Ông là cựu chiến binh, nhà ở quận 9, đi làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà. Chỉ riêng làm bản vẽ hiện trạng nhà đất, ông phải làm đến 9 bản vẽ, bị hẹn lên hẹn xuống không biết bao nhiêu lần. Mặc dù tiền lương hưu và tiền trợ cấp không đủ tiền xe và thuê vẽ bản vẽ, nhưng uất quá, ông đã tính đem 9 cái bản vẽ trị giá 5-6 triệu bạc ấy ra đốt…
Thế nhưng khi kể cho tôi nghe xong, biết tôi có ý định viết bài, ông đã vội cản: “Tôi khổ quá, kể với cô vậy thôi. Cô viết báo chỉ đăng được một ngày, cả nhà tôi với mấy ông chính quyền địa phương còn ăn đời ở kiếp. Báo đăng lên, xong chuyện này lại phiền hà chuyện khác. Cô có dám đảm bảo mỗi khi nhà tôi bị hành một chuyện lại viết một bài không?”.
Bẵng một thời gian, tôi ghé nhà, ông cho hay hồ sơ vẫn chưa xong. Ông lại than thở rồi dặn tôi… đừng viết (!)
Tại phòng tiếp dân UBND quận Bình Thạnh sáng 16-10, một ông già cũng la toáng lên vì chuyện ông bị hẹn đến 6 lần mà không xong việc. Ông ném trả anh nhân viên tờ phiếu hẹn đã không còn chỗ trống vì số lần ghi hẹn bổ sung quá nhiều.
Ông đưa tôi xem rất nhiều giấy tờ nhưng khi kết thúc câu chuyện cũng dặn: “Cô khoan viết. Lần này họ hẹn tiếp 20 ngày, để chờ xem đã. Lên báo rồi biết đâu chuyện lại không xong…”.
Có không ít trường hợp như vậy. Họ có thể hào hứng trút bỏ những bức xúc với bất kỳ ai, nhưng khi được đề nghị đưa lên báo thì lại đổi ý, vì… sợ. Rõ ràng, bộ máy hành chính là để phục vụ dân nhưng “phục vụ” đến mức để dân bức xúc mà không dám nói, không dám phản ánh thì… vô lý thực!
MAI HƯƠNG