
Liệu mangan trong thùng inox có bị hòa tan trong nước để trở thành chất độc không? Liệu trong những con nghêu hiền lành mà ngư dân Việt Nam nuôi lâu nay, có chất nào có thể gây tác động xấu đến sức khỏe người tiêu dùng? Trong dãy nhà đã bạc màu sơn ở số 2 Nguyễn Văn Thủ quận 1, TPHCM, có những người ngày ngày khoác blue trắng, âm thầm… tìm chất độc.
Lời bảo chứng

Chị Mỹ Linh đang phân tích chất độc màu da cam (Dioxin). Ảnh: HỒ XUNG
Khi sự kiện bồn inox Toàn Mỹ có chứa chất mangan và nghi vấn có thể gây ung thư cho người sử dụng được đặt ra, doanh nghiệp này đứng trước một cơ nguy lớn chưa từng có. Từ doanh số cả tỷ đồng/ngày tụt xuống bằng không. Không chỉ những người dân đang sử dụng bồn nước inox Toàn Mỹ lo lắng, mà nhà sản xuất cũng vội vã tìm câu trả lời từ các nhà khoa học: thùng nước có mangan thì nước bên trong độc hay không độc?
Từ tỉnh Bình Dương, câu hỏi đó được chuyển về TPHCM, gửi đến các phòng thí nghiệm uy tín để tìm một câu trả lời chính xác và khoa học. Khi các nhà khoa học trả lời rằng mangan trong thùng inox không ảnh hưởng đến chất lượng nước, mọi người mới có thể thở phào nhẹ nhõm.
Với bà Phạm Kim Phương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TPHCM (CASE) và các cán bộ của mình, những yêu cầu về phân tích thành phần của các sản phẩm thương mại như vụ thùng inox nói trên là một thế mạnh. “CASE xác định được các thành phần của nhiều sản phẩm thương mại dù rất phức tạp, nhận danh được hầu hết các hóa chất bán trên thương trường hoặc nhập lậu, thậm chí là các hóa chất chôn sâu từ hàng chục năm nay”, bà Phạm Kim Phương tự hào nói.
Cơ sở cho lòng tự hào của bà Phương khá vững chắc. Thành lập từ hơn 20 năm nay với sự hợp tác giữa hai Chính phủ Pháp và Việt Nam, nhà và các phòng thí nghiệm của CASE được xây dựng theo các thiết kế chi tiết của Pháp. Thậm chí số nguyên vật liệu như ống dẫn khí, hệ thống làm lạnh, các ổ cắm điện trong các labo… đều được mang từ Pháp qua. Cán bộ sử dụng các thiết bị phân tích tại trung tâm cũng được Pháp đào tạo, và sự phát triển của CASE trong 20 năm qua mang niềm tự hào của cả hai nước. Năm 1997, CASE là đơn vị đầu tiên trong cả nước được tổ chức AFAQ (Pháp) chứng nhận đạt tiêu chuẩn quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9002: 1994. CASE cũng đã được VILAS công nhận năng lực phòng thí nghiệm. Các tiêu chuẩn này đều được đánh giá lại theo thời gian, và đến nay vẫn đạt các chứng nhận theo phiên bản mới.
Từ việc được cộng đồng khoa học trong nước và thế giới công nhận năng lực, bằng các phân tích, xét nghiệm của mình, CASE lại tạo ra những lời bảo chứng cho các sản phẩm Việt Nam trên thương trường trong và ngoài nước. Một trong những kết quả nổi bật của CASE là thông qua việc hợp tác với NAFIQUACEN từ năm 1997 đến năm 2000 đã phân tích dư lượng thuốc trừ sâu, dư lượng kháng sinh, độc tố sinh học biển, hoóc môn tăng trưởng... chứng nhận đạt các chỉ tiêu quốc tế quy định để tạo điều kiện cho Việt Nam trở thành một trong 8 nước lúc bấy giờ được phép xuất khẩu nghêu, sò vào thị trường khó tính châu Âu.
Cho hôm nay, cho ngày mai...
Sau hơn 20 năm thành lập, bây giờ, Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm ở số 2 Nguyễn Văn Thủ, quận 1 TPHCM đã là một tòa nhà bạc thếch màu sơn. Tuy vậy, vào từng phòng thí nghiệm của CASE, chúng tôi vẫn thấy những loại máy còn sáng màu thép mới. Theo các chuyên viên phân tích tại đây, CASE có trang thiết bị phân tích tương đối đồng bộ và hiện đại, cho phép định tính và định lượng các nguyên tố hóa học ở các hàm lượng đa lượng (%), vi lượng (mg/kg, mg/l), siêu vi lượng… “Trung tâm được TPHCM đầu tư những thiết bị và kỹ thuật phân tích mới ước tính đến nay đã vượt trên 2 triệu USD.
Với sự đầu tư thích đáng này, các labo của CASE hiện có thể sánh ngang về chất lượng thiết bị với các labo nhiều nước. Các loại máy như sắc ký khí, sắc ký lỏng, hấp thu nguyên tử AAS, phát xạ nguyên tử ICP đến sắc ký lỏng ghép khối phổ LC/MSn, sắc ký khí ghép phối phổ độ phân giải cao HRGC/HRMS… đóng vai trò phân tích vô cùng quan trọng phục vụ các sản phẩm nông lâm ngư nghiệp xuất khẩu, sản xuất và tiêu dùng trong nước”, bà Phạm Kim Phương giới thiệu.
Theo bà Phương, bên cạnh việc phân tích xét nghiệm đáp ứng nhu cầu của xã hội, CASE cũng thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu đào tạo như hướng dẫn sinh viên làm luận văn tốt nghiệp, luận án thạc sĩ, tiến sĩ… Một phần trong những chương trình đào tạo này đã đóng góp vào việc đào tạo cán bộ cho chính CASE.
Được biết, hiện CASE đã được TP phê duyệt xây dựng lại thành một trung tâm phân tích chất lượng cao ngang tầm khu vực với vốn đầu tư trên 70 tỷ đồng, trong đó 40 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị, 30 tỷ đồng xây dựng mới trung tâm với thiết kế 7 tầng cho 7 bộ phận làm việc, để CASE tiếp tục là người “lính gác cửa” đáng tin cậy, phân tích tìm chất độc, ngăn chặn những sản phẩm kém chất lượng, bảo đảm an toàn cho xã hội.
Minh Tú
CASE là nơi duy nhất hiện nay của Việt Nam có thể phân tích định lượng các độc tố gây mất trí nhớ ASP, gây tiêu chảy DSP, gây bại liệt PSP có thể có trong nhuyễn thể hai mảnh vỏ như: nghêu, sò, hến, hàu… và đang hợp tác với các phòng kiểm nghiệm của Bộ Thủy sản để điều tra và phòng trừ việc nhiễm độc đối với sản phẩm của Việt Nam. H.X. |