bánh xe) đi thu gom rác sinh hoạt của từng hộ gia đình trong các con hẻm.
Còn công việc của anh Trung, chồng chị Thủy, là khi vợ đẩy xe rác nhỏ về điểm tập kết thì anh đổ tất cả đống “xà bần” lên xe rác lớn. Nhanh thoăn thoắt, tay anh vừa phân loại để lấy những thứ có thể bán được cho vào những chiếc túi ni lông treo trên xe, còn đôi chân mang đôi giày mủ có đôi chỗ đã rách liên tục đạp mạnh xuống xe nén rác cho chắc gọn lại, để một chuyến xe có thể chở được nhiều rác hơn.
Lao động tự do làm nghề thu gom rác dân lập không có các chế độ, quyền lợi như nhóm lao động chính thức
Bản thân anh Trung không biết mình đang đạp lên những đồ vật gì, chị Thủy cũng không biết mình đang đổ cái gì vào xe để chồng mình đạp chân lên. Họ chỉ gọi chung đó là rác. Không biết bao nhiêu lần chân anh Trung tứa máu vì đạp phải miểng chai, sắt, thậm chí là kim tiêm. Thường xuyên phải làm việc trong môi trường độc hại, nhưng anh chị không được trang bị đồ bảo hộ lao động.
Chị Thủy bảo, từ khi đi làm đến nay, ngoài lương thì vợ chồng chị không có thêm chế độ gì; ngay cả ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) cũng không có. “Bộ quần áo đang mặc này, mình cũng phải tự trang bị.
Giày dép thì có gì tụi tui mang nấy. Từ kinh nghiệm nhờ làm lâu mà chú ý tránh để không bị tai nạn, chứ cũng chưa được tham gia buổi học nào về an toàn lao động cả. Biết là làm công việc này có nhiều thiệt thòi, nhưng vì mưu sinh nên phải ráng”, chị Thủy chia sẻ.
Một lực lượng lao động tự do đang chiếm tỷ lệ khá cao là những công nhân trên các công trình xây dựng. Đây là lực lượng phải làm việc ở cường độ lao động căng thẳng, có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động cao, nhưng lại không được trang bị kiến thức về an toàn lao động, không có đồ bảo hộ, không được ký HĐLĐ nên các chế độ về đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm tai nạn cũng không có.
“Chủ nói làm xong công trình này thì đi công trình khác, có việc thì cứ làm, lương họ trả đủ thì cần gì ký hợp đồng, nếu không chịu thì cứ nghỉ. Mình cần việc để có thu nhập thì phải chấp nhận, chứ trình độ thấp quá, tôi biết tìm việc ở đâu”, anh Trần Hồng Minh (38 tuổi, quê Trà Vinh, làm công nhân tại công trình trên địa bàn quận Tân Phú, TPHCM) cho biết. Không ít lần anh chứng kiến bạn đồng nghiệp bị tai nạn, chủ cũng hỗ trợ ít tiền lo thuốc thang rồi cho về quê dưỡng bệnh.
Được thuê làm phụ xe kiêm bốc vác, thấy chủ xe có đăng ký pháp nhân là công ty nên Nguyễn Hiếu Hậu (26 tuổi, quê Hậu Giang) yêu cầu chủ ký hợp đồng lao động, nhưng được trả lời: không làm thì nghỉ. Cần việc, Hậu chấp nhận làm nhưng rất lo sợ nếu xảy ra tai nạn thì không ai bảo vệ quyền lợi cho mình. Hầu hết lao động tự do biết rằng do không có ràng buộc gì về pháp lý với chủ, nên nếu xảy ra tranh chấp thì việc khiếu nại, đòi bồi thường chỉ là vô ích.
Ai bảo vệ lao động tự do?
Hiện Nhà nước chỉ mới có chính sách về tiền lương, an sinh xã hội cho nhóm lao động khu vực chính thức, còn nhóm lao động tự do thì chưa có quy định nào.
Ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách pháp luật - Liên đoàn Lao động TPHCM, nhìn nhận thời gian qua nhóm lao động tự do đang đứng bên lề xã hội, họ chưa nhận được sự quan tâm của các cơ quan ban ngành.
Nguyên nhân, do không có cơ chế, nguồn kinh phí nào để chăm lo. “Tại một số quận - huyện, lực lượng lao động rác dân lập, xe ôm đã vào nghiệp đoàn. Qua đó, chúng tôi đã có những buổi tuyên truyền chính sách, pháp luật, an toàn lao động. Dịp lễ, tết, chúng tôi cũng đã vận động các nguồn để chăm lo cho đối tượng này”, ông Nguyễn Thành Đô cho biết.
Tại Nghiệp đoàn xe ôm quận 1, Liên đoàn Lao động quận đã tổ chức nhiều hoạt động chăm lo cho những người chạy xe ôm có hoàn cảnh khó khăn, bệnh nan y, vận động nguồn trao BHYT, bảo hiểm tai nạn, hỗ trợ chi phí chữa bệnh, tổ chức các lớp học cung cấp kiến thức pháp luật…
Nghiệp đoàn vệ sinh dân lập quận 10 cũng được chăm lo hỗ trợ mua BHYT tự nguyện, tặng quà vào dịp lễ, tết, có đồng phục và được tuyên truyền về pháp luật.
Theo luật sư Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật - Liên đoàn Lao động TPHCM, lao động tự do vì không có HĐLĐ nên khi xảy ra tranh chấp sẽ chịu nhiều thiệt thòi.
Với những người làm công việc thường xuyên, liên tục (như thu gom rác dân lập, lao động tại các công trình…) thì nên yêu cầu ký HĐLĐ, dù là 1 tháng. Bởi từ ngày 1-1-2018, luật quy định đối với HĐLĐ ký 1 tháng thì bắt buộc phải mua BHXH. Đây là quyền lợi cho người lao động về sau.
“Theo tôi, người lao động tự do nên chủ động bảo vệ quyền lợi của mình bằng cách tham gia vào nghiệp đoàn. Khi đã vào tổ chức, người lao động sẽ được hưởng các chế độ chăm lo cũng như được bảo vệ khi có tranh chấp xảy ra”, luật sư Trần Văn Triều lưu ý.
Luật sư Trần Văn Triều tư vấn: Khi xảy ra tranh chấp, dù không có HĐLĐ, nhưng nếu có quan hệ lao động (thuê mướn có trả lương) thì người lao động có thể nhờ phòng LĐTB-XH tại địa phương (nơi xảy ra tranh chấp) can thiệp. Với người không có hợp đồng, không có bảng lương để chứng minh, thì chỉ cần có người làm chứng mình có làm việc, vẫn có thể giải quyết về pháp lý.