Nói sự thật…

Cái làm bạn nhớ hơn cả mỗi khi bước vào nhà thương – theo thiển ý của người viết - có lẽ là ánh mắt ngập tràn hy vọng của người bệnh khi thấy thấp thoáng bóng áo blouse trắng ở cửa phòng bệnh. Chính vì niềm tin cháy bỏng vào sự sống này, đôi khi người thầy thuốc tự dằn vặt có nên nói hay không nói sự thật về bệnh tình, nhất là lúc kết quả xét nghiệm khẳng định điều xấu nhất.

Xưa kia, ông tổ của nghề y là Hippocrates đã dạy là ngoài tình thương và sự tận tâm cứu chữa, người thầy thuốc tuyệt đối không được để bệnh nhân biết những hiểm họa đang đe dọa tính mạng họ. Và chắc là các y sinh của ông hẳn còn nhớ Sigmund Freud đã quát to “Ai cho phép anh được nói với tôi về điều này?” khi biết mình mang bệnh ung thư. Bởi vì người sáng lập ra thuyết phân tâm học dù có dũng cảm và lịch duyệt mấy vẫn không thể chịu nổi “sự thật phũ phàng” mà người chữa trị cho ông đã vô tình thốt ra.

Những người hành nghề theo cách “cổ điển” như vậy thường cho rằng một chẩn đoán “quá sức chịu đựng” làm rắc rối tiến trình điều trị và gây ra những hậu quả không lường được. Họ dẫn chứng một trường hợp chết “lâm sàng” cụ thể: Bác sĩ ung bướu thông báo chẩn đoán “u ác” cho người bệnh vốn gây ấn tượng là người điềm đạm, trầm tĩnh, vững tin. Nhưng sau khi nghe những lời dặn dò và cầm lấy giấy xét nghiệm bổ sung, anh ta đã cảm ơn bác sĩ rồi… nhảy qua cửa sổ… đi luôn.

Đây có lẽ là chuyện hy hữu, nhưng nào ai biết người bệnh sẽ làm gì khi biết sự thật đang chờ đón mình. Tuy nhiên với sự phát triển của công nghiệp hóa dược, người ta nhìn nhận vấn đề y đức này theo cách khác là phải cung cấp cho người bệnh mọi thông tin liên quan đến sức khỏe, từ xét nghiệm, cách chữa, loại thuốc dùng… đến cả những hậu quả sẽ đến. Với họ, sự thật dù có đau đớn mấy thì vẫn không nguy hiểm bằng “lời nói dối chân thật”.

Và một trong những viên gạch xây nên “mô hình mới” là lập luận mọi người sinh ra… đều có toàn quyền quyết định sức khỏe và thể xác của mình. Cách hiểu này đã loại trừ hoàn toàn ý muốn che giấu chẩn đoán thật về người bệnh vì thông tin cá nhân không thuộc về người chữa trị cũng như cơ sở chữa trị nói chung. Về thực chất, y học đã trở thành một lãnh vực dịch vụ đặc thù. Và tuy mạng sống và sức khỏe “người đặt hàng” phụ thuộc vào tay nghề và lương tâm của “người thực hiện”, nhưng về nguyên tắc, mối quan hệ mới giữa bác sĩ và người bệnh cũng không khác là bao so với các quan hệ “cung” “cầu” khác.

Thế nhưng, chúng ta vẫn day dứt trước câu hỏi muôn thủa là có được phép nói sự thật và nói sự thật khi nào để người bệnh đỡ bệnh?

Bích An

Tin cùng chuyên mục