Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) được trình Quốc hội thảo luận vào cuối tháng 10 vừa qua cho phép cá nhân, tổ chức nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Qua thảo luận, hầu hết ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thống nhất về việc mở rộng đối tượng và điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Cần mở rộng hơn nữa
Thị trường bất động sản (BĐS) vẫn còn tồn kho lớn ở phân khúc nhà cao cấp, biệt thự. Trong khi đó, rất nhiều người nước ngoài có nhu cầu mua nhà ở Việt Nam để làm ăn, sinh sống nhưng những quy định, thủ tục pháp lý của ta quá chặt chẽ và rườm rà, khiến nguồn lực lớn này không thể tiếp cận để khơi thông thị trường BĐS một cách hiệu quả. Bộ Xây dựng thống kê, tính đến cuối tháng 8-2014, tổng giá trị tồn kho BĐS trong cả nước vẫn ở mức cao, lên tới trên 82.000 tỷ đồng.
Mở rộng điều kiện cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam sẽ tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Ảnh: HÀ PHƯƠNG
Chính vì thế, quy định này đã thu hút được nhiều sự quan tâm và đồng thuận của các ĐBQH. ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Trần Văn Minh cho biết rất đồng tình với dự thảo về quy định người Việt Nam ở nước ngoài được phép nhập cảnh về Việt Nam thì có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất mà không bị hạn chế về số lượng và loại nhà ở được sở hữu. Theo ông Trần Văn Minh, hiện có khoảng hơn 4 triệu người Việt Nam ở nước ngoài với lượng kiều hối hàng năm gửi về nước hàng chục tỷ USD. “Quy định này giúp cho thị trường BĐS hoạt động tốt hơn, góp phần phát triển kinh tế, đặc biệt làm cho kiều bào được gần gũi, gắn bó với quê hương hơn, góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước” - ông Trần Văn Minh nhận định.
Cùng quan điểm trên, TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM, cũng hoàn toàn ủng hộ các quy định mở rộng điều kiện và đối tượng cho người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam, trong đó kèm điều kiện chỉ bán nhà trong 50 năm. TS Trần Du Lịch cho rằng, quy định này không chỉ giải quyết sự tồn kho nhất thời mà đã giải quyết đồng bộ các vấn đề của thị trường BĐS vì người nước ngoài chỉ được sở hữu nhà ở Việt Nam có thời hạn. Ủng hộ cao về việc “nới” quyền mua nhà, sở hữu nhà ở của người nước ngoài, ĐBQH TPHCM Trương Trọng Nghĩa còn đề nghị “cởi trói” hơn nữa cho đối tượng này bởi theo ông, khi được sở hữu hợp pháp nhà tại Việt Nam thì không nên hạn chế quyền cho thuê lại. Ngoài ra, ông Nghĩa cũng cho rằng, đã hạn chế họ xây dựng dự án thì đừng hạn chế quyền được xây dựng nhà riêng lẻ, miễn là không vi phạm khu vực cấm.
Đừng lo chuyện không đáng lo
Thực tế cho thấy, nhiều doanh nhân nước ngoài có cơ sở kinh doanh tại nhiều nước, họ đến ở, làm việc mỗi đợt từ vài ngày đến vài tuần và đi lại thường xuyên nên có nhu cầu mua nhà tại Việt Nam. Do đó, một trong những điểm mới theo đề xuất trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) là quy định cứ nhập cảnh thì được mua nhà. Tuy nhiên, vẫn còn ý kiến băn khoăn về vấn đề này. Nhiều ĐBQH cho rằng cần quy định chặt chẽ hơn về thời gian cư trú tại Việt Nam cũng như các điều kiện hạn chế cụ thể khác để tránh đầu cơ, gây lũng loạn thị trường BĐS và đảm bảo an ninh quốc phòng.
Nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT Đặng Hùng Võ cũng cho rằng, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) được mong đợi sẽ tạo điều kiện thông thoáng cho người nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam. Nếu loại bỏ quy định trên thì chẳng còn gì đột phá nữa. Theo TS Đặng Hùng Võ, với lo ngại quy định này quá rộng, dẫn đến việc người nước ngoài đầu cơ BĐS, lũng đoạn thị trường là sự lo ngại không cần thiết bởi lẽ họ chỉ được phép mua nhà trong những vùng nhất định chứ không phải khu vực nào cũng được mua.
TS Đặng Hùng Võ phân tích thêm: người nước ngoài cũng chỉ được mua loại nhà ở có giá bán cao hơn mức giá do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ. Cùng với đó, người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam cũng đã được quy định cụ thể về thời gian. “Chúng ta đừng nên lo những chuyện không đáng lo. Theo tôi, việc cho người nước ngoài sau khi nhập cảnh được mua nhà sẽ tạo nên một động lực mới cho BĐS, đem về cho Việt Nam một nguồn tiền lớn chứ khó dẫn đến tình trạng “sốt” BĐS vì thị trường hiện đang ở trong giai đoạn trầm lắng” - ông Đặng Hùng Võ nhận định.
MINH HUY - HÀ PHƯƠNG