Sáng 24-12, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM phối hợp với Sở Thông tin - Truyền thông TP tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động xuất bản - in - phát hành TP năm 2014. Các số liệu thống kê hoạt động xuất bản ở TP cho thấy, năm 2014 là năm ngành xuất bản ghi nhận nhiều sự kiện vui buồn, thậm chí nhiều người còn đánh giá đây là năm nhiều sự kiện nhất của ngành xuất bản thời gian qua.
Bạn đọc trẻ chọn sách
Những sự cố đáng buồn
Hàng loạt sự cố của ngành xuất bản trong năm qua như vụ từ điển diễn giải sai, sách luật in hình bìa nhảm nhí, sách danh tướng minh họa tắc trách… được nêu lên trong báo cáo tổng kết công tác xuất bản của Sở Thông tin - Truyền thông (TT-TT) TP. Nhiều người cho rằng nguyên nhân chính là do hoạt động liên kết xuất bản, một trong những thay đổi lớn nhất của ngành xuất bản trong nước kể từ giai đoạn mở cửa đến nay.
Ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ, cho rằng lỗi không phải ở liên kết xuất bản mà ngược lại chính nhờ liên kết đã góp phần tạo nên sự đa dạng cho văn hóa đọc. Ông Nhựt cũng cho biết, công tác xuất bản trước nay thường chỉ quản tốt hai lĩnh vực là chính trị và đồi trụy, thế nhưng lại lơ là những vấn đề khác. Trong giới làm sách, hầu như ai cũng biết các sai sót hầu như đều chỉ tập trung ở một số đơn vị xuất bản, làm sách cụ thể, các sai lầm cứ lặp đi lặp lại, trong khi nhiều NXB khác dù làm sách liên kết vẫn duy trì chất lượng tốt.
Ông Võ Văn Long, Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM, khẳng định sai sót thời gian qua là do các NXB và nếu có kiểm tra nghiêm túc, cơ chế quản lý chặt chẽ thì đã không có các lỗi sai. Thực tế nhiều đơn vị khoán trắng cho các đối tác liên kết, thậm chí gắn thêm trang, sửa nội dung cũng không biết. Ủng hộ quan điểm này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Thái Hà Book, còn cho biết cụ thể hơn: “Ít nhất khoảng 1/3 các NXB trong nước hoạt động chưa nghiêm túc, nhất là trong việc cấp phép xuất bản”.
Các sai sót vừa qua chiếm chưa đến 1% tổng lượng sách xuất bản trong năm nhưng lại ảnh hưởng rất tiêu cực đến niềm tin của bạn đọc với ngành xuất bản trong nước. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành xuất bản trong năm 2015 là nỗ lực xây dựng lại niềm tin của bạn đọc.
Trước lời “cáo buộc” của đại diện Công ty Đại Trường Phát, đơn vị chuyên làm giáo trình, từ điển, rằng sách lậu lộng hành như hiện nay là do có sự tiếp tay của ngành in, ông Nguyễn Văn Tròn, Chủ tịch Hội In TPHCM, khẳng định, ngành in TP không tiếp tay cho in lậu. Ngành in TP ghi nhận năm 2014 là năm thứ 2 liên tiếp hầu như không phát triển. Lý do là nguồn in đang giảm mạnh, toàn bộ in sách chỉ chiếm khoảng 15% tổng số đơn hàng in trong đó chỉ riêng in sách giáo khoa đã chiếm khoảng 7% - 8%. Sản lượng in chủ yếu là bao bì nhãn hàng và cũng vì thế chịu ảnh hưởng trực tiếp vào sự trồi sụt của nền kinh tế.
Câu chuyện giá sách
|
Năm 2014, hai đơn vị phát hành sách trực tuyến là Tiki và Vinabook gây xôn xao dư luận vì cuộc cạnh tranh giá sách dữ dội đến mức có lúc giá sách bán ra thấp hơn cả giá gốc do NXB đưa ra. Dĩ nhiên, không chỉ đơn vị bán sách chịu lỗ hàng tỷ đồng mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của các đơn vị khác khi bạn đọc không chịu mua sách mà chỉ chăm chăm ngồi chờ xem sách giảm giá. Điều này thậm chí ảnh hưởng đến cả kế hoạch thực hiện sách của các NXB, đơn vị làm sách.
Cũng chính cuộc cạnh tranh này đã khiến vấn đề giá sách được đặt ra. Đại diện NXB Đại học Quốc gia cho rằng giá sách in trên bìa hiện nay đều là giá ảo, chỉ có khoảng 10% số tiền này đến tay tác giả, còn từ 35% đến 50% là tiền chiết khấu thuộc về các nhà phát hành. Thậm chí có ý kiến đề nghị cần có sự quản lý của nhà nước về việc chiết khấu giá sách. Tuy nhiên, ông Phạm Minh Thuận, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát hành sách TPHCM (Fahasa), khẳng định việc quản lý giá sách là trái với quy luật phát triển. Các đơn vị phát hành để có được chiết khấu cao, buộc phải đầu tư vào hệ thống nhà sách càng ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp. Ông Thuận cho biết, nhu cầu của bạn đọc hiện nay ngày càng cao hơn, sách cẩu thả, luộm thuộm không có chỗ đứng, nhà sách nghèo nàn về số lượng, xập xệ, tối tăm cũng thế. Bạn đọc muốn đến với các nhà sách lớn, tiện nghi, thuận lợi và thực tế đã chứng minh các nhà phát hành lớn nhất cả nước, chiếm đến hơn 60% số sách phát hành đều là các nhà sách quy mô lớn.
Còn về mức chiết khấu, năm 2014 đại diện một NXB của Đức trong cuộc giao lưu tại TPHCM cho biết, tại Đức, mức chiết khấu cho các nhà phát hành trung bình ở mức 60% và đó gần như là một thông lệ quốc tế do trong hoạt động kinh tế hiện nay, phát hành chính là khâu ảnh hưởng lớn nhất đến thành công kinh doanh của một tác phẩm.
Ông Phạm Minh Thuận cũng cho rằng, thay vì bàn đến việc ép mức giá theo hành chính thì các đơn vị nên tính đến việc cạnh tranh về chất lượng sách như nội dung, trình bày, in ấn để tạo nên thương hiệu. Khi có thương hiệu, được bạn đọc ủng hộ thì đơn vị làm sách mới có điều kiện để thương thảo các ưu đãi về chiết khấu.
Tường Vy